Multimedia Đọc Báo in

Những nỗi đau dệt nên huyền thoại

09:04, 28/07/2013

Có nỗi đau nào hơn nỗi đau mất người thân trên đời. Nhưng cũng có nỗi đau nào dệt nên huyền thoại như nỗi đau của những người Mẹ Việt Nam Anh hùng.

Nước mắt Mẹ không còn để khóc chồng, khóc con mãi mãi không bao giờ về với Mẹ nhưng lòng Mẹ vẫn được an ủi khi sự hy sinh của mình đã trở thành một trong những nhịp cầu bé nhỏ để nối những bờ vui, đưa con thuyền dân tộc đến bến bờ độc lập. Cũng bởi ý nghĩa thiêng liêng của hai từ tự do mà dù có phải đón nhận chất chồng những mất mát, phía sau những lệnh bài liệt sĩ, biết bao người Mẹ Việt Nam vẫn anh dũng, kiên trung, mãi mãi là hậu phương vững chắc, cả trong thời chiến cũng như thời bình.

Bức ảnh
Bức ảnh "Đợi con về" do nhiếp ảnh gia Trần Hồng ghi hình Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Thứ ở Quảng Nam. (Ảnh minh họa)

Tháng bảy tri ân, tháng bảy nghĩa tình. Trong những giọt nước trời ngâu, tôi lại bắt gặp rất nhiều, rất nhiều những giọt nước mắt của Mẹ. Những giọt nước mắt chỉ đủ làm ướt nhèm đôi mắt đã mờ sương chứ chẳng thể lăn dài trên gò má nhăn nheo, in hằn dấu vết tháng năm. Mẹ nhớ con. Không ai thương con bằng mẹ và cũng không ai yêu mẹ bằng con. Nhưng Mẹ đã dâng hiến cả tài sản vô giá nhất của đời mình – những đứa con - cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Sự hy sinh của Mẹ chẳng gì có thể bù đắp được. Sự hy sinh thậm chí đến mức ngoài sức tưởng tượng của sự bao dung, bất khuất, kiên cường. Ấy là một lần tôi  đến thăm Mẹ Việt Nam Anh hùng Phạm Thị Bốc ở thôn 1, xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột. Trong ngôi nhà nhỏ đơn sơ, gia sản thiêng liêng nhất là 4 bức ảnh liệt sĩ: chồng, hai con trai và con gái của Mẹ. Một năm 4 lần chít vành khăn tang trên đầu, nỗi đau tưởng chừng đã làm Mẹ gục ngã. Nhưng tiếng khóc của hai đứa con thơ dại đã giúp Mẹ đứng lên từ niềm đau tột cùng. Mẹ biết suốt cuộc đời này Mẹ là mẹ nhưng cũng là cha. Nuốt nước mắt vào trong, một nách 3 con thơ, Mẹ tảo tần sớm hôm, làm thuê cuốc mướn, vượt qua mưa bom bão đạn nuôi dạy con cái khôn lớn thành người cho đến ngày hôm nay.

Ai bảo phụ nữ yếu mềm? Đúng nhưng hình như chưa đủ. Tôi đã tự tìm câu trả lời ấy cho mình trước những xúc cảm và cả sự yêu kính mênh mang khi nghe câu chuyện về những người Mẹ Việt Nam nhỏ bé nhưng dẻo dai, kiên trung trong tranh đấu. Cũng một ngày tháng bảy, tôi được đến thăm nhà Mẹ Việt Nam Anh hùng Võ Thị Bốn ở khối 2, thị trấn Phước An, huyện Krông Pak. Vào năm 1955, gia đình Mẹ cùng với hàng trăm người dân Quảng Nam trong một đợt bị địch “xúc” lên Tây Nguyên đã đến với mảnh đất Krông Bông của Dak Lak. Tại đây, cả gia đình Mẹ lại cùng nhau tham gia đấu tranh, liên lạc, móc nối cơ sở cách mạng. Mang trong mình vết thương từ khi còn hoạt động bí mật ở Quảng Nam, chồng Mẹ không lâu sau đó qua đời… Vừa một mình nuôi con, Mẹ tiếp tục tham gia tiếp tế, tải đạn, tải gạo… cho bộ đội. Nhưng rồi cuối năm 1955, người con trai duy nhất của Mẹ lúc ấy mới 16 tuổi đã hy sinh khi đang làm nhiệm vụ đưa thư, công văn. Ôm lệnh bài của chồng, của con, nén chặt nỗi đau thể xác với những vết thương bị địch bắn trên hai cánh tay và lớn hơn là nỗi đau tâm hồn khi mất những người yêu thương nhất, Mẹ hun đúc ngọn lửa căm hờn trong tháng ngày cùng bà con H9 tranh đấu.

Phía sau những lệnh bài liệt sĩ là nỗi đau và nước mắt. Nhưng cũng phía sau những lệnh bài liệt sĩ là tâm hồn, khí phách phụ nữ Việt Nam. “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”, 8 chữ vàng Bác Hồ kính yêu trao tặng đã đủ đầy tất cả ý nghĩa, phẩm hạnh, nhân cách của phụ nữ Việt Nam. Câu chuyện về sự hy sinh của những người Mẹ Việt Nam Anh hùng mãi mãi là một phần linh thiêng của lịch sử…

Đàm Thuần


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.