Multimedia Đọc Báo in

Người trở về từ trận chiến Gạc Ma

10:52, 27/07/2013

Đến bây giờ đã 25 năm trôi qua, nhưng ký ức về trận chiến bất tử tại đảo Gạc Ma (thuộc quần đảo Trường Sa) với quân Trung Quốc xảy ra ngày 14-3-1988 vẫn in sâu trong tâm khảm của người lính hải quân Trương Văn Hiền. Anh và đồng đội đã chiến đấu anh dũng để bảo vệ vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Ký ức bi hùng

Ấm niềm vui trong căn nhà mới vừa được Đoàn thanh niên của Tổng Công ty IDICO (Đoàn khối Bộ Xây dựng) tặng cho gia đình, anh Trương Văn Hiền (ở thôn 3, xã Hòa Thắng, TP. Buôn Ma Thuột) vẫn không giấu được những cảm xúc khi cầm tấm hình chụp chung với đồng đội cũ. Anh trầm ngâm nhớ lại ký ức bi hùng về trận chiến Gạc Ma không thể nào quên trong cuộc đời mình.

9 người lính chiến đấu ở đảo Gạc Ma (mặc áo hải quân) bị quân Trung Quốc bắt và thả về sau 4 năm giam giữ. Anh Trương Văn Hiền (ngồi hàng đầu, ngoài cùng bên trái) (ảnh chụp lại).
9 người lính chiến đấu ở đảo Gạc Ma (mặc áo hải quân) bị quân Trung Quốc bắt và thả về sau 4 năm giam giữ. Anh Trương Văn Hiền (ngồi hàng đầu, ngoài cùng bên trái) (ảnh chụp lại).

Tháng 3-1986 khi vừa tròn 18 tuổi, Trương Văn Hiền xung phong đi bộ đội, vào quân chủng hải quân, thuộc tiểu đoàn 6 Hải đồ, chuyên thực hiện nhiệm vụ đo đạc địa chất. Đến tháng 3-1988 thì nhận được lệnh của cấp trên chuẩn bị ra Trường Sa làm nhiệm vụ đo đạc trên đảo. Ngày 11-3-1988, anh Hiền cùng các thủy thủ khác rời cảng Cam Ranh ra Trường Sa trên chiếc tàu vận tải HQ-604. Sau gần 2 ngày 3 đêm tàu HQ-604 thả neo gần đảo Gạc Ma để thủy thủ chuẩn bị chuyển vật liệu lên đảo để xây dựng. Anh em đang làm nhiệm vụ thì tàu Hải quân Trung Quốc áp sát tàu HQ-604 và dùng loa gọi sang khiêu khích, uy hiếp, yêu cầu hải quân Việt Nam rời khỏi đảo. Trong thời khắc đó, anh em trên tàu HQ-604 đã động viên nhau kiên trì bám giữ đảo, quyết tâm không để mắc mưu kẻ địch. Thuyền trưởng Vũ Phi Trừ được lệnh tiếp cận đảo và khẩn trương chuyển vật liệu xây dựng lên đặt mốc chủ quyền đúng vào lúc 12 giờ đêm ngày 13-3. Đến rạng sáng ngày 14-3, tàu Trung Quốc với vũ khí trang bị hiện đại đưa quân tiến sát, hai bên đánh nhau giáp lá cà, giằng co khoảng 1 giờ đồng hồ thì lính Trung Quốc nổ súng, tàu chiến Trung Quốc nã pháo 100 mm tấn công, anh Hiền và đồng đội chống trả quyết liệt trong tình thế hoàn toàn không cân sức. Anh em lần lượt ngã xuống, máu nhuộm đỏ cả cột cờ, tàu HQ-604 cũng bị đạn pháo từ tàu chiến Trung Quốc bắn chìm. “Lúc đó tôi ở trên đảo bị thương do mảnh đạn pháo, nên đã ngã xuống biển, sau đó tôi ôm lấy một mảnh gỗ, trôi ba ngày hai đêm trên biển. Khi tỉnh lại mới biết mình đã bị Hải quân Trung Quốc bắt đưa về Quảng Đông”, anh Hiền kể. Thời gian đầu anh bị cai ngục đánh đập dã man, mỗi ngày chỉ cho ăn 3 bánh mì tròn nhỏ như bánh bao, rỗng ruột và một chén nước cháo. Anh và đồng đội còn bị bác sĩ tới tận nhà tù “chăm sóc” bằng những mũi tiêm không rõ mục đích. Sau 3 năm bị giam cầm, nhờ sự viếng thăm của Hội Chữ Thập Đỏ thế giới, bữa ăn của các anh được cải thiện chút đỉnh, anh Hiền cùng đồng đội mới được gặp nhau và bắt đầu được liên lạc về Việt Nam và gia đình.

 Và cuộc mưu sinh đầy khó nhọc

Anh Trương Văn Hiền  với tấm Huân chương Chiến công hạng 3.
Anh Trương Văn Hiền với tấm Huân chương Chiến công hạng Ba.

Năm 1991, Trung Quốc “phóng thích tù binh” qua đường cửa khẩu Bằng Tường, các anh được đưa về an dưỡng tại Nhà khách Hải quân trong khoảng thời gian từ tháng 9-1991 đến tháng 2-1992. Tại đây anh Hiền cùng đồng đội được khám và điều trị vết thương, xác định thương tật đồng thời nhận Huân chương Chiến công Hạng Ba. Khi về quê, trong niềm vui khôn tả của gia đình anh Hiền mới biết tên mình nằm trong danh sách 74 chiến sĩ hy sinh và mất tích trong trận chiến Gạc Ma, gia đình đã lập bàn thờ. Sau đó, anh lang bạt khá nhiều nơi để làm thuê kiếm sống. Trong thời gian kiếm kế sinh nhai ở Dak Lak, anh đã gặp chị Bùi Thị Phượng, rồi cưới nhau. Đến giờ, đã có hai con, nhưng họ vẫn phải ở nhờ trong ngôi nhà nhỏ của người chị. Anh trai anh Hiền kể, do bị trúng đạn rồi bị tra tấn nên cứ trái gió trở trời là bệnh tình tái phát. Bình thường thì anh hiền khô, nhưng khi lên cơn là vợ con phải đi lánh ở bên nhà chị, bởi anh la hét, đập phá đồ đạc…, đêm đến thì đau nhức không ngủ được. Thương lắm, nhưng nhà khó quá, vợ thì bị đau cột sống, không thể lao động để kiếm tiền, mọi khoản chi trong nhà đều trông chờ vào chút sức lực còn lại của anh Hiền. Những ngày bệnh không hành hạ, anh ráng đi làm đủ thứ việc từ phụ hồ đến đào hố cà phê, cuốc cỏ... mong kiểm đủ ăn ba bữa cho vợ con. Đứa con lớn năm nay đã vào lớp 12, đứa út vào lớp 3, gánh nặng cơm, áo, gạo, tiền lại tiếp tục dồn lên thân hình ốm yếu của anh, nỗi lo lắng hằn rõ trên đôi mắt khắc khổ của người cựu chiến binh một thời vào sinh ra tử. Niềm trăn trở lớn nhất của gia đình anh là mong được sự quan tâm của chính quyền sở tại, làm chế độ chính sách cho anh để giúp gia đình anh có cuộc sống đỡ vất vả hơn, bởi đến bây giờ anh chưa được hưởng một chế độ chính sách nào. Riêng anh, vẫn đau đáu một điều là được một lần ra lại Trường Sa để thắp nén nhang cho đồng đội đã hy sinh bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của tổ quốc.

Thuận Nguyễn


Ý kiến bạn đọc