Trọn nghĩa vẹn tình với Mẹ Việt Nam Anh hùng
Dak Lak hiện có 21 Mẹ Việt Nam Anh hùng (MVNAH) đều thuộc tuổi thượng thọ. Mẹ có tuổi cao nhất năm nay đã 107 và mẹ ít nhất cũng đã 81 tuổi. Những ký ức chia ly, nỗi mong con, chờ chồng của các MVNAH giờ đã thành hoài niệm, thay vào đó là niềm tự hào về truyền thống gia đình, về chồng, con đã chiến đấu, hy sinh cho đất nước, quê hương…
Má thương nhất thằng Hai
MVNAH Lê Thị Đắc cùng chồng lần giở những kỷ niệm của các con đã hy sinh. |
Một ngày đầu tháng Bảy, theo chân cán bộ chính sách huyện Cư M’gar chúng tôi đến thăm gia đình MVNAH Lê Thị Đắc (thôn Tiến Cường, xã Quảng Tiến) - một trong 2 MVNAH còn sống trên địa bàn huyện. Năm nay đã bước qua tuổi 89 nhưng mẹ còn nhanh nhẹn, minh mẫn lắm. Thấy có khách đến thăm, mẹ dừng tay phơi quần áo, mời mọi người vào nhà. Biết chúng tôi đến thăm, tìm hiểu viết bài nhân Ngày Thương binh Liệt sĩ (27-7), ông Trương Văn Lân (chồng mẹ) tình nguyện làm “thông dịch viên” vì gần đây mẹ mắc chứng hay quên và không còn nghe rõ như trước. Vẫn như hồi còn trẻ, mẹ làm việc luôn tay, lúc thì quét sân vườn, khi thì giặt quần áo, thỉnh thoảng lại đi chợ, nhưng không phải mua thức ăn mà được gặp người này, người khác cho khuây khỏa. Thật lạ, mẹ quên rất nhiều chuyện nhưng ký ức về những năm tháng chồng hoạt động cách mạng trong rừng, một mình vừa làm việc cật lực nuôi các con khôn lớn, vừa khôn khéo né tránh sự quấy nhiễu của bọn cán bộ chiêu hồi ở địa phương, như những thước phim quay chậm, ùa về nấc nghẹn. Mẹ kể: biết chồng, các con theo cách mạng, ngụy quân, ngụy quyền thường đến nhà dụ dỗ mẹ kêu gọi chồng con chiêu hồi, thậm chí có đêm chúng giả vờ là đồng đội của chồng, con đến gửi nhu yếu phẩm; Sáng hôm sau, mẹ tức tốc lên xã nói: “Các ông không nên làm phiền dân chúng vào ban đêm, nhà tôi có sẵn một chiếc mõ, nếu các ông còn tới, tôi sẽ gõ cho làng xóm nghe”. Nhiều lần khác, địch mời mẹ lên trụ sở xã động viên chồng đi làm xa ở đâu thì kêu về. Mẹ dõng dạc: “Tôi không biết ổng đi đâu, nếu các ông biết thì kêu về giùm”. Kể đến đây, ánh mắt mẹ Đắc nhìn về những khuôn ảnh treo trên tường. Mẹ có tất cả 11 người con, 2 đứa mất lúc còn nhỏ, 3 đứa đã vĩnh viễn nằm lại trên chiến trường khi tuổi còn rất trẻ. Nỗi đau chồng chất nỗi đau, chỉ trong vòng 8 năm (từ năm 1967-1974), mẹ lần lượt mất đi ba người con, gồm 2 trai và 1 gái. Trong số 3 đứa con, mẹ thương nhất thằng Hai - Trương Văn Sử (hy sinh năm 1974). Câu chuyện anh Sử tâm sự với ba, má tháng 2 năm sau sẽ cưới vợ trong một lần từ đơn vị về thăm nhà cách đây gần 40 năm như vừa mới xảy ra hôm qua. Niềm vui có con dâu, cháu nội chưa thành hiện thực thì anh đã mãi ra đi với ước nguyện hôn nhân chẳng bao giờ thành. Hoài niệm xót thương của mẹ chợt dừng lại, xua tan bởi tiếng cười đùa của những đứa cháu ngoại ngoài sân. Mẹ lại say sưa với những câu chuyện của những năm tháng khi còn ở quê. Nơi đó khi mặt trời vừa tắt nắng, các bà, các mẹ lại ngồi vào khung cửi dệt vải, nhiều đôi trái gái nên duyên chồng vợ cũng từ những đêm dệt vải như thế. Bất giác bà hát khe khẽ: Thương anh chẳng biết để đâu. Để trong cái hũ lâu lâu lại dòm. Cả ông và bà cùng bật cười như thuở mười chín, đôi mươi…
Niềm vui cuối chiều
MVNAH Ngô Thị Tấn và các cháu xem bức chân dung do họa sĩ Đặng Ái Việt tặng. |
Rời nhà Mẹ Đắc, chúng tôi đến thăm nhà MVNAH Ngô Thị Tấn (sinh năm 1920) ở khu phố 1, thị trấn Quảng Phú khi trời đã quá trưa để chuyển bức chân dung do nữ họa sĩ Đặng Ái Việt (người chỉ với chiếc xe gắn máy cũ, bút chì và máy ảnh, vượt qua hơn 8.000km đi dọc các tỉnh từ bắc chí nam, khắc họa hơn 200 chân dung MVNAH) vẽ tặng mẹ hồi đầu tháng Tư vừa qua. Cái nắng oi bức giữa trưa hè khiến mọi người vã mồ hôi, thấm ướt cả lưng áo, nhưng mẹ Tấn liên tục kêu lạnh. Chị Nguyễn Thị Duyên, cháu dâu duy nhất của mẹ cho biết, có khách đến thăm, trông bà tươi tắn, hoạt bát hẳn lên chứ mấy ngày nay, bà mệt và buồn lắm! Cầm bức chân dung trong tay, mẹ ngắm nghía thật kỹ, chốc chốc lại đưa tay lên dụi mắt để nhìn rõ hơn. Lặng đi thật lâu, mẹ chợt nói: “vui lắm, thích lắm, nhưng trông già quá”. Mẹ đưa tay chỉ tấm hình treo trên tường được chụp cách đây hơn 20 năm nói: “Hình này trông trẻ và đẹp hơn!” Chị Duyên cho hay, mẹ rất thích chụp hình, nên những lần được mời tham dự các hội nghị mẹ đều chụp một vài tấm giữ làm kỷ niệm. Hơn 12 năm kể từ ngày bị tai nạn phải ngồi xe lăn, mẹ chưa soi gương lần nào nên cứ nghĩ mình vẫn còn trẻ. Nghe chúng tôi và chị Duyên nói chuyện, mẹ liên tục đưa tay đấm lên ngực và nói: “Tức quá đi, cái tai này không còn nghe được nữa”. Sợ mẹ mệt, chúng tôi đề nghị chị Duyên đưa bà vào trong nghỉ, nhưng mẹ nhất định không chịu, mẹ thích nghe chúng tôi nói chuyện, dù là câu được, câu mất. Chị Duyên đã phải kề sát tai và nói thật to mẹ mới hiểu chúng tôi muốn hỏi chuyện gì. Như dòng nước được khơi thông, mẹ kể, hai vợ chồng cùng hoạt động cách mạng, ban ngày vận chuyển lương thực thực phẩm, ban đêm học xóa mù chữ. Hồi ấy, tổ chức động viên mỗi cặp vợ chồng chỉ sinh một, hoặc hai con nên hai vợ chồng chỉ sinh một mình anh Đỗ Tấn. Năm Tấn 16 tuổi, ông bà kèo nài mãi anh mới chịu cưới vợ và một năm sau thì sinh được con trai Đỗ Phát (chồng chị Duyên). Niềm vui có cháu chưa được trọn vẹn, tháng 12-1967, anh Tấn hy sinh và chưa đầy một năm sau thì chồng mẹ (ông Đỗ Tuấn) cũng bị giặc cướp đi mạng sống giữa trận tiền. Sự nghiệt ngã của chiến tranh đã cướp đi hai người đàn ông thân thương nhất của mẹ chỉ trong vòng chưa đến một năm. Hai người phụ nữ mất chồng sống dưới một mái nhà, cùng động viên nhau chăm sóc, nuôi dạy đứa cháu, đứa con trai duy nhất là cháu đích tôn của mẹ. Khi anh Phát được vài tuổi, mẹ nhận nuôi và động viên con dâu đi bước nữa. Kể đến đây, từng giọt nước mắt lăn dài trên khuôn mặt hằn đầy nếp nhăn của mẹ. Ở cái tuổi 93, không còn khỏe, nhưng mẹ vẫn nói những lời khiêm nhường, khiến những người đối diện vô cùng cảm phục đức độ. Mẹ bảo, mình mất chồng, mất con, nhưng vẫn còn may mắn hơn nhiều người phụ nữ khác. Mình vẫn còn có cháu để nương tựa và lúc nào cũng có Đảng và Nhà nước quan tâm, chăm sóc phụng dưỡng. Niềm vui lớn nhất của mẹ là nhìn 4 đứa cháu kêu bằng cụ cố đang trưởng thành, ngoan ngoãn…
Trên địa bàn tỉnh hiện có 21 MVNAH đang còn sống (TP. Buôn Ma Thuột còn 7 mẹ; Ea Kar, Krông Pak mỗi huyện 4 mẹ, Cư Kuin, Krông Bông, Cư M’gar mỗi huyện 2 mẹ). Mẹ cao tuổi nhất là Vương Thị Liền, sinh năm 1906 (107 tuổi), quê xã Bình Giang, huyện Thăng Bình, Quảng Nam có 2 con đẻ và 1 con nuôi hy sinh, hiện đang ở thị trấn Phước An. Mẹ ít tuổi nhất Võ Thị Bốn sinh năm 1922 (81 tuổi), quê xã Duy Hòa, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam, có chồng và 2 con hy sinh, hiện cũng ở thị trấn Phước An. Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Thương binh, bệnh binh, gia đình quân nhân và gia đình liệt sĩ là những người có công với Tổ quốc, với nhân dân. Cho nên bổn phận chúng ta là phải biết ơn, phải thương yêu giúp đỡ họ”, ngoài thực hiện tốt chính sách ưu đãi, các địa phương, đơn vị đã nhận phụng dưỡng các mẹ suốt đời. Việc thăm hỏi, chăm sóc này không chỉ là trách nhiệm, tri ân sự hy sinh mất mát của lớp người đi trước mà là tình cảm, đạo lý “uống nước nhớ nguồn” tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
Nguyên Hoa
Ý kiến bạn đọc