Multimedia Đọc Báo in

Cách mạng Tháng Tám với bài học thời cơ

08:37, 17/08/2013

Trong suốt chiều dài của lịch sử dựng nước và giữ nước của mình, dân tộc Việt Nam đã viết lên những trang lịch sử hào hùng mà oanh liệt, chói lọi và vô cùng vẻ vang. Trong những trang vàng rực rỡ truyền thống ấy, cách mạng mùa thu Tháng Tám năm 1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại là một trong những trang chói lọi nhất, đánh dấu bước ngoặt vĩ đại nhất trong lịch sử dân tộc.

Ngày 19-8-1945, tổng khởi nghĩa ở Hà Nội, các lực lượng quần chúng cách mạng  đánh chiếm Bắc Bộ Phủ.                                                                                           Ảnh: Tư liệu
Ngày 19-8-1945, tổng khởi nghĩa ở Hà Nội, các lực lượng quần chúng cách mạng đánh chiếm Bắc Bộ Phủ. Ảnh: Tư liệu
Thành công của cách mạng Tháng Tám đã chấm dứt hàng nghìn năm chế độ phong kiến ở Việt Nam, kết thúc hơn 80 năm thực dân Pháp đô hộ Việt Nam và đã mở ra kỷ nguyên mới độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Cách mạng Tháng Tám cũng là kết quả của 15 năm đấu tranh (1930 – 1945) kiên cường bất khuất của hơn hai mươi triệu đồng bào dân tộc Việt Nam, đoàn kết một lòng theo Đảng. Thành công của cách mạng Tháng Tám là bài học đại đoàn kết dân tộc, nắm bắt thời cơ nhân sức mạnh nội lực lên gấp nhiều lần, đem sức ta mà giải phóng cho ta.

 

 Biểu tình cướp chính quyền ngày  19-8-1945  tại  Phủ  khâm sai Bắc Kỳ.   Ảnh:  Tư liệu
Biểu tình cướp chính quyền ngày 19-8-1945 tại Phủ khâm sai Bắc Kỳ. Ảnh: Tư liệu

Đầu năm 1945, do chính sách khai thác và bóc lột triệt để của thực dân Pháp và phát xít Nhật, dẫn đến hai triệu đồng bào chết đói. Măt trận Việt Minh ra lời kêu gọi: “Phá kho thóc của Nhật”, đó là mệnh lệnh thôi thúc hàng triệu nông dân nhất tề hành động như triều dâng thác đổ cứu đói cho mình, khiến cho kẻ thù dao động hoang mang. Đảng ta đã tạo ra thời cơ mới, khiến cho kẻ thù càng thêm cùng quẫn. Phải chăng đây cũng là đợt tổng diễn tập nữa, kiểm tra thực lực của mình sẵn sàng đón đợi thời cơ, lãnh đạo nhân dân nổi dậy giành chính quyền trong cả nước. Và, ngay tối ngày 9 tháng 3 năm 1945, nhận thấy Nhật sắp hất cẳng Pháp, đồng chí Trường Chinh đã triệu tập Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương mở rộng. Khi hội nghị bắt đầu họp ở làng Đình Bảng (Từ Sơn – Bắc Ninh) thì cũng là lúc phát xít Nhật nổ súng đánh Pháp ở Hà Nội và trên toàn cõi Đông Dương. Hội nghị đoán trước được rằng thực dân Pháp sẽ thất bại ê chề và đầu hàng nhục nhã. Còn  thắng lợi của phát xít Nhật chỉ là nhất thời. Quan trọng nhất là cuộc đảo chính sẽ tạo ra một tình hình khủng hoảng chính trị sâu sắc, hình thành nhanh những điều kiện khách quan chín muồi của khởi nghĩa giành chính quyền. Vì vậy, Hội nghị đã ra Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta!” vào ngày 12 tháng 3 năm 1945. Đảng quyết định phát động cao trào chống Nhật cứu nước. Chỉ thị  lịch sử này như là lời hịch của non sông, như làn sóng điện lan truyền đi khắp đất nước Việt Nam. Lời hịch như là một câu hỏi nghĩa vụ đặt ra và mọi người dân đều phải có trách nhiệm trả lời bằng hành động cụ thể. Hơn thế nữa, như là lời động viên, kết tinh sức mạnh của toàn dân tộc, không thể bỏ lỡ thời cơ đang đến gần. Và, chỉ thị lịch sử này cũng toát ra khí thế hào hùng, toát ra thế và lực  của ta lúc bấy giờ, hành động cần mau lẹ hơn và quyết đoán hơn, nhanh hơn nhưng không được vội vàng, phiêu lưu, mạo hiểm. Ta chủ động còn kẻ thù càng lún sâu vào hoang mang bị động cực điểm. Chính vì lẽ ấy, chỉ với 5.000 đảng viên, Đảng ta đã lãnh đạo nhân dân cả nước giành chính quyền trọn vẹn trong  vòng hai tuần lễ.

Cách mạng Tháng Tám là cuộc giành chính quyền về tay nhân dân ít đổ máu nhất trong lịch sử nhân loại. Bởi, giành chính quyền ở thủ đô Hà Nội chỉ bị thương có hai người. Bài học nhận định thời cơ, chớp lấy thời cơ và tạo thời cơ, triệt để khai thác thời cơ thể hiện nghệ thuật lãnh đạo tuyệt vời của Đảng ta đối với cách mạng Việt Nam.

Nhớ lại, vào tháng 5-1941, trong Nghị quyết của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ Tám tại Pắc Bó, Cao Bằng dưới sự chủ trì của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và quyền Tổng Bí thư Trường Chinh, đã dự báo một cách chính xác, táo bạo về  kết cục tất yếu của đại  chiến thế giới lần thứ hai: “Nếu cuộc đế quốc chiến tranh lần trước đẻ ra Liên Xô, một nước xã hội chủ nghĩa thì cuộc đế quốc chiến tranh lần này sẽ đẻ ra nhiều nước xã hội chủ nghĩa, sẽ do đó cách mạng nhiều nước thành công…”. Và, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận thấy thời cơ có một không hai đã đến với dân tộc Việt Nam, bởi vậy,  lúc này “dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải giành cho được tự do, độc lập”. Như vậy, thời cơ sẽ đến với nhiều nước trên thế giới khi chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, nhưng với khu vực châu  Á, chỉ duy có cách mạng  Việt Nam thành công.

Như trên đã nói, thời cơ xuất hiện và tồn tại trong một khoảng thời gian nhất định, rất ngắn. Thời khắc lịch sử rất hiếm và độc đáo vì, bắt đầu từ khi Nhật hoàng tuyên bố đầu hàng (ngày 13-8-1945) và kết thúc khi quân Đồng minh vào tước khí giới quân Nhật trên đất nước ta theo Hiệp định Pôt-xđam (ngày 5-9-1945). Nếu phát động tổng khởi nghĩa giành chính quyền trên toàn quốc sớm hơn hay muộn hơn, khả năng thành công là rất thấp. Vì vậy, cách mạng Việt Nam chỉ có thể giành chính quyền trọn vẹn trong ngưỡng thời gian khắc nghiệt đó mà thôi….

Cách mạng Tháng Tám thành công, Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa  ra đời  (nay là Nước CHXHCN Việt Nam),  đã để lại  bài học về nhận định thời cơ và chớp thời cơ, tạo thời  cơ và triệt để khai thác thời cơ cách mạng của Đảng ta. Bài học ấy nay vẫn còn giữ nguyên giá trị  lý luận, giá trị thực tiễn và mang ý nghĩa thời đại sâu sắc.

68 năm, là độ lùi thời gian cần thiết để  chúng ta chiêm nghiệm sâu sắc hơn thành quả của cách mạng Tháng Tám mang lại. Mỗi khi thu về lại gợi nhớ  mùa thu cách mạng năm nào với khí thế cách mạng hào hùng, dưới sự lãnh đạo của Đảng với 5.000 đảng viên đã đoàn kết hơn hai mươi triệu nhân dân giành chính quyền từ tay đội quân phát xít, thực dân và phong kiến có đầy đủ lực lượng và vũ khí hiện đại trong tay.

Thời cơ, bài học quý báu đó luôn theo sát và được phát huy nổi bật hơn nữa suốt chặng đường đấu tranh gian khổ trong sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta. Cuộc kháng chiến chống Pháp thần thánh với chiến thắng Điện Biên Phủ “chấn động địa cầu”; cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại với  Đại thắng mùa Xuân năm 1975 lịch sử, rồi tiếp tục sự nghiệp đổi mới và hội nhập hiện nay cho thấy Đảng ta đã  sáng tạo và ngày thêm sáng tạo bài học thời cơ gắn liền với sự  chuyển biến của thế giới và thời cuộc.

Đất nước hiện nay đang đứng trước những cơ hội phát triển lớn với những thách đố nghiệt ngã, đòi hỏi bản lĩnh sáng tạo và trí tuệ của Đảng phải được nâng lên tầm cao mới. Vẫn biết rằng, hiện nay đang trong giai đoạn hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa cũng đã nảy sinh những thách thức do chính chúng ta tạo ra, chứ không hoàn toàn do khách quan mang lại. Điều này, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) đã chỉ ra những trở lực lớn cho sự phát triển của đất nước là có thật. Thể chế pháp luật chưa hoàn thiện, kỹ năng, kinh nghiệm  điều hành và quản lý nền kinh tế thị trường còn yếu và lỏng lẻo, có nhiều giải pháp ứng cứu kịp thời trước mắt nhưng giải pháp chiến lược cơ bản lâu dài thì vẫn còn hạn chế. Từ đó, đã tạo ra những kẽ hở không đáng có như: Hình thành nhóm lợi ích chi phối, hình thành tư tưởng thụ động, ỷ lại, trông chờ… Nhóm lợi ích không chỉ thâu tóm, bòn rút của cải, tài nguyên đất nước đến mức độ thật khó tưởng tượng, mà nó còn làm suy thoái phẩm chất chính trị, băng hoại tư tưởng, đạo đức và lối sống của bộ phận không nhỏ trong xã hội, trong đó không ít là cán bộ lãnh đạo các cấp.

Những khó khăn, yếu kém trong lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội hiện nay nổi lên giúp chúng ta nhận diện rõ đâu là nguyên nhân làm trầm trọng thêm những khó khăn trong nước. Lúc này, hơn bao giờ hết, trong khó khăn càng sáng lòng dân tin theo Đảng, thì càng đòi hỏi Đảng quyết tâm thực hiện quyết sách lớn xây dựng và chỉnh đốn Đảng, sao cho, thật sự: “Đảng ta là đạo đức, là văn minh” như  lời Bác Hồ căn dặn. Chỉ  có như vậy chúng ta mới nắm chắc thời cơ, tạo thời cơ và triệt để khai thác thời cơ, giải mã những khó khăn thách thức để đất nước phát triển đi lên.

Trần Khải


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.