Multimedia Đọc Báo in

Về Khe Sanh tìm lại dấu xưa

17:10, 16/08/2013
Buổi sáng, mặt trời vừa nhú lên phía biển. Sau một đêm nghỉ ngơi ở Đông Hà – thủ phủ của tỉnh Quảng Trị, 5 giờ 30, đường phố vẫn còn lãng đãng chút sương mù, chúng tôi xuất phát, ngược  đường 9 về Khe Sanh thăm chiến trường xưa.

Ngày nay Khe Sanh là thị trấn của huyện Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị), cách TP. Đông Hà 63 km về phía Tây. Khe Sanh được cả thế giới biết đến như là   “Điện Biên Phủ thứ hai” hay là chốn “địa ngục trần gian” theo cách cảm nhận của thủy quân lục chiến Hoa Kỳ trong 77 ngày bị vây hãm ở Khe Sanh từ 21-1 đến 8-4-1968.

Cứ điểm Khe Sanh ngày nay.
Cứ điểm Khe Sanh ngày nay.

Những ngày cuối hè, nắng Quảng Trị gay gắt như nung cả đất trời cỏ cây. Khe Sanh vừa tổ chức lễ kỷ niệm 45 năm Ngày giải phóng Khe Sanh - Hướng Hóa (9-7-1968 – 9-7-2013). Dọc chiến trường xưa, vẫn những ngọn núi, quả đồi đỏ tươi màu đất bazan, giờ đã được phủ một màu xanh bạt ngàn của cao su, cà phê, sắn, chuối, hồ tiêu, lạc, ngô… Đường 9 quanh co uốn khúc, xưa là “con đường máu” khốc liệt, ngày nay đã trở nên phong quang, thoáng đãng, xe cộ ngược xuôi dập dìu, tấp nập và thuộc nhóm AH1 (đường cao tốc Xuyên Á), nối liền với nước bạn Lào qua cửa khẩu Lao Bảo.       

Cả đoàn tranh thủ dừng chân đôi phút tại Km 42 (Quốc lộ 9), bên cầu Đa Krông để thư giãn. Cầu Đa Krông bắc qua sông Sê Pôn là điểm xuất phát của Quốc lộ 14. Con đường này là một phần của đường Hồ Chí Minh và đường Xuyên Á. Thời chiến tranh, đoạn sông Đa Krông tại đây là điểm vượt bí mật của tuyến đường mòn Hồ Chí Minh (Trường Sơn Tây) với các bến: cầu Cu Tiền, Khe Xom, Xóm Rò...

Máy bay  Mỹ  bỏ  lại  Khe Sanh.
Máy bay Mỹ bỏ lại Khe Sanh.

 Vào thị trấn Khe Sanh nhà cửa san sát, phố xá nhộn nhịp. Từ đường 9, rẽ vào đường Hồ Chí Minh (Tây) một đoạn, chúng tôi đến sân bay Tà Cơn. Khu di tích sân bay Tà Cơn thuộc địa phận thôn Hòa Thành, xã Tân Hợp, huyện Hướng Hóa đã được Bộ Văn hóa – Thông tin công nhận là Di tích lịch sử theo Quyết định số 236/QĐ-BVHTT ngày 12-12-1986. Chúng tôi được cán bộ khu di tích giới thiệu sơ lược về cụm cứ điểm Khe Sanh – Tà Cơn: Căn cứ Khe Sanh là trung tâm của hệ thống hàng rào điện tử McNamara chạy dài từ Nam vĩ tuyến 17 đến đường 9, chiều dài trên 100 km rộng khoảng 20 km, song song với sông Bến Hải từ Biển Đông đến Sê Pôn (Lào). Do đó, Khe Sanh được Mỹ xây dựng  thành cụm cứ điểm rất kiên cố, phòng ngự mạnh, liên hoàn, gồm các căn cứ Làng Vây, Chi khu quân sự Hướng Hóa, cụm cứ điểm phòng ngự sân bay Tà Cơn. Căn cứ Tà Cơn là trung tâm chỉ huy của tập đoàn phòng ngự Khe Sanh, có chiều dài khoảng trên 2 km, rộng hơn 1 km, với một đường băng dã chiến - các máy bay vận tải khổng lồ C-130 Hercules và một số trực thăng vũ trang có thể hạ cánh, lên xuống dễ dàng. Hệ thống công sự chiến đấu bằng bê tông đúc sẵn, hệ thống giao thông hào, chiến hào liên hoàn; bao bọc chung quanh căn cứ có từ 6-10 hàng rào dây kẽm gai các loại, các bãi mìn dày đặc, xen kẽ  “cây nhiệt đới” (thiết bị thu tin điện tử) khắp các nơi. Ở tại căn cứ Tà Cơn và các cứ điểm chung quanh có trên 6.000 lính thủy quân lục chiến của Mỹ và chừng 500 lính biệt động quân Sài Gòn. Để bao vây Khe Sanh, ta đã huy động khoảng 40.000 quân... Theo nhiều tư liệu, trong thời gian diễn ra trận chiến Khe Sanh, Mỹ đã sử dụng hơn 2.000 máy bay cùng 3.300 trực thăng để ném vào khu vực này hơn 114.000 tấn bom. Pháo binh Mỹ đã bắn chi viện 159.000 viên đạn pháo các cỡ. Ngày 9-7-1968 những tên lính Mỹ cuối cùng đã vội vã rút chạy khỏi Khe Sanh; Hướng Hóa - Khe Sanh hoàn toàn giải phóng…

Chúng tôi thong thả dạo chơi, tham quan trên đường băng của sân bay Tà Cơn năm nào mà dấu vết chỉ còn lại vài cái vỉ sắt hoen rỉ; một số khí tài quân sự của quân đội Mỹ bỏ lại khi rút chạy khỏi Khe Sanh: vài xác máy bay vỡ vụn; một chiếc trực thăng vũ trang UH1A nằm chơ vơ; xác mấy chiếc xe tăng, xe bọc thép bị cháy trơ khung, đứt xích… Có một di vật còn khá nguyên vẹn là chiếc máy bay vận tải khổng lồ Hercule C130 nằm trên những tấm vỉ sắt dã chiến. Chiếc máy bay này đã từng làm nhiệm vụ tiếp tế cho quân trú phòng; ngày 11-2-1968 đã bị trúng đạn pháo kích và cháy khi đang hạ cánh xuống sân bay Tà Cơn, toàn bộ phi hành đoàn sáu người đã thiệt mạng.

Chúng tôi đi tiếp đến bộ chỉ huy căn cứ Khe Sanh. Đó là hai căn nhà mái tôn, vách gỗ ghép, chung quanh có những lớp bao cát che chắn. Đây là nơi Đại tá David E. Lownds  (chỉ huy tại chỗ) nhận mệnh lệnh tác chiến từ Đại tướng Westmoreland – Tổng Tư lệnh quân viễn chinh Mỹ tại miền Nam Việt Nam. Căn nhà chỉ huy kép kín, không có người, chỉ có bóng dáng của quá khứ như còn lẩn khuất đâu đây, quanh những công sự, hầm hào, bên những xác xe, pháo, máy bay nằm phơi mình giữa những bãi cỏ xanh dưới bầu trời đầy mây trắng của đại ngàn Trường Sơn mênh mang, hùng vĩ…

Buổi trưa, chúng tôi ngồi dưới bóng mát của những cây kơ nia gần khu di tích, thưởng thức cà phê Khe Sanh, chỉ 10.000 đồng/ly. Cà phê ở đây thật sự nguyên chất, không bị pha “bắp rang, đậu nành, cau khô” và hương hóa chất như một vài nơi dưới xuôi. Cà phê được pha bằng máy (xay tại chỗ), có màu nâu nhạt, sủi tăm bọt tự nhiên. Anh bạn Hồ Ch’ư – người Vân Kiều – cho biết: Huyện Hướng Hóa hiện có gần 5.000 ha cà phê Arabica. Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam đã chọn Khe Sanh làm nơi thử nghiệm mô hình sản xuất cà phê chất lượng cao với mong muốn biến Khe Sanh thành một trung tâm sản xuất cà phê của miền Trung. Cà phê Arabica rất được người tiêu dùng Mỹ ưa chuộng. Tôi bỗng có suy nghĩ: Ngày xưa, người Mỹ đem bom đạn đến tàn phá Khe Sanh; ngày nay, Khe Sanh đem cà phê ngon đến với người Mỹ. Đã có rất nhiều cựu chiến binh Mỹ về thăm lại chiến trường xưa; có người dẫn cả vợ con, bạn bè, người thân theo. Họ vô cùng xúc động khi nhìn lại cảnh cũ nhưng nay đã vắng bóng người xưa. Đôi khi họ cũng gặp lại những “Vi-xi”, cựu chiến binh của Quân giải phóng miền Nam tham dự trận Khe Sanh ngày ấy – những người đã chiến đấu rất dũng cảm chống lại một đội quân được vũ trang mạnh hơn họ gấp nhiều lần… Quá khứ giờ đây được nhắc đến và cũng được khép lại như là những kỷ niệm thời chiến tranh.

Đêm Khe Sanh mùa hè, bầu trời đầy sao. Đồi Động Tri sừng sững, nhô lên như ngực người con gái Pa Kô tràn đầy sức sống. Tôi nằm trên cánh võng, giữa đại ngàn Trường Sơn, nghe đâu đây ai hát: “Mùa xuân đến rồi bản làng ơi… Thơ Bác gọi dậy vang  non sông… Kèn tiến công vang dội khắp hai miền… Bác Hồ gọi ấy là mùa xuân đến… Ơi người con gái Pa Kô…”.

Tư liệu tham khảo:

 - Bảo tàng lịch sử Khe Sanh huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị (2013)

Đặng Hoàng Thám


Ý kiến bạn đọc