Multimedia Đọc Báo in

Kỷ niệm 125 Ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng (20-8-1888 - 20-8-2013):

Tấm gương mẫu mực về đạo đức cách mạng

10:07, 26/08/2013

Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng cao cả của Chủ tịch Tôn Đức Thắng là những bài học sâu sắc đối với các thế hệ cách mạng, đặc biệt là những tấm gương về phẩm chất đạo đức, cần, kiệm, liêm, chính, suốt đời phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân mãi mãi sáng ngời dẫn dắt toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta trên con đường đổi mới.

Đ ồng chí Tôn Đức Thắng thuộc lớp công nhân đầu tiên ở nước ta và cũng là lớp các đồng chí công nhân đầu tiên giác ngộ chủ nghĩa Cộng sản. Bằng những hoạt động phong phú của mình ở trong nước và phong trào công nhân quốc tế, đồng chí đã có những cống hiến to lớn với phong trào công nhân và phong trào yêu nước. Đồng chí Tôn Đức Thắng sinh ngày 20-8-1888 trong một gia đình nông dân khá giả ở Cù lao Ông Hổ, xã Mỹ Hòa Hưng, tổng Định Thành, tỉnh Long Xuyên, nay là thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang.
Chủ tịch Tôn Đức Thắng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nghe thuyết minh  cách đánh B52 trên bầu trời Hà Nội năm 1972. Ảnh: T.L
Chủ tịch Tôn Đức Thắng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nghe thuyết minh cách đánh B52 trên bầu trời Hà Nội năm 1972.  Ảnh: T.L

Năm 1907, với tuổi thanh niên rực lửa, trong lòng mang nặng truyền thống yêu nước, thương nòi, nhân nghĩa, khoan dung của quê hương và nỗi nhục, nỗi đau của người dân nô lệ bị mất nước, mất độc lập tự do, Tôn Đức Thắng lên Sài Gòn học việc và dự kiến thực hiện hoài bão của đời mình.

Năm 1916, Tôn Đức Thắng bị động viên trở thành lính thợ làm việc trên chiến hạm France. Việc Tôn Đức Thắng tham gia vào sự kiện kéo cờ đỏ trên chiến hạm France ở Biển Đen tháng 4-1919 có ý nghĩa lớn bởi anh là người Việt Nam đầu tiên dũng cảm tham gia bảo vệ chính quyền Xô viết trẻ tuổi và Cách mạng Tháng Mười Nga vào thời điểm quan trọng. Đây là dấu mốc đánh dấu sự trưởng thành về ý thức và định hướng chính trị trong cuộc đời đấu tranh giành độc lập, tự do cho dân tộc của Tôn Đức Thắng.

Năm 1927, Tôn Đức Thắng được kết nạp vào Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, được cử làm Ủy viên Ban Chấp hành Kỳ bộ, Bí thư Thành bộ Sài Gòn. Từ đây Tôn Đức Thắng và Công hội bí mật hoạt động dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác-Lênin.

Đồng chí Tôn Đức Thắng từ Pháp trở về Sài Gòn mang theo tình cảm yêu mến, sự giác ngộ về Cách mạng Tháng Mười Nga và Nhà nước Xô viết; kinh nghiệm tổ chức đấu tranh của giai cấp công nhân ở các nước tư bản, đặc biệt là nghiệp đoàn ở Pháp.

Vượt qua mọi khó khăn và sự kiểm soát của kẻ địch, năm 1920, đồng chí Tôn Đức Thắng tập hợp công nhân thành lập Công hội bí mật. Những cơ sở đầu tiên của Công hội được hình thành, sau đó phát triển ra nhiều cơ sở khác của thành phố. Việc ra đời Công hội bí mật có ý nghĩa quan trọng đối với phong trào công nhân vì đây là tổ chức công hội đầu tiên của giai cấp công nhân Việt Nam.

Đầu năm 1927, những học trò của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đi tìm lực lượng để gây dựng cơ sở ở Nam Kỳ đã gặp được Tôn Đức Thắng, một người tiêu biểu cho giai cấp công nhân ở một nước thuộc địa. Tôn Đức Thắng được kết nạp vào Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Đồng chí đã tích cực giác ngộ hội viên Công hội và kết nạp một số người vào Hội thanh niên. Từ đây, Tôn Đức Thắng và Công hội bí mật thật sự hoạt động dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin, đánh dấu sự tham gia của những người công nhân đầu tiên vào tổ chức Thanh niên ở nước ta.

Công hội Sài Gòn những năm 1926-1927 thực sự là cơ sở cho sự hình thành và phát triển tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Tại Sài Gòn, Thành bộ do đồng chí Tôn Đức Thắng làm Bí thư. Giữa năm 1927 đã có 30 hội viên. Đến năm 1929, toàn Nam Kỳ đã có 19 cơ sở chi Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Từ năm 1927, Kỳ bộ Nam Kỳ đã nhận được báo Thanh niên, cuốn Đường Kách mệnh, cuốn Vỡ lòng chủ nghĩa cộng sản và nhiều tài liệu mác xít khác bằng tiếng Pháp. Dưới sự lãnh đạo của Kỳ bộ Nam Kỳ, trong đó có sự đóng góp của đồng chí Tôn Đức Thắng, phong trào công nhân Nam Kỳ phát triển mạnh mẽ, chiếm đa phần trong tổng số các cuộc đấu tranh của công nhân cả nước trong những năm 1926-1928. Đồng chí Tôn Đức Thắng là một chiến sĩ cách mạng kiên cường

Đồng chí Tôn Đức Thắng bị thực dân Pháp bắt giam tại Khám lớn Sài Gòn tháng 7-1929, một năm sau chúng đày đồng chí ra Côn Đảo. Gần 17 năm bị giam ở ngục tù, đồng chí đã tỏ rõ là một người chiến sĩ cộng sản bất khuất, đấu tranh không khoan nhượng với kẻ thù, thương yêu đồng chí và những người cùng cảnh ngộ. Đồng chí đề xướng việc thành lập Hội cứu tế tù nhân, đây là hội tù Côn Đảo đầu tiên nhằm mục đích đoàn kết, giúp đỡ nhau trong đấu tranh và trong cuộc sống hàng ngày, từ đó gần gũi giác ngộ cách mạng cho những người tù không phải là cộng sản. Đồng chí là một trong những đảng viên thành lập chi bộ cộng sản đầu tiên ở nhà tù Côn Đảo.

Khi phát xít Đức điên cuồng tấn công Liên Xô, trong nội bộ tù Côn Đảo đã diễn ra cuộc đấu tranh tư tưởng gay gắt. Bằng kiến thức lý luận vững chắc, tầm hiểu biết thực tiễn, đồng chí đã lý giải và truyền niềm tin vào thắng lợi sự nghiệp cách mạng cho mọi người, góp phần làm ổn định tư tưởng đảng viên trong chi bộ. Khi phát xít Nhật đảo chính thực dân Pháp, cùng các đảng viên kiên trung trong chi bộ, đồng chí đã vạch rõ sự thất bại tất yếu của chủ nghĩa phát xít, khẳng định thắng lợi của cách mạng Việt Nam và cách mạng thế giới.

 Hình ảnh người chiến sĩ cộng sản Tôn Đức Thắng kiên cường, sáng ngời bản lĩnh và niềm tin tất thắng vào sự nghiệp cách mạng của dân tộc đã làm các đồng chí đảng viên tù Côn Đảo ngưỡng mộ và làm kẻ thù khiếp sợ.

 Khi Chủ tịch Hồ Chí Minh từ trần, đồng chí Tôn Đức Thắng được bầu làm Chủ tịch nước. Đồng chí luôn chăm lo đến sự nghiệp xây dựng và củng cố chính quyền dân chủ nhân dân, nghiêm chỉnh thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về nhiệm vụ của công tác chính quyền: nhân dân là người chủ, Chính phủ là người đày tớ của nhân dân. Chính phủ chỉ có một mục đích là hết lòng hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Đồng chí quan tâm đến việc giáo dục đạo đức cho cán bộ, đảng viên; chăm lo đời sống của nhân dân; quan tâm đến các lực lượng vũ trang, cán bộ chiến sĩ bộ đội; đặc biệt dành tình cảm cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng.

Đất nước thống nhất, tại kỳ họp đầu tiên của Quốc hội thống nhất, đồng chí lại được bầu làm Chủ tịch nước. Đồng chí đã góp phần cùng Đảng, Nhà nước lãnh đạo nhân dân giành nhiều thắng lợi công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội trên cả nước (1975-1980).

Với cương vị và trọng trách to lớn được Đảng giao phó, đồng chí Tôn Đức Thắng đã góp phần xây dựng Nhà nước của dân, do dân, vì dân; tập hợp toàn dân tộc đoàn kết một lòng đưa kháng chiến đến thắng lợi vẻ vang; góp phần vào sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước tiến lên chủ nghĩa xã hội; đưa cách mạng Việt Nam hòa trong trong dòng thác cách mạng thế giới đấu tranh cho độc lập, tự do, hòa bình, hạnh phúc, tiến bộ và nhân văn.

Nguyễn Thanh Hoàng

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.