Multimedia Đọc Báo in

Kỷ vật Trường Sa trên đất Tây Nguyên

17:08, 26/08/2013

Bất cứ ai may mắn một lần đặt chân lên Trường Sa- Tổ quốc nơi đầu sóng ngọn gió đều tranh thủ quỹ thời gian ít ỏi để tìm kiếm, mang về đất liền một món quà trên đảo và luôn giữ gìn, nâng niu, xem đó như một kỷ vật, một mối dây hữu hình, gắn kết giữa đất liền với biển đảo thiêng liêng. Và một trong những kỷ vật được mọi người lựa chọn, mang về đất liền nhiều nhất chính là cây bàng vuông-loài cây đã trở thành biểu tượng cho sức sống mãnh liệt, cho ý chí kiên cường, bất khuất của quân và dân trên đảo.

Quả bàng vuông, loài cây biểu tượng của Trường Sa luôn là món quà quý được các chiến sĩ  dành tặng những người từ đất liền ra thăm đảo.
Quả bàng vuông, loài cây biểu tượng của Trường Sa luôn là món quà quý được các chiến sĩ dành tặng những người từ đất liền ra thăm đảo.

Có lẽ không nhiều người biết rằng trên mảnh đất bazan Tây Nguyên đầy nắng gió, ngay trong khuôn viên Tỉnh ủy Dak Lak lại có một cây bàng vuông xanh tốt, quanh năm nở hoa, thoảng hương thơm ngát. Cây bàng vuông được anh Nguyễn Thượng Hải, Phó Chánh Văn phòng Tỉnh ủy đưa về từ đảo Sơn Ca vào tháng 5-2012 và trân trọng đặt tên là Kỷ vật Trường Sa trên đất Tây Nguyên. Tác giả bài viết được tận mắt chứng kiến hành trình vất vả mà anh Nguyễn Thượng Hải đưa loài cây mang biểu tượng của Trường Sa vượt hơn hàng nghìn hải lý về đến đất liền, lên Tây Nguyên nên phần nào thấu hiểu được tình cảm thiêng liêng của anh đối với món quà tặng quý giá không chỉ cho riêng anh mà còn “cho cả quân và dân đồng bào các dân tộc Dak Lak”, theo như cách nói của những chiến sĩ ở trạm ra đa đảo Sơn Ca. Anh Hải tâm sự: “Ngay khi đặt chân đến Trường Sa, ngoài ấn tượng sâu sắc về những người lính hải quân kiên trung, vượt bao gian khổ, thử thách khắc nghiệt, bám trụ giữa biển khơi để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc thì hình ảnh những cây bàng vuông với sức sống dẻo dai, mãnh liệt, kiên cường chống chỏi trước giông bão khiến tôi ấn tượng nhất. Nó khỏe khoắn, mạnh mẽ như những người lính đang canh giữ đảo. Chính vì vậy, tôi đã hạ quyết tâm phải đem về một vài cây làm kỷ  niệm”.

Khi nhắc lại hành trình đưa cây bàng vuông về đất liền, anh Hải cho rằng đó là “kỷ lục” trong đời đối với anh, bởi ngoài hành lý, cộng thêm những “sản phẩm” anh sưu tầm được qua các đảo đã nặng đến hơn 50 kg, trong khi lại còn bận bịu “đèo” thêm 4 cây bàng vuông tương đối lớn nên những lúc lên xuống tàu, sang xe rất vất vả. Chứng kiến cảnh anh tất bật chạy đi chạy lại, mồ hôi đầm đìa, không mảy may lo lắng đến hành lý mà chỉ lo giữ gìn những cây bàng vuông, sợ cây bị trầy xước, không sống được khi về trồng ở đất liền, các thành viên trong đoàn đều cảm động mỗi người một tay phụ giúp. Khi tàu cập cảng Cát Lái, anh lại phải nhờ người gửi xe về Dak Lak, chấp nhận trả cước phí cao gấp 3 lần phí vận chuyển thông thường, với điều kiện là vận chuyển cây nhẹ nhàng, đến nơi an toàn. 4 cây bàng vuông anh đưa về từ các đảo Song Tử Tây và Sơn Ca, 2 cây được anh đem trồng ở khuôn viên Tỉnh ủy, 2 cây đem về nhà trồng. Thời gian đầu mới trồng, mỗi ngày sáng sáng, chiều chiều anh đều dành chút thời gian chăm sóc, bón phân tưới nước, bởi chỉ lo cây không thích nghi được với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng trên đất liền. Có lẽ, một phần không nỡ phụ công chăm sóc của anh, một phần do sức sống mãnh liệt, vốn được “trui rèn” qua phong ba bão tố, cây bàng vuông trồng trong khuôn viên Tỉnh ủy “trụ” được, sau hơn một năm đã cứng cáp, tốt xanh và bắt đầu đơm hoa, kết trái. Anh rất vui vì giờ đây mọi người đều có thể biết và tận mắt chiêm ngưỡng biểu tượng của Trường Sa ngay trên đất Tây Nguyên. Anh cũng ví von một cách ý nghĩa khi cho rằng, cây bàng vuông này như là một “sứ giả”, là minh chứng sống động cho sự gắn kết bền chặt, bất chấp những khoảng cách về không gian, thời gian giữa những người ở đất liền với đảo xa. Bởi khi chiêm ngưỡng hoa bàng vuông, loài hoa được ví là hoàng hậu của các loài hoa trên biển, với vẻ đẹp mảnh mai tinh khiết, sắc hồng đằm thắm xen lẫn phớt tím dịu dàng, hòa chút hương thơm thoang thoảng, mọi người sẽ phần nào hình dung được sức sống tiềm tàng, mãnh liệt, ngày ngày vẫn đâm chồi nảy lộc nơi đảo xa, để càng thêm yêu quý, ra sức cùng chung tay gìn giữ biển đảo thiêng liêng, tươi đẹp của Tổ quốc.

Cây bàng vuông  trong khuôn viên Tỉnh ủy Dak Lak.
Cây bàng vuông trong khuôn viên Tỉnh ủy Dak Lak.

Cây bàng vuông còn được gọi là bàng bí, chiếc bàng, cây thuốc cá. Tên khoa học là Barringtonia asiatica, là thực vật bản địa rừng ngập mặn ven biển nhiệt đới và đảo. Với một sức sống mãnh liệt, bất chấp thời tiết, khí hậu cực kỳ khắc nghiệt, cây bàng vuông hiện diện ở khắp các đảo nổi như đảo Trường Sa lớn, Trường Sa Đông…cành lá xum xuê chắn gió, chắn sóng bảo vệ dân và bộ đội, được quân và dân chăm chút như một người bạn tri ân, tri kỷ.

Đăng Triều


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.