Multimedia Đọc Báo in

Người lính lái xe đi khắp ngả chiến trường

17:10, 26/08/2013

Không cầm súng trực tiếp chiến đấu, nhưng ông đã dành trọn cả thời thanh xuân cho sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc trên những chuyến xe đi khắp các ngả chiến trường. Đó là người lính – tài xế Nguyễn Sỹ Quế thuộc Binh đoàn Hương Giang Anh hùng.

Chúng tôi tìm gặp ông Quế trong căn nhà nhỏ trên đường Trần Quý Cáp, phường Ea Tam, TP. Buôn Ma Thuột. Ông mang cuốn sách ảnh “Bác Hồ với lực lượng vũ trang nhân dân” (Nhà xuất bản Quân đội nhân dân ấn hành) ra cho chúng tôi xem. Lật từng bức ảnh đã nhuốm màu thời gian, ông kể về một thời chiến tranh khốc liệt mà ông đã vinh dự tham gia.

Ông Quế trân trọng nâng niu cuốn sách ảnh “Bác Hồ với lực lượng vũ trang nhân dân” như một kỷ vật.
Ông Quế trân trọng nâng niu cuốn sách ảnh “Bác Hồ với lực lượng vũ trang nhân dân” như một kỷ vật.

Sinh ra tại xã Nam Lâm – Nam Đàn – Nghệ An, đầu năm 1964, chàng thanh niên Nguyễn Sỹ Quế mới qua tuổi đôi mươi vào bộ đội và được biên chế vào Trung đoàn 164 (đóng quân ngay trên quê hương Nam Đàn), rồi được cử đi huấn luyện tại trường lái xe Quân khu 4. Sau khi hoàn thành khóa huấn luyện cấp tốc 3 tháng, anh về phục vụ tại chiến trường C (Lào). Đến tháng 7-1966 về công tác tại bệnh viện 4 (Quân khu 4) với chức vụ trung đội trưởng, cùng đội điều trị 43 nhận lệnh “đi B”, phục vụ tại chiến trường B5 (Trị Thiên - Huế) với nhiệm vụ chính là chở thương, bệnh binh từ các chiến trường về vùng hậu cứ và bệnh viện của mặt trận đóng tại xã Vĩnh Khê, Vĩnh Linh, Quảng Trị để điều trị. Thời gian này, chiến tranh bước vào giai đoạn ác liệt, những chuyến xe của anh và đồng đội vượt mưa bom bão đạn khắp các chiến trường phía Nam để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Trong chiến dịch Mậu Thân năm 1968, do yêu cầu của nhiệm vụ, anh về công tác tại bộ phận hậu cứ của bệnh viện đóng tại xã Mai Thủy, Lệ Thủy, Quảng Bình và có lúc trở thành người lái đò bất đắc dĩ. Lý do là, sau khi chở bộ đội bị thương trên chiến trường về đến bến đò Ba Canh (Quảng Bình) thì phải dùng đò theo sông Kiến Giang về nơi điều trị, nhưng vất vả hơn là mỗi lần xe qua sông Bến Hải (vì cầu Hiền Lương đã bị bom Mỹ đánh sập trước đó). Trong một lần đội xe chở bộ đội bị thương từ các chiến trường miền Nam qua ngầm A sông Bến Hải thì xe đầu đoàn chết máy. Tình thế lúc này hết sức nguy cấp, anh và các chiến sĩ phải chuyển bộ đội lên bờ an toàn rồi dùng bộc phá phá xe để mở đường. Bước sang năm 1972, ta tổ chức tổng tấn công trên 3 chiến trường chính: Quảng Trị, Bắc Tây Nguyên, và Đông Nam Bộ (Bình Long, Bình Phước), trong đó hướng chủ yếu là Quảng Trị. Sau 2 chiến dịch Trị - Thiên và đường 9 Nam Lào thắng lợi, chiến sự trong "Mùa hè đỏ lửa" diễn ra cực kỳ ác liệt mà đỉnh điểm là 81 ngày đêm tại thành cổ Quảng Trị. Bấy giờ, đội điều trị chuyển về khu vực cảng Đông Hà và thường xuyên có mặt tại bờ Bắc sông Bến Hải để sẵn sàng làm nhiệm vụ. Trong trận chiến đấu bảo vệ Thành cổ, đội xe cứu thương của anh Quế chỉ có 12 chiếc, trong khi bộ đội bị thương nặng nhiều, đội phải chở thương binh từ chiến trường về cảng Đông Hà sơ cứu rồi chở ra tuyến sau là bệnh viện 41 (đóng tại Quảng Bình) để điều trị. Trên những chuyến xe khẩn cấp, khi có chiến sĩ gặp nguy kịch trên đường đi, anh cùng đồng đội kiêm luôn nhiệm vụ y tá chăm sóc, cấp cứu và động viên tinh thần các chiến sĩ. Thời gian sau đó, đội cứu thương viện quân y 43 (lúc này thuộc Quân đoàn 2, còn gọi là Binh đoàn Hương Giang) của anh tiếp tục qua các chiến trường Thừa Thiên – Huế, Quảng Nam - Đà Nẵng, Đồng Nai, Sài Gòn.

Đất nước thống nhất nhưng anh lính Nguyễn Sĩ Quế và đồng đội vẫn chưa ngừng nghỉ, bởi trong những năm 1978 – 1979, các anh còn tham gia phục vụ trên chiến trường Camphuchia và đến năm 1985 mới chuyển ngành vì điều kiện gia đình...

Chiến tranh đã lùi xa, nhưng trong ký ức của người lính già vẫn còn đó những kỷ niệm về một thời hào hùng và cả đau thương. Nhấp ly chè xanh còn bốc khói, ông Quế kể lại kỷ niệm mà ông không bao giờ quên: vào năm 1968 trong một lần 4 chiếc xe tải cứu thương của ông và đồng đội chuẩn bị lên đường làm nhiệm vụ thì bị địch phát hiện và bao vây bằng trực thăng. Trong lúc căng thẳng, ông nhận nhiệm vụ lái xe qua làn bom đạn, đánh lạc hướng địch để giải vây cho cả đoàn. Cả đoàn xe được giải vây, và rất may chỉ có ông và một đồng đội bị thương nhẹ.

Với những cống hiến thầm lặng mà hào hùng ấy, người lính dũng cảm Nguyễn Sĩ Quế vinh dự được tặng Huân chương quyết thắng, Huân chương giải phóng, Huân chương chiến sĩ vẻ vang và Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhì.

Minh Thông


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.