Multimedia Đọc Báo in

Đồng bào buôn Kao luôn nhớ về Đại tướng

11:56, 14/10/2013
Tháng 3-1978, trong một lần lên công tác tại Dak Lak, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đến thăm, chỉ đạo tại công trình thủy lợi Hồ Ea Kao, cánh đồng lúa Cuôr Kdriêng và trò chuyện với bà con đồng bào buôn Kao, xã Ea Kao (TP. Buôn Ma Thuột). Chuyến thăm diễn ra khá bất ngờ đối với bà con nhưng đã để lại những hình ảnh và kỷ niệm không bao giờ phai về một vị tướng huyền thoại của dân tộc.
Ông Y Lhơ Mlô (giữa)  nói chuyện với mọi người về cánh đồng, nơi ngày trước Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã về thăm và dặn dò mọi người trong buôn.
Ông Y Lhơ Mlô (giữa) nói chuyện với mọi người về cánh đồng, nơi ngày trước Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã về thăm và dặn dò mọi người trong buôn.

Ông Y Thanh Êban, sinh năm 1945, là Chủ tịch xã đầu tiên của xã Ea Kao và cũng chính năm ông công tác ở xã đã vinh dự được đón Đại tướng về thăm. Trong tâm trí của ông Y Thanh thì cái ngày Đại tướng đến thăm buôn là một ngày không thể nào quên đối với ông. Ông kể: “Đó là vào những ngày đầu tháng 3-1978, bên Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh có điện xuống và thông báo cho tôi rằng, vào ngày mai sẽ có đồng chí lãnh đạo lớn nhất của Quân đội nhân dân Việt Nam về thăm mọi người trong buôn. Họ không nói rõ là ai nhưng trong thâm tâm tôi biết rằng đó chính là Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đã nghe kể về Đại tướng rất nhiều nhưng khuôn mặt của Đại tướng như thế nào thì tôi chưa được biết, nay tâm trạng lúc đó thì khấp khởi lắm”. Tôi tham gia phong trào từ năm 1961 đến lúc giải phóng, trong thời gian đó đã được nghe các đồng chí đã từng trực tiếp gặp Đại tướng gồm các chú, các anh tập kết ngoài Bắc về kể lại thì được biết rằng Đại tướng rất giản dị và chưa từng nặng lời với ai hết. “Lúc đó là thời điểm mới giải phóng, chúng tôi xắp sếp đón Đại tướng có ba ché rượu cần lớn”. Ngay từ sáng sớm, toàn bộ đồng bào của buôn Kao đã có mặt tại khoảng sân rộng ở giữa buôn để đón Đại tướng, lúc này mọi người chưa biết là ai sẽ đến thăm, đến lúc Đại tướng đến thì mọi người đều reo lên mừng rỡ. Tôi còn nhớ như in vào sáng hôm đó, đi cùng Đại tướng còn có các đồng chí Trần Kiên, Y Ngông, xung quanh bộ đội thì nhiều lắm. Vừa thấy Đại tướng và biết được người đi đầu có nụ cười hiền hậu ấy chính là Đại tướng Võ Nguyên Giáp, mọi người đều reo mừng và đánh cồng, đánh chiêng mừng Đại tướng. Các cháu thiếu nhi, nhi đồng trong buôn mượn ghế học sinh ngồi đó chờ Đại tướng từ sáng sớm. Đầu tiên Đại tướng đến chúc các cháu thiếu nhi, nhi đồng và tặng các cháu những bịch bánh thật lớn, sau đó chúng tôi gộp lại và phân chia ra đồng đều cho các cháu. Đại tướng còn dặn dò các cháu thiếu nhi rằng “Các cháu cố gắng lớn lên, bây giờ đất nước đã thống nhất. Đã hòa bình rồi nên các cháu cố gắng học hành”. Sau đó Đại tướng cầm cần của bình rượu rót ra một ly rượu và nâng lên chúc mọi người. Từng lời của Đại tướng nói ngày ấy vẫn còn như rất rõ: “Chúc mừng đất nước đã hòa bình, đã đánh thắng giặc ngoại xâm. Nếu như Bác Hồ còn sống, sau khi giải phóng miền Nam thì Bác sẽ về thăm miền Nam và thăm đồng bào. Nhưng nay Bác Hồ đã đi xa, thì bác cũng đến đây thì cũng như Bác Hồ mà chúc bà con rằng, nay đất nước đã hòa bình rồi, giặc ngoại xâm đã không còn, mọi người cố gắng sản xuất, cố gắng học hành, chăm lo cho các em nhỏ trẻ khỏe, học hành tốt, để có cuộc sống tốt hơn”. Thời điểm đó ít người dân tộc biết tiếng phổ thông nên Y Thanh vừa nghe vừa truyền đạt lại cho mọi người, mà bà con cứ liên tục hỏi Đại tướng nói những gì, Đại tướng có căn dặn gì không? Nghe Y Thanh dịch lại lời Đại tướng, bà con ai cũng vui mừng “Điểm dễ mến nhất của Đại tướng chính là nụ cười hiền hậu của Đại tướng. Tuy bà con lúc đó biết rất ít tiếng phổ thông nhưng nụ cười của Đại tướng đã làm cho bản thân tôi cùng mọi người có một cảm giác như được đón một người thân, người anh, người bác đi xa về nhà thăm mọi người”.

Ông Y Thanh nhớ lại, bà con lúc này vui lắm nhưng đời sống còn khó khăn nên mọi người tìm mãi mới biếu Đại tướng một nải chuối dài cỡ 12, 13 nhánh. Đại tướng nhận, chuyển cho cảnh vệ mang ra xe và cảm ơn bà con và chúc bà con sức khỏe dồi dào, lao động sản xuất thật tốt. Y Thanh tâm sự: “Trước đó chưa hề biết mặt Đại tướng Võ Nguyên Giáp và đó là lần đầu tiên tôi được thấy, được vinh dự bắt tay Đại tướng. Đại tướng ngày đó còn trẻ và giản dị lắm. Đại tướng còn hỏi thăm tôi rằng: “Giờ cháu thì làm gì?”; tôi đáp: “Cháu giờ làm chủ tịch UBND xã Ea Kao”. “Đấy cháu còn trẻ thì cháu hãy cố gắng làm đi”. Đại tướng còn hỏi “Thế cháu đã tham gia cách mạng lâu chưa”, tôi trả lời: “Cháu tham gia từ năm 1961, sau đó bị bắt tù, ba năm tù và về lại tiếp tục đi làm cách mạng. Đến 1975 giải phóng rồi lại làm công tác địa bàn”. Lúc được Đại tướng hỏi thăm như vậy, tôi vừa xúc động, vừa tự hào lắm, có cảm giác như đây là một người anh đang ân cần hỏi thăm”. Y Thanh còn tự hào: “Có lẽ trong buôn tôi là người may mắn nhất vì lần thứ hai trong đời tôi được gặp lại Đại tướng khi ra Hà Nội tham dự Hội nghị biểu dương xã, phường làm tốt công tác "Đền ơn đáp nghĩa", thương binh, gia đình liệt sĩ lần thứ IV – 2005. Đó là một vinh dự không gì so sánh được”.

Không chỉ có Y Thanh mới nhớ về ngày đó mà trong buôn còn rất nhiều người vẫn giữ mãi những hoài ức đẹp về ngày Đại tướng về thăm buôn. Y Lhơ Mlô, hiện đang là buôn trưởng buôn Kao, năm nay đã 73 tuổi nhưng những ký ức về ngày hôm đó, đối với ông vẫn còn in đậm trong tâm trí. Và câu nói có lẽ còn mãi trong ông chính là lời căn dặn của Đại tướng rằng: “Ngày nay đã giải phóng rồi, buôn làng ta yên tâm làm ăn, sản xuất cho thật tốt”. Cũng chính nhờ lời dặn đó mà ông luôn bảo ban con cháu, cùng mọi người trong buôn phải cố gắng học tập và lao động thật tốt mà vươn lên trong cuộc sống, xã hội. Ông tâm sự: “Hồi đó tôi làm công tác an ninh ở trong buôn. Lúc nghe tin thì chưa biết ai xuống, thấy được Đại tướng rồi mới thấy mừng, mừng rất nhiều. Trước khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp về thăm buôn thì có các ông như Y Bil Alêô, Y Blốc Êban và Đại tướng chính là người thứ ba về thăm từ những ngày sau giải phóng. Vinh dự cho buôn Kao lúc đó được Đại tướng Võ Nguyên Giáp về thăm”.

Ông Y Dhin Byă, hiện là Chủ tịch Hội đồng Nhân dân xã cho biết, ngày đó ông còn đang làm bên xã đội, có nhiệm vụ bảo vệ vòng ngoài cho Đại tướng. Ngày đó toàn buôn chỉ có khoảng 300 người, đất đai thì toàn là cỏ hoang mọc um tùm, rừng cây dầu, đá, sỏi mịn, sỏi đen, tre gai… Sau giải phóng mọi người bắt đầu khai hoang đất đai và làm công trình thủy lợi hồ Ea Kao. Được Đại tướng về thăm buôn, không chỉ mình tôi mà cả buôn ai cũng vui lắm. Đầu tiên Đại tướng thăm công trình thủy lợi hồ Ea Kao, sau thì thăm cánh đồng lúa Cuôr Kdriêng và buôn Kao. Đại tướng căn dặn mọi người phải đoàn kết, cố gắng lao động sản xuất, cảnh giác với Fulro, vì ngày đó Fulro còn hoạt động mạnh. Tuy thời gian Đại tướng về thăm không nhiều nhưng đó là khoảng thời gian không thể nào quên đối với đồng bào buôn Kao.

 Hoàng Gia


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.