"Chú phải chia bớt chữ cho nhân dân"
Bộ trưởng Giáo dục Nguyễn Văn Huyên sinh năm 1905. Ông đỗ Cử nhân văn chương, kiêm Cử nhân luật tại Đại học Sorbonne (Pháp) năm 1931 khi mới 26 tuổi. Ông là người Việt Nam đầu tiên bảo vệ luận án Tiến sĩ văn chương ở trường này với luận án “Hát đối của nam nữ thanh niên ở Việt Nam” và “Nhập môn nghiên cứu nhà sàn ở Đông Nam Á”. Năm 1935, ông về nước làm giáo sư dạy tại Trường Bưởi, trường Bảo hộ ban tú tài bản xứ.
Nguyễn Văn Huyên giữ cương vị Bộ trưởng Giáo dục lâu nhất - với 29 năm từ 11-1946 đến khi mất vào tháng 10-1975. Câu nói vui của Bác chính là Bác đã trao nhiệm vụ cho Bộ trưởng. Để thực hiện lời Bác, ông đã trăn trở tìm tòi sáng tạo “phương thức chia chữ” cho dân. Ai cũng biết, sau năm 1945, thực dân Pháp và phong kiến, phát xít Nhật đã để lại cho đất nước ta hai loại “giặc” khổng lồ: “giặc đói” và “giặc dốt” với 90% dân số mù chữ. Ngoài việc tập trung diệt “giặc dốt” Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên còn lo cho ngành học sư phạm, công tác đào tạo giáo viên, mở khu học xá trung ương tại Nam Ninh (Trung Quốc). Ông cũng trực tiếp lãnh đạo Vụ trưởng Vụ sư phạm và Hiệu trưởng các trường đại học sư phạm.
Bác Hồ và GS. Nguyễn Văn Huyên (người đầu tiên từ bên trái) đến thăm một lớp dạy tiếng Nga ở miền Bắc năm 1955. Ảnh: T.L |
Hội nghị thi đua “Hai tốt” năm 1963, lúc đầu chỉ dự định tổ chức cho ngành giáo dục phổ thông, nhưng theo ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên đã trở thành hội nghị thi đua “Hai tốt” của phổ thông và sư phạm. Trong lời khai mạc, Bộ trưởng đã nhấn mạnh phải gắn phổ thông với sư phạm, sư phạm với phổ thông thì mới có thầy giỏi, trò giỏi, dạy tốt, học tốt được. Ý tưởng đó về sau đã được phát kiến thành quan điểm chính thống của Bộ Giáo dục với thuật ngữ “Cơ cấu sư phạm phổ thông”. Và ngày nay ở các trường Sư phạm, điều này đã trở thành phổ biến, một số nơi đã trở thành mối quan hệ hữu cơ thể hiện ở việc trường phổ thông thực hành mẫu mực nằm ngay trong lòng trường sư phạm.
Hội nghị lịch sử của toàn ngành sư phạm vào tháng 11-1964 với những văn bản lý luận về mục tiêu, phương thức đào tạo bồi dưỡng được lãnh đạo các trường sư phạm, các sở, ty giáo dục thảo luận sôi nổi và nhất trí thông qua. Nhiều người trong ngành sư phạm đến nay còn nhớ rõ kết luận của Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên tại hội nghị đó, đặc biệt là quan điểm người thầy giáo là người của Đảng, chiến sĩ cách mạng trên mặt trận tư tưởng văn hóa, trường sư phạm phải là trường mô phạm, phải coi chính trị đạo đức là hàng đầu, nghiệp vụ sư phạm là trung tâm, văn hóa cơ bản là cơ sở, phải tiến hành bồi dưỡng thường xuyên cho đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục.
Điều đó cho thấy Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên là người trí thức ngoài Đảng nhưng lúc nào cũng bám chắc và vận dụng sáng tạo đường lối, quan điểm của Đảng.
Trong 10 năm, từ 1965 đến 1975, dù bận nhiều công việc chung của Bộ và Chính phủ song Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên bao giờ cũng đầu tư suy nghĩ và công sức cho ngành sư phạm. Hằng năm Bộ trưởng đều chủ trì các đợt kiểm tra Trường Đại học sư phạm. Phòng đại học đã được thành lập trong cơ quan Cục đào tạo bồi dưỡng để giúp Cục và Bộ quản lý chỉ đạo trực tiếp các trường Đại học sư phạm. Đi thăm các tỉnh và thành phố, lần nào Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên cũng đến trường sư phạm, trường bồi dưỡng và yêu cầu cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương đầu tư, quan tâm hơn nữa đến công tác đào tạo bồi dưỡng giáo viên. Chỉ thị về nhiệm vụ năm học hằng năm của các trường sư phạm, các quy chế tổ chức và chuyên môn của ngành sư phạm thường là do Bộ trưởng chỉ đạo xây dựng và duyệt ký.
Với những thành tích, cống hiến của mình cho sự nghiệp giáo dục, GS.TS, Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều huân chương cao quý. Đặc biệt, một đường phố ở Hà Nội được đặt theo tên ông, trên con đường này có Viện Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam mà Giám đốc lại là GS.TS Nguyễn Văn Huy, con trai út của Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên.
Lê Hồng Thiện
Ý kiến bạn đọc