Multimedia Đọc Báo in

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - "Người lính" xuất sắc trên mọi mặt trận

22:31, 31/12/2014
Trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống Pháp, chống Mỹ của nhân dân ta, hình ảnh của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã in đậm trong tâm khảm của hàng triệu người Việt Nam, là vị tướng văn võ toàn tài, nhà lãnh đạo kiệt xuất của quân đội và nhân dân ta, được Bác Hồ đánh giá là “Người lính xuất sắc trên mọi lĩnh vực của cách mạng”.

 

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (1914–1967)
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (1914–1967).

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, tên thật là Nguyễn Vịnh, sinh ngày 1-1-1914 trong một gia đình nông dân ở làng Niêm Phò, xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Tham gia cách mạng từ năm 17 tuổi, với lời thề khắc trên cột nhà “Phụng sự Tổ quốc”, đến năm 23 tuổi (1937), ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương, năm 24 tuổi đã là Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên. Trải qua nhiều năm hoạt động cách mạng sôi nổi, bị bắt, bị tù đày từ lao Thừa Phủ (Huế) đến nhà đày Buôn Ma Thuột, ông vẫn kiên trung bất khuất, biến nhà tù đế quốc thành trường học lớn, tổ chức xây dựng cơ sở Đảng trong tù và tổ chức vượt ngục Buôn Ma Thuột thành công để trở về chỉ đạo trực tiếp tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở Thừa Thiên - Huế. Tháng 8-1945, tại Hội nghị toàn quốc của Đảng họp ở Tân Trào (Tuyên Quang), ông được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng và tại hội nghị này, lần đầu tiên ông được gặp Bác Hồ, được Bác khen là người có chí lớn, hoạt động cách mạng hiệu quả ngay cả trong nhà tù đế quốc và đặt tên cho ông là Nguyễn Chí Thanh. Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ ll năm 1951, ông được bầu vào Bộ Chính trị, giữ chức Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, đến năm 1958 được Bác Hồ phong quân hàm Đại tướng. Dù ở cương vị công tác nào, ông cũng đều phấn đấu cống hiến hết mình vì sự nghiệp cách mạng, vì hạnh phúc của nhân dân, luôn nêu cao tấm gương sáng ngời về đạo đức cách mạng, cần-kiệm-liêm chính, chí công vô tư, luôn đi đầu trong mọi khó khăn thử thách, lăn lộn với phong trào quần chúng, sâu sát cụ thể phát hiện các nhân tố mới, phát động nhiều phong trào thi đua sâu rộng trên các mặt trận xây dựng quân đội, công nghiệp, nông nghiệp, giáo dục... Đúng như nhà thơ Tố Hữu đã viết: “...Ở đâu nghèo đói gọi xung phong/ lon nước mo cơm lội khắp đồng/ Ở đâu tiền tuyến, kêu anh đến/ Tay súng tay cờ, lại tiến công...”.

Đón bằng công nhận  Di tích  cấp Quốc gia Khu  tưởng niệm  Đại tướng Nguyễn  Chí Thanh.
Đón bằng công nhận Di tích cấp Quốc gia Khu tưởng niệm Đại tướng Nguyễn Chí Thanh.

Sinh thời, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh được Bác Hồ tin cậy giao rất nhiều trọng trách, chỉ đạo nhiều lĩnh vực công tác khác nhau, lĩnh vực nào ông cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng và Bác Hồ giao phó, để lại những dấu ấn quan trọng trong sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và công cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam. Trong quân đội, ông đã khơi dậy phong trào thi đua “cờ ba nhất” xây dựng lực lượng vũ trang tiến lên chính quy, tinh nhuệ, hiện đại. Khi sang chỉ đạo lĩnh vực công nghiệp, ông làm dấy lên phong trào thi đua “sóng duyên hải”; chỉ đạo lĩnh vực nông nghiệp thì làm nên phong trào “gió Đại Phong”, trên lĩnh vực giáo dục thì khơi dậy phong trào dạy tốt học tốt “tiếng trống Bắc Lý”... Trong thời kỳ khó khăn nhất của cuộc chiến tranh giải phóng miền Nam, đế quốc Mỹ thực hiện chiến lược chiến tranh cục bộ, đưa quân trực tiếp vào chiến trường, leo thang đánh phá khốc liệt miền Bắc, làm cho không ít người lo lắng trước sức mạnh vật chất, quân số, trang thiết bị khí tài của Mỹ. Năm 1964, ông được Bác Hồ và Bộ Chính trị cử vào làm Bí thư Trung ương Cục, trực tiếp chỉ đạo cách mạng miền Nam. Với sự mẫn cảm chính trị, nhìn xa trông rộng của một nhà lãnh đạo kiệt xuất, sự mưu lược tài tình của một nhà quân sự xuất chúng, sau khi khảo sát thực tế chiến trường, ông nhận định “Mỹ chỉ là con hổ giấy” và đưa ra phương châm tác chiến “Nắm thắt lưng Mỹ mà đánh”, “Tìm Mỹ mà đánh, tìm ngụy mà diệt”. Và thực tế chiến trường miền Nam đã chứng minh điều đó bằng những chiến thắng giòn giã ở Núi Thành, Vạn Tường, Bầu Bàng, Nhà Đỏ, Bông Trang, Plâyme... làm nức lòng nhân dân cả nước. Đánh giá công lao của ông,  Đại tướng Võ Nguyên Giáp khẳng định: “...Đồng chí Nguyễn Chí Thanh đã có đóng góp rất lớn vào sự phát triển đường lối và nghệ thuật quân sự của Đảng, có công lớn trong việc xây dựng quân đội về chính trị tư tưởng, Là người sắc sảo trong việc đánh giá thực chất sức mạnh của Mỹ, nêu cao quyết tâm, niềm tin đánh thắng giặc Mỹ xâm lược...”. Đồng chí Lê Khả Phiêu, nguyên Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam đã viết: “...Nguyễn Chí Thanh là một chiến sĩ cộng sản kiên cường, trung thành vô hạn với lý tưởng cách mạng, một nhà hoạt động chính trị, quân sự lỗi lạc của Đảng ta, một người chỉ huy mưu lược, tài trí, dũng cảm, kiên quyết của lực lượng vũ trang, một người con ưu tú của dân tộc... Đồng chí là người hiểu biết sâu sắc về chủ nghĩa Mác-Lênin, có tư duy biện chứng và khoa học, sự mẫn cảm đặc biệt về chính trị, nhuần nhuyễn trong gắn liền lý luận với thực tiễn, là một trong những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh...”.

Tiếc rằng, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh ra đi quá đột ngột ngày 6-7-1967 tại Hà Nội, sau khi từ miền Nam ra báo cáo tình hình với Bác Hồ và Bộ Chính trị, chuẩn bị kế hoạch cho cuộc tổng tiến công nổi dậy mùa xuân năm 1968. Ông mất để lại niềm tiếc thương vô hạn đối với quân và dân ta trong những ngày cuộc chiến đấu trên chiến trường miền Nam bước vào giai đoạn gay go ác liệt nhất. Khóc ông, nhà thơ Tố Hữu thốt lên: “...Tưởng lại đưa Anh ra chiến trường/ Đường về, vó ngựa thẳng dây cương/ Ngày mai...ai biết chiều nay phải/ Vĩnh biệt Anh nằm dưới bóng dương/...Mắt không muốn khóc, lệ vòng quanh/ Nước non đau xót như lòng mẹ/ Mất một con người: Nguyễn Chí Thanh/...Ôi sống như Anh sống trọn đời/ Sáng trong như ngọc một con người/ Thanh ơi ! Anh mất rồi chăng đấy/ Cứ thấy như anh nở miệng cười...”.

Đã gần nửa thế kỷ ông đi xa, nhưng hình ảnh của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh vẫn sống trong lòng người dân Việt Nam. Được biết, tượng đài của ông được thanh niên cả nước góp công, góp sức xây dựng nên sừng sững giữa làng Niêm Phò quê hương ông để tưởng nhớ vị Chủ tịch đầu tiên của Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, vị tướng lừng danh của đất nước. Hơn thế, hình ảnh, tấm gương đạo đức sáng ngời và sự nghiệp cách mạng sôi nổi của ông, vị tướng toàn tâm, toàn tài, hết lòng vì Tổ quốc, vì nhân dân, người học trò xuất sắc của Bác Hồ vẫn sáng mãi trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước hôm nay.

Ngô Minh Thuyên


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.