Multimedia Đọc Báo in

Vẫn xông pha như thời trận mạc

17:06, 27/12/2014
Sinh ra và lớn lên ở vùng đất Quảng Nam trung dũng kiên cường, năm 1949, khi cuộc kháng chiến chống Pháp đang ở giai đoạn khốc liệt nhất, người Bí thư Chi đoàn Thanh niên cứu quốc xã Tam Phước (huyện Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam) Đỗ Đình Quý được tổ chức phân công lãnh đạo thanh niên trong xã tham gia đi dân công chuyển tải vũ khí ở các chiến trường Quảng Nam đến Thượng Lào. Với nhiều thành tích lập được, ngày 6-1-1950 ông vinh dự trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.

Tháng 8-1954, ông nhập ngũ vào bộ đội chủ lực thuộc đơn vị E210, F305 rồi  tập kết ra Bắc, để lại người vợ hiền và đứa con trai thơ dại. Những ngày tháng ở miền  Bắc, ông được tổ chức  phân công nhiều nhiệm vụ khác nhau, sau đó được cử đi học nghiệp vụ thông tin liên lạc và được biên chế vào Đoàn 559 về Nam tiếp tục chiến đấu. Lúc này ở miền Nam vợ ông bị địch bắt giam cầm ở Lao Xá (Hội An) suốt 2 năm vì gia đình có người đi tập kết; đến năm 1961 bà mới được ra tù. Để cho chồng yên tâm công tác cũng như  tránh sự truy xét, tra hỏi của địch, bà trốn lên Tây Nguyên sinh sống, rồi kể từ đó bà và ông mất liên lạc.

Ông Quý bên những phần thưởng cao quý do Nhà nước trao tặng.
Ông Quý bên những phần thưởng cao quý do Nhà nước trao tặng.

Sau khi trở lại miền Nam nhận được tin vợ bị bắt và mất liên lạc, ông đã cố nén đau thương, ngày đêm cùng đồng đội hăng say chiến đấu. Năm 1964, trong trận đánh tại dốc Lộc Sơn ( Đại Lộc, Quảng Nam), ông tiêu diệt được 2 tên lính Mỹ và được tặng thưởng Huy hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ. Với thành tích đó, ông được đơn vị cử đi học lớp sĩ quan ở Quảng Ngãi và sau khi ra trường được đơn vị phân công làm Trưởng kho vũ khí K3, C7 Cục hậu cần Quân khu 5. Tháng 6-1967, trong lúc chiến đấu bảo vệ kho vũ khí, mặc dù bị địch bắn bị thương ở phần mềm, nhưng ông vẫn  kiên cường đánh trả bắn rơi một máy bay Dakota và được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba. Tuy nhiên, nỗi đau thể xác vẫn không sánh bằng nỗi đau tinh thần, tháng 10 năm ấy ông nhận được tin người con trai duy nhất của ông là Đỗ Văn Toàn tham gia du kích xã hy sinh.

Năm 1974 được sự động viên của gia đình bên vợ, ông kết hôn với bà Lê Thị Hoa - người cùng đơn vị, là thương binh 4/4. Sau ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, ông được phân công về  Ban Định canh, định cư kinh tế mới tỉnh Dak Lak, phụ trách điểm kinh tế mới xã Hòa Lễ (Krông Bông). Trên cương vị mới tuy gặp nhiều khó khăn nhưng với bản lĩnh của người lính Cụ Hồ được tôi luyện trong chiến tranh đã giúp ông hoàn thành tốt nhiệm vụ. Năm 1979, ông về hưu với cấp bậc Thiếu úy. Mặc dù được Nhà nước cấp cho một ngôi nhà tại TP. Buôn Ma Thuột, nhưng ông đã nhường lại cho đồng đội khó khăn hơn và quyết định lập nghiệp nơi vùng đất khó Hòa Lễ.

Xác định gắn bó với nghiệp nhà nông, hằng ngày vợ chồng ông tích cực khai hoang mở rộng diện tích, với đồng lương hưu ít ỏi của mình và khoản trợ cấp thương tật của vợ, gia đình ông đã dành dụm một phần để phát triển chăn nuôi trâu, bò. Có những lúc đàn trâu, bò của gia đình ông lên đến hàng chục con. Nhờ lao động cần cù, chịu khó, kết hợp giữa trồng trọt với chăn nuôi đã mang lại cho gia đình ông nguồn thu nhập khá và ổn định. Nhờ vậy, ông đã nuôi con cái khôn lớn trưởng thành, có nhà ở khang trang, đầy đủ tiện nghi hiện đại với 4 chiếc xe ôtô các loại, 2 xe múc đất và 1 xe tải. Giờ đây ở tuổi 86, ông đang có cuộc  sống vui vầy bên con cháu ở thôn 9, xã Hòa Lễ (Krông Bông).

 Mai Viết Tăng


Ý kiến bạn đọc


(Video) Lan tỏa phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát
Nhờ sự vào cuộc tích cực của chính quyền địa phương và chung tay ủng hộ của nhân dân, ước mơ về căn nhà khang trang của rất nhiều hộ nghèo tại tỉnh Đắk Lắk đã trở thành hiện thực.