Multimedia Đọc Báo in

Trung đoàn thép trên đất Tây Nguyên

10:43, 09/12/2013

LTS: Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Bộ Tư lệnh B3 – Quân khu V và Tỉnh ủy Dak Lak, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 25, đã kiên cường vượt khó, đánh thắng nhiều trận trên khắp các địa bàn Tây Nguyên, góp phần quan trọng giải phóng Buôn Ma Thuột, tiến tới giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Nhân dịp kỷ niệm Ngày thành lập QĐND Việt Nam (22-12) năm nay, Tòa soạn khởi đăng hồi ức “Trung đoàn thép trên đất Tây Nguyên” của cựu chiến binh Trần Việt Thành, nguyên cán bộ tuyên huấn Ban Chính trị Trung đoàn 25.

Kỳ 1: Từ trận thắng đầu đến trận công đồn Ea Súp

Ngày 15-9-1972, Trung đoàn 25 Bộ binh cơ động thuộc Bộ Tư lệnh B3 (Quân khu V) được thành lập, đóng quân tại vùng hậu cứ H5. Cơ cấu của Trung đoàn 25 gồm: Tiểu đoàn 02 đóng tại Buôn Gia Wầm – là một tiểu đoàn đặc công từ Tỉnh đội Dak Lak chuyển sang; Tiểu đoàn 03 đóng giáp ranh đường 14 – từ Trung đoàn 400 đặc công chuyển sang; Tiểu đoàn 05 đóng tại khu vực Mê Wan – là tiểu đoàn bộ binh cơ động từ Trung đoàn 24 chuyển về với sở trường là đánh cường tập; khối pháo gồm 3 đại đội đóng tại thao trường K5; Trung đoàn Bộ - Khối tham chính đóng tại khu suối cạn và trạm xá cùng những đơn vị hậu cần đóng quân tại buôn Win.

Tấn công các khu dồn dân

Sau một tuần lễ xây dựng công sự chiến đấu, làm lán trại và một tuần lễ học tập chính trị, cán bộ, chiến sĩ của Trung đoàn đi gùi thồ lương thực và trang bị vũ khí, trinh sát bám địch.

Với phương châm “từ trận đầu đánh thắng”, vào lúc 4 giờ 30 ngày 20-10-1972, được tăng cường thêm một đại đội của Tiểu đoàn 02 và hỏa lực, Tiểu đoàn 05 đã nổ súng tấn công khu dồn 23 trên trục đường 14. Bị đánh bất ngờ địch không kịp trở tay, ta đã xóa sổ một tiểu đoàn địch, bắt sống tên tiểu đoàn trưởng, giải phóng hàng nghìn dân trở về hậu cứ H5 sinh sống.

Thực hiện chính sách “dồn dân lập ấp”, ngoài khu dồn 23, địch còn dồn dân trong 3 ấp Hà Lan nơi phần lớn người dân di cư miền Bắc vào từ năm 1954, xây dựng hàng loạt hầm ngầm trong nhà dân và cả ngoài vườn, trồng hàng rào tre gai quanh ấp, trang bị súng ống, đạn dược, mìn… và tuyên truyền, nói xấu chế độ xã hội chủ nghĩa, cấm người dân nghe theo lời tuyên truyền của Cộng sản và bắt nhà dân nào cũng phải treo trước cửa một bảng “Chống cộng”. Trước tình hình đó, Bộ Tư lệnh B3 và Tỉnh ủy Dak Lak chỉ thị phải xóa ngay 3 ấp dồn này. Đêm 25-1-1973, Trung đoàn 25 đồng loạt tấn công vào 3 ấp Hà Lan với nhiệm vụ chủ yếu là tiêu diệt những tên ác ôn, tề gian, phản động, làm tê liệt lực lượng địch ở 3 ấp và chốt ở cao điểm 782, 696, tiêu diệt địch ở các chốt vùng lân cận. Tuy nhiên, sau 28 ngày đêm đánh địch, do lực lượng quá ít, vũ khí không kịp chi viện, số thương vong quá lớn nên toàn bộ Trung đoàn được lệnh tạm thời rút quân để củng cố lực lượng chiến đấu lâu dài, chỉ để lại một lực lượng nhỏ phối hợp với đội công tác cánh Đông của tỉnh ở lại giải thích, tuyên truyền chính sách của Mặt trận giải phóng cho bà con; vận động, kêu gọi thanh niên không đi lính, làm bia đỡ đạn cho chính quyền Sài Gòn.

Rút về hậu cứ, ngoài một bộ phận trinh sát bám địch và tăng gia sản xuất, toàn bộ lực lượng còn lại của Trung đoàn 25 phải làm nhiệm vụ vận chuyển thương binh ra các trạm xá và đội phẫu của mặt trận. Thương binh quá nhiều, đường sá lại xa xôi, cách trở, gần hết mùa mưa năm 1973 các chiến sĩ của Trung đoàn mới đưa hết đồng đội bị thương đến Viện Quân y Mặt trận. Đau lòng nhất là do đường xa, vết thương nặng nhiễm trùng, cơ số thuốc chữa bệnh cạn kiện nên nhiều thương binh đã hy sinh trên đường vận chuyển.

Cuối tháng 10-1973, hai tiểu đoàn của Trung đoàn 25 nhận lệnh ra phía bắc Pleiku phối thuộc với Sư đoàn 320 đánh địch lấn chiếm ở khu vực đường 5A. Dù vừa phải trải qua những trận đánh ác liệt và chuyến tải thương, vận tải hàng hóa mệt nhọc nhưng với ý chí chiến đấu, tinh thần tiến công cách mạng, cả Trung đoàn lại bừng lên ý chí quyết chiến, quyết thắng. Được bổ sung một tiểu đoàn đặc công, các chiến sĩ Trung đoàn 25 đã chiến đấu anh dũng, ngoan cường suốt 45 ngày đêm  trên cao điểm 500, trên đường 5A, tiêu diệt địch ở Chư Rông Giang, thu nhiều vũ khí, đồ dùng quân sự của địch.

Với những chiến công của mình trong năm 1973, Trung đoàn 25 đã vinh dự được tặng thưởng Huân chương Chiến công Quân giải phóng hạng I, hạng II.

Công đồn Ea Súp

Địch chiếm đóng đồn Ea Súp đã lâu, như một cái gai phải nhổ đi càng sớm càng tốt.

Cuối tháng 1-1974, Trung đoàn 25 vừa tác chiến ở Gia Lai trở về hậu cứ H5. Dù quân số lúc này rất ít, không đủ theo biên chế nhưng Trung đoàn vẫn cơ động nhanh đánh địch ở các vị trí khi có lệnh. Dù thường xuyên đánh địch, gùi thồ lương thực, các chiến sĩ mới được bổ sung vào chiến trường chưa quen khí hậu nên dễ bị ốm, mắc bệnh sốt rét song Trung đoàn 25 vẫn quyết tâm phải đánh đồn Ea Súp, giải phóng cho dân. Chỉ trong một tháng, toàn bộ sơ đồ, cấu trúc, công sự của đồn Ea Súp đã được tái hiện trên thao trường K5. Thời tiết bắt đầu vào mùa mưa song các chiến sĩ Trung đoàn 25 vẫn hăng say tập luyện thành thục các tình huống có thể xảy ra trong trận công đồn.

Để chuẩn bị cho trận đánh đồn Ea Súp, Trung đoàn 25 được tăng cường 9 khẩu pháo cao xạ 37mm, 3 khẩu pháo cao xạ 57mm, 1 khẩu cối 160mm, 3 khẩu 85mm, 2 khẩu 105mm, 4 súng DKZ 75mm… cùng một đại đội công binh và một đội phẫu tiền phương.

Đúng 5 giờ 30 ngày 30-5-1974 mở màn trận đánh đồn Ea Súp. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bí thư Tỉnh ủy Huỳnh Văn Cần, Đại tá Lê Kim Tuấn, Sư đoàn trưởng Sư đoàn 320 cùng các cán bộ tác chiến mặt trận B3 (Quân khu 5), chỉ trong 2 giờ đồng hồ, Trung đoàn 25 đã xóa sổ đồn Ea Súp, tiêu diệt tiểu đoàn 211 lính bảo an, bắt sống hàng trăm tên địch, trong đó có tên tiểu đoàn trưởng. Đồn Ea Súp bị xóa sổ, 4.000 người dân được giải phóng trở về các buôn làng.

Thắng lợi trong trận đánh đồn Ea Súp mang ý nghĩa quan trọng, đánh dấu sự trưởng thành của cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 25. Sau thất bại thảm hại này, Sư đoàn 23 ngụy càng hung hăng, ồ ạt cho xe tăng, pháo binh bắn phá, bộ binh càn quét vùng Mê Wan. Tiểu đoàn 05 (Trung đoàn 25) đã tấn công tiêu diệt hàng trăm tên địch, buộc chúng phải rút về Buôn Ma Thuột.

Đầu tháng 8-1974, tiểu đoàn 02 chặn đánh đường 14, phá sập cầu Ea H’leo, kiểm soát địa bàn rộng lớn từ Ea H’leo đến Cẩm Ga. Địch điên cuồng huy động Trung đoàn 45 ngụy đánh thẳng vào khu vực đóng quân của tiểu đoàn 03, chiếm lĩnh cao điểm 721 và khu vực Y12. Trung đoàn 25 mở chiến dịch quyết tâm chống càn với phương châm “Một tấc không đi, một li không rời”. Trong gần nửa tháng, Trung đoàn đã đánh tan cuộc tấn công của địch, giữ vững vùng giải phóng H5.

Với những chiến công của mình đầu năm 1974, Trung đoàn 25 đã được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng II.

(còn nữa)

Trần Việt Thành 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.