Tổ quốc khắc tên anh!
Tôi may mắn được một lần đến với Trường Sa, đặt chân lên những nhà giàn vững chãi, hiên ngang, sừng sững giữa biển trời như một biểu tượng thiêng liêng về chủ quyền Tổ quốc.
Và ở đó tôi được nghe câu chuyện về liệt sĩ Vũ Quang Chương, người chiến sĩ hải quân đã ôm trọn lá cờ Tổ quốc trước khi hòa mình, hóa thân vào biển nước quê hương. Câu chuyện cứ mãi ám ảnh, thôi thúc để rồi tôi tìm đến gia đình liệt sĩ, thắp nén nhang tri ân, nghe lại câu chuyện của người chiến sĩ xả thân bảo vệ nhà giàn…
Nhà giàn DK-biểu tượng của chủ quyền thềm lục địa Tổ quốc. |
Chuyện về gia một gia đình cách mạng
Chúng tôi tìm đến gia đình liệt sĩ Vũ Quang Chương nằm xa tít ở xã vùng sâu Ea Kly (huyện Krông Pak) vào một ngày cuối năm. Mẹ liệt sĩ, bà Nguyễn Thị Tám mừng rỡ đón chúng tôi như những đứa con đi xa vừa mới về. Nước mắt lưng tròng, ánh mắt xa xăm, bà lặng nhìn di ảnh con khi chúng tôi thắp nén nhang, bày tỏ lòng kính trọng vô bờ bến đối người con ưu tú của quê hương Dak Lak. Bà bảo: “Hương hồn con trai tôi nơi chín suối chắc chắn sẽ được an ủi nhiều lắm khi luôn được mọi người nhắc nhớ, tri ân”. Liệt sĩ Vũ Quang Chương sinh năm 1968, quê gốc ở thôn Tri Chỉ, xã Thụy Trường, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình, trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng. Ông nội anh là Liệt sĩ Vũ Quang Ngãi, hy sinh trong kháng chiến chống Pháp; cha anh - ông Vũ Quang Dương từng là bộ đội Đặc công, đơn vị Z16, người đã nổ phát súng B41 đầu tiên mở màn chiến dịch Mậu Thân năm 1968, tiêu diệt gọn Lữ đoàn Dù của địch đóng ở Thủ Dầu Một và cắm lá cờ lên nóc sở chỉ huy địch. Sau trận đánh đó, ông vinh dự được Chủ tịch Hội đồng cố vấn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam Nguyễn Hữu Thọ tặng Huân chương Chiến công Giải phóng hạng Ba. Mẹ liệt sĩ, bà Nguyễn Thị Tám lúc mới 15 tuổi đã tham gia du kích xã và là xạ thủ số 1 của khẩu đội súng máy 12 ly 7, đã từng cùng đồng đội bắn rơi máy bay Mỹ năm 1965. Tiếp nối truyền thống cha ông, năm 1986 sau khi học xong lớp 10, Vũ Quang Chương thi vào Trường sĩ quan Lục quân 1. Được tôi luyện trong môi trường quân ngũ, chàng chiến sĩ Hải quân Vũ Quang Chương ngày một trưởng thành, chín chắn, sống trách nhiệm với gia đình, chan hòa với đồng đội. Trong ký ức bà Nguyễn Thị Tám thì “Chương là người con cả rất mực hiếu thảo với cha mẹ, yêu thương em út”. Mới hơn 10 tuổi Chương đã biết phụ giúp cha mẹ công việc đồng áng, không quản ngại gian khổ, vất vả theo các chú đi biển đánh cá, cải thiện bữa ăn cho gia đình. Đến khi trở thành người lính hải quân, mỗi lần nhận lương anh đều chắt chiu, gửi trọn về phụ giúp cha mẹ nuôi các em ăn học. Đến năm 1995 khi đang công tác ở Cam Ranh, Vũ Quang Chương có dịp lên Tây Nguyên, sau đó đã thuyết phục gia đình vào lập nghiệp nơi đây. Ông Vũ Quang Dương nhớ lại: “Ngày ấy cứ mỗi lần về phép, Chương lại lao vào ban đất, san lấp mặt bằng làm nhà, rồi lại đào hố trồng hàng ngàn gốc cà phê, không có một khoảng thời gian dành riêng cho mình. Tôi giục lấy vợ, nó cười bảo: “Để con lo cho bố mẹ, cho các em đã!”. Còn đối với cô em út Vũ Thị Hồng, hình ảnh người anh cả mãi mãi khắc ghi trong tâm trí: “Dù công tác nơi xa nhưng anh Chương vẫn thường xuyên gửi thư ân cần bảo ban, nhắc nhở tôi chăm chỉ học tập, chăm lo cho bố mẹ chu đáo. Trong đợt về phép cuối cùng, anh còn phác thảo tặng tôi bức tranh vẽ một ngôi nhà phong cảnh gợi nhắc quê hương, với lời hứa “năm sau anh về sẽ xây nhà như trong bức tranh, tặng bố mẹ an hưởng tuổi già…”. Thế nhưng ước nguyện của anh đã không trở thành hiện thực. Sau chuyến nghỉ phép ấy, Vũ Quang Chương mãi mãi ra đi, về với lòng biển mẹ bao la khi vừa tròn tuổi 30.
Liệt sĩ Vũ Quang Chương và cha. |
Ôm trọn Tổ quốc vào lòng!
Lần theo những thông tin do gia đình cung cấp, tôi liên lạc được với Thiếu tá Dương Văn Hoan (nay là Chỉ huy trưởng Nhà giàn DK1/16). Thiếu tá Hoan kể lại: Đầu tháng 12-1998, khi cơn bão số 8, với sức gió giật cấp 12, trên cấp 12 hung hãn tràn qua nhà giàn 2A/DK1 Phúc Nguyên, trên nhà giàn gồm có 9 anh em: Trạm rưởng Vũ Quang Chương, y sĩ Nguyễn Hữu Tôn, nhân viên cơ yếu Hà Công Dụng, nhân viên thông tin Hoàng Văn Thủy, nhân viên báo vụ Phí Ngọc Thuật, pháo thủ Nguyễn Văn Thơ, nhân viên ra đa Lê Đức Hồng, nhân viên cơ điện Nguyễn Hữu An. Đêm 12-12, những con sóng cao 5-7 mét dội liên hồi vào nhà giàn, giữa biển trời bao la, nhà giàn trở nên mong manh, nhỏ bé như một chiếc “tổ chim” rung lên bần bật trước sóng gió, đến khoảng nửa đêm thì bị sóng xô nghiêng. Trước tình thế nguy cấp, trên cương vị là chỉ huy, đại úy Vũ Quang Chương bình tĩnh tổ chức họp khẩn, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng đồng chí. Thiếu tá Dương Văn Hoan còn nhớ mãi gương mặt điềm tĩnh cùng những lời trấn an, động viên anh em nhà giàn: “Đây là giờ phút nguy nan, thử thách lòng can đảm của những chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam. Chúng ta quyết tâm bám giữ trạm đến cùng. Trường hợp nguy cấp, có lệnh tôi mới được rời nhà giàn”. Sóng mỗi lúc một to, nhà giàn lắc lư, chao đảo theo từng cơn sóng. Giữa biển khơi mênh mông, đêm tối mịt mùng, phải đối mặt với sóng, gió, đói, rét, song những người chiến sĩ Hải quân vẫn kiên cường bám trụ, quyết không rời nhà giàn với tinh thần “còn người, còn nhà trạm”. Liên tục trong nhiều giờ đồng hồ, gồng mình chống chọi với những cơn sóng lớn, đỉnh sóng cao đánh mạnh trùm kín qua cả sàn công tác của nhà giàn, cùng với sức gió giật mạnh làm cho nhà giàn bị rung chấn dữ dội và nghiêng, lắc mạnh. Đến 3 giờ sáng ngày 14-12-1998, thời điểm mà sức mạnh và sự tàn phá của bão đã lên đến đỉnh điểm, những con sóng lững lững, cao như ngọn núi trùm lấy nhà giàn. Nhận định tình thế nhà giàn không thể chống chọi thêm nữa, Đại úy Vũ Quang Chương chỉ huy mọi người nhảy xuống trước. Còn anh vẫn cẩn thận đóng cửa lại, thu xếp tất cả các tài liệu mật của ngành thông tin, cuốn lá cờ đỏ sao vàng vào lòng rồi rời nhà giàn sau cùng. Đến phút cuối cùng, các đồng chí, đồng đội vẫn nghe văng vẳng trong tiếng sóng dữ giọng lo lắng cho đồng đội của anh: “Nhảy đi Thủy ơi! Nhà giàn đổ rồi…”, còn bóng anh dần chìm khuất trong biển nước trắng xóa…
Kỷ vật thiêng liêng để lại!
Gia đình Liệt sĩ Vũ Quang Chương đọc lại lá thư cuối cùng của anh. |
Tròn 15 năm, kể từ ngày liệt sĩ Vũ Quang Chương hóa thân mình vào dòng nước xanh biếc, nhưng hình ảnh người chỉ huy thanh thản ôm trọn cờ Tổ quốc hòa vào lòng biển đã đi vào lịch sử, trở thành biểu tượng chói ngời của tình yêu quê hương đất nước, của người chiến sĩ cách mạng sẵn sàng xả thân, quyết chốt giữ, bảo vệ chủ quyền vùng biển, thềm lục địa phía Nam Tổ quốc. Anh vĩnh viễn ra đi, nhưng vóc dáng anh đã tạc vào bóng hình Tổ quốc yêu thương, dáng hình anh mãi mãi đọng lại trong ký ức đồng đội, gia đình và hiển hiện cụ thể, sinh động qua những kỷ vật anh để lại. Đó là chiếc máy ảnh anh dành dụm mua ra nhà giàn công tác để có thể lưu lại những hình ảnh hùng vĩ, tươi đẹp của biển đảo quê hương giới thiệu cho gia đình, bạn bè mà anh tặng cho người em Vũ Quang Chuyên trước lúc ra đi; đó là chiếc đồng hồ anh tặng người em gái, động viên em phấn đấu học tập khi bước chân vào giảng đường sư phạm; hay là bức thư cuối cùng anh gửi về cho cô em gái Vũ Thị Hồng, với những tâm sự mà trong đó, dường như người chiến sĩ hải quân đã linh cảm, dự báo một điều bất trắc, hiểm nguy nào đó : “Chắc chắn rằng Tết này anh không về, mùa này bão thường cáu kỉnh, nổi giận bằng những cơn giông…”. Chiếc máy ảnh, chiếc đồng hồ, bức thư cuối cùng… luôn được gia đình nâng niu, gìn giữ. Với họ, với những người đồng chí, đồng đội thân yêu dường như sự ra đi của anh chỉ như một chuyến đi xa, như một hành trình dài tìm về cội nguồn của tình yêu quê hương, đất nước.
Đăng Triều
Ý kiến bạn đọc