Niềm kiêu hãnh bên những tượng đài
Kỷ niệm về những ngày tháng 3-1975 trên nước bạn của một du học sinh Liên Xô tràn đầy sự kiêu hãnh, tự hào về tinh thần anh hùng, bất khuất của phụ nữ Việt Nam; cũng là những ngày tin tức chiến thắng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ vang dội của dân tộc đã làm nức lòng những du học sinh vốn là cựu quân nhân…
Sau một đêm nghỉ ngơi, sáng hôm sau chúng tôi được mời xuống phòng khách của khách sạn đón khách. Đó là gia đình ông Nhicôlai – một chuyên gia quân sự về binh chủng phòng không, pháo cao xạ đã từng sang giúp Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ và bị thương. Chúng tôi đã từng hai lần được tiếp ông Nhicôlai tại trường vào dịp 22-12-1974 và Tết Nguyên đán 1975, còn vợ và con gái ông thì đây là lần đầu chúng tôi gặp.
Tượng đài Mẹ Tổ quốc tại thành phố Volgograd (Nga). Ảnh: T.L |
Chúng tôi kín đáo nhờ tổ lễ tân của khách sạn mua giùm một chú gấu bông Misa để tặng cho cô con gái của ông Nhicôlai.
Bà Olga, vợ ông Nhicôlai tự giới thiệu: “Tôi là giáo viên văn học bậc trung học đã đứng trên bục giảng được hai năm rồi các bạn ạ! Tôi là một trong hàng tỷ người nói chung và phụ nữ trên thế giới nói riêng ủng hộ cuộc chiến tranh chính nghĩa, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, thống nhất đất nước của dân tộc Việt Nam. Chúng tôi ca ngợi tinh thần quả cảm chiến đấu của các bạn. Tôi may mắn được trực tiếp nghe “người lính” tình nguyện này kể (bà ngừng lời, âu yếm ngước nhìn và vuốt ve cánh tay bị thương của chồng) rằng tận mắt nhìn, vẫy tay đưa tiễn những đoàn tàu hỏa, những đoàn xe ô tô chở lớp lớp nam nữ thanh niên tạm gác sự nghiệp, mang theo hoài bão của tuổi trẻ vào trận. Năm xưa trên đất nước Xô Viết thân yêu của chúng tôi cũng vậy. Khi tất cả chúng ta ngồi đây chưa được sinh ra thì chị Zoya Anatolyevna Kosmodemyanskaya gan dạ, dũng cảm và hiên ngang – người nữ “Anh hùng Liên bang Xô Viết” kính mến của chúng tôi đã làm cho bọn phát xít Đức hung bạo, man rợ phải run sợ. Toàn thể nhân dân Xô Viết sẽ mãi mãi ghi nhớ những lời khẳng khái đanh thép của chị trước khi hy sinh (tháng 11-1941): “Hãy giết tao đi, tao sẽ không khai bất cứ điều gì… Chúng mày có thể treo cổ tao bây giờ, nhưng tao không đơn độc. Hai trăm triệu người trên đất nước chúng tao, chúng mày không thể treo cổ hết được, họ sẽ thay tao trả thù chúng mày. Hỡi các tên lính kia! Không bao lâu nữa chúng mày sẽ phải đầu hàng. Chiến thắng sẽ thuộc về chúng tao!”
Nói đến đây, khuôn mặt chị Olga biểu lộ rõ niềm tự hào. Chị tiếp: “Nếu như Tượng đài Mẹ Tổ Quốc ở Stalingrad được coi là biểu tượng của tinh thần, tính cách và ý chí của toàn dân Xô Viết, thì tượng của chị Zoya Anatolyevna Kosmodemyanskaya cũng mang những biểu tượng ấy của tuổi trẻ Xô Viết phải không các bạn? Tôi tin rằng một ngày nào đó trên đất nước Việt Nam thân yêu của các bạn sẽ có những bức tượng mang dáng hình, khí phách của những người phụ nữ Việt Nam mà chồng tôi đã quen mặt, biết tên và đã kể đi, nhắc lại nhiều lần”.
Tất cả mọi người đều im lặng. Như muốn để thời gian lắng đọng. Như muốn để thời gian tự trả lời.
Cánh cửa phòng khách sạn bật mở, người giao hàng mang đến một chú gấu bông xinh xắn. Chúng tôi tặng cho bà Olga và bé Lêna cùng những lời chúc mừng tốt đẹp nhân Ngày Quốc tế Phụ nữ. Bà Olga vô cùng xúc động: “Hôm nay chưa phải ngày 8-3 mà tôi đã được nhận quà! Chân thành cảm ơn các bạn nhiều lắm”. Bé Lêna lễ phép khoanh tay cảm ơn và hôn mãi lên đôi má phúng phính của gấu bông. Quà tặng bà Olga là một bức tranh dân gian Tố Nữ–cô gái thổi sáo, in trên mành trúc.
Tuy không phải là tham luận trong một cuộc hội thảo và cũng hoàn toàn không đúng là khoe khoang tâng bốc, nhưng niềm tự hào về truyền thống “Giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh” của phụ nữ Việt Nam đã nhắc nhở chúng tôi lên tiếng: “Ở bất cứ cuộc chiến tranh vệ quốc nào thì người phụ nữ ở đất nước đó đều xứng đáng với mỹ từ “Anh hùng, Bất khuất” và đều được xứng đáng dựng tượng cả. Ngay từ năm 40 của thế kỷ đầu tiên, hai người phụ nữ của dân tộc Việt Nam đã vùng dậy, tập hợp nghĩa sĩ, dấy binh khởi nghĩa, đánh đuổi giặc ngoại xâm. Khi bờ cõi yên bình, hai bà được tôn vinh là Vua – Trưng Vương. Khi chị Zoya nói lời bất hủ cuối cùng thì hơn chục năm sau, chị Võ Thị Sáu còn đang ở độ tuổi vị thành niên đã hiên ngang tiến ra pháp trường giữa hai hàng lính lăm lăm súng đạn, lưỡi lê tuốt trần. Tiếng hát ngọt lành của chị đã làm cho kẻ thù khiếp đảm. Trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc khỏi ách đô hộ gần 100 năm của thực dân Pháp, phụ nữ Việt Nam đã có rất nhiều người được tặng danh hiệu Anh hùng. Hiện thời ở miền Nam nước tôi có cả một “Đội quân tóc dài” với nữ tướng Tổng Tư lệnh Nguyễn Thị Định đã lập nên bao chiến công hiển hách, làm tan rã chiến lược của những nhà “Quân sự đại tài Hoa Kỳ”. Đất nước chúng tôi chưa thống nhất, việc dựng tượng các liệt nữ chưa được tiến hành, nhưng hình ảnh của các Bà, các Mẹ, các Chị sẽ mãi mãi sống trong lòng mỗi người dân nước Việt. Chúng tôi nghĩ rằng đây chính là tượng đài vĩnh cửu tôn vinh người phụ nữ Việt Nam, bà Olga thân mến ạ!”.
**
*
Kỳ nghỉ đông kết thúc, chúng tôi trở về trường học tập chưa đầy tuần lễ thì nhận được tin nhà: “Với chiến thuật nghi binh, tác chiến hợp đồng binh chủng. Quân Giải phóng đã hoàn toàn làm chủ thị xã Buôn Ma Thuột – thủ phủ của tỉnh Dak Lak! Ủy ban Quân quản đã được thành lập tại thị xã phố núi này!”.
Chúng tôi reo mừng hết mức.
Đã gần bốn mươi lần kỷ niệm Ngày Giải phóng Buôn Ma Thuột 10-3 nhưng tin vui của chiến thắng lịch sử ấy vẫn in đậm trong tôi. Mỗi lần nhớ lại ngày nhận được tin vui chiến thắng Buôn Ma Thuột, tôi như thấy một tượng đài sừng sững trong tâm trí mình.
Hữu Hằng
Ý kiến bạn đọc