Multimedia Đọc Báo in

Nhớ những mùa Xuân chiến trường

22:31, 31/01/2014

Những năm tháng chiến tranh, biết bao mùa xuân đất nước chìm trong bom đạn. Dẫu chẳng đủ đầy, thậm chí chẳng có hương vị, bánh trái của Tết, xuân về trên chiến trường ngày ấy, giản dị, thiêng liêng với mọi nhiệm vụ sẵn sàng phục vụ chiến đấu cùng khát vọng, ước nguyện cháy bỏng về những mùa xuân hòa bình…

Đêm xuân Mê Wan (*)

Căn nhà của nhạc sĩ Ama Nô, nguyên Trưởng đoàn Ca múa nhạc Dak Lak, ở thôn 3, xã Cư Êbur (TP. Buôn Ma Thuột) nằm yên bình giữa thênh thang rẫy ngô, nương cà phê. Hình như cái không gian yên bình và phóng khoáng ấy là môi sinh lý tưởng tiếp tục nuôi dưỡng tâm hồn người nhạc sĩ đã ở cái tuổi gần 80 này, dẫu tuổi cao nhưng vẫn còn say với nhạc lắm! Bà Siu Lai, vợ của già Ama Nô khoe rằng, cứ rảnh rỗi là già vẫn tự tay làm đàn T’rưng để biếu và tặng. Dù không còn hát lâu, hát khỏe được như xưa nhưng nhắc đến âm nhạc là đôi mắt già Ama Nô sáng lên, già muốn hát. Mà say cũng phải, gắn bó với hoạt động văn hóa văn nghệ từ những năm 1960, cuộc đời làm nghệ thuật của nhạc sĩ Ama Nô càng tự hào vì được đem tài năng và niềm say mê âm nhạc của mình cổ vũ tinh thần bộ đội, phục vụ kháng chiến. Hát chay, không nhạc; đi bộ băng rừng, lội suối đến các đơn vị, buôn làng; sân khấu đơn sơ, ánh sáng chỉ là chiếc đèn măng-sông nhưng vẫn hăng, vẫn say đi biểu diễn. Thậm chí, đã rất nhiều lần đội văn nghệ do Ama Nô phụ trách phải tập luyện trong hầm, rồi những chuyến đi diễn dài ngày, cả hai vợ chồng phải bồng bế theo hai đứa con khi ấy đứa lớn mới được 6 tuổi, đứa nhỏ 3 tuổi. Trong không khí của những ngày Xuân này, nhắc đến chuyện đi diễn, già Ama Nô ấn tượng mãi với đêm Xuân Mê Wan năm Ất Tỵ (1965). Già bồi hồi nhớ lại:

Cựu chiến binh Nguyễn Đình Xây và những hồi ức khó quên về Trường Sơn năm xưa. (Ảnh: Đ.T)
Cựu chiến binh Nguyễn Đình Xây và những hồi ức khó quên về Trường Sơn năm xưa. Ảnh: Đ.T

Đêm Xuân ở Mê Wan, không khí sôi nổi lạ thường, chẳng khác gì ngày hội. Dưới ánh đèn măng-sông, những đôi mắt, nụ cười đang hớn hở chờ giờ mở màn. Một đồng chí thay mặt lãnh đạo địa phương giới thiệu chào mừng, cảm ơn đoàn. Tôi làm trưởng đoàn ra tuyên bố khai mạc buổi biểu diễn:

- Thưa các đồng chí lãnh đạo địa phương và toàn thể đồng bào, chúng tôi là tổ văn nghệ của Đoàn Văn công Quân khu 5, chứ không phải Đoàn Văn công của Trung ương Cục miền Nam. Chúng tôi từ Trường Ca múa nhạc của Trung ương Cục về Quân khu 5, trên đường qua đây nghỉ lại. Đêm nay trong niềm vui đón Xuân Ất Tỵ, mừng chiến thắng, anh chị em chúng tôi rất vinh dự được đem lời ca, tiếng nhạc, điệu múa phục vụ đồng bào các dân tộc ở đây. Xin chúc bà con cô bác sức khỏe, đoàn kết, lao động chiến đấu giỏi. Chương trình văn nghệ tiếng hát đêm Xuân Mê Wan của chúng tôi bắt đầu.

Màn mở, những tiết mục: “Xuân chiến khu”, “Xuân về trên sông Dak Krông”, “Tiếng đàn Ta Lư”, “Cô gái Sài Gòn đi tải đạn” và các điệu múa dân gian lần lượt được biểu diễn trong tiếng hoan hô vang dậy của hàng trăm khán giả. Tiết mục đặc sắc nhất là điệu múa dân tộc Êđê của chị H’Bem được mọi người đề nghị biểu diễn nhiều lần. Những bước đi uyển chuyển của chị quyện chặt vào tiếng đàn rộn rã của Ama Nô làm bao trái tim phải rung động. Đêm Xuân ngập tràn trong lời ca, tiếng hát, điệu múa, cuộc vui kéo dài mãi tới gần 12 giờ khuya mới nghỉ.

Sau buổi văn nghệ tiếng hát đêm Xuân Mê Wan hôm ấy, anh chị em trong đoàn để lại cho đồng bào Mê Wan, H5, nhiều ấn tượng tốt đẹp. Có nhiều thanh niên, đặc biệt là các ông lão, bà lão đã thốt lên: “Tết Ất Tỵ này, dù đã gần 80 tuổi mà chưa bao giờ được xem văn nghệ hay như hôm nay, thật đúng là văn nghệ của Bác Hồ, văn nghệ của cách mạng”.

Ký ức Tết chiến trường của người lính già Trường Sơn

Con đường Trường Sơn huyền thoại đã góp phần làm nên trang sử hào hùng và bi tráng của dân tộc. Chỉ nghe phương châm “ở không nhà, đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng” đã đủ thấy hiện hữu những gian khổ, khó khăn, hiểm nguy của người lính Trường Sơn ngày ấy. Với cựu chiến binh Nguyễn Đình Xây, ở thôn 1, xã Ea Tu (TP. Buôn Ma Thuột) - một trong số những người đầu tiên đặt chân trên con đường Trường Sơn, dẫu có kể đến năm cùng tháng tận cũng không hết những vất vả, gian nan nhưng đó lại là một phần ký ức vinh quang, tự hào, thiêng liêng trong đời lính của ông.

Gần 80 tuổi, những lúc rảnh rỗi, nhạc sĩ Ama Nô vẫn tự chế tác đàn T’rưng.
Gần 80 tuổi, những lúc rảnh rỗi, nhạc sĩ Ama Nô vẫn tự chế tác đàn T’rưng.

Sau khi tập kết ra Bắc, năm 1959, ông đủ tiêu chuẩn được chọn vào Tiểu đoàn 301, tiền thân của Đoàn 559. Tiểu đoàn gồm 500 chiến sĩ có nhiệm vụ soi đường, mở tuyến, gùi thồ hàng, đón đưa cán bộ, chiến sĩ từ miền Bắc vào chi viện cho miền Nam. Ông còn nhớ rõ, 8 giờ sáng ngày 11-6-1959, Tổng Tư lệnh truyền đạt lời dặn dò của Bác Hồ đến cả đoàn: “Bí mật, bí mật và bí mật. Sống để dạ, chết mang theo. Khi nào thống nhất nước nhà, nếu ai còn sống thì làm thơ, viết sách nói lại, kể lại cho mọi người biết, cho con cháu đời sau thấy rõ, để chúng tự hào về cha ông”. Trước khi Tiểu đoàn 301 lên đường làm nhiệm vụ, ông lại vinh dự là một trong 16 chiến sĩ được đến thắp hương tại Đền Hùng, tưởng nhớ các Vua Hùng đã có công dựng nước, để hun đúc thêm tinh thần và ý chí thép cho công cuộc giữ nước.

16 năm gắn bó với đường Trường Sơn kể từ ngày khai sinh Đoàn 559 - Bộ đội Trường Sơn - đến khi giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, với ông có biết bao kỷ niệm và ký ức lịch sử. Nói chuyện vui Tết, đón Xuân thời chiến, nhất lại là với một cựu chiến binh từng xông pha trên tuyến đường Trường Sơn khói lửa, ông bảo nhiều mà lại ít, có Tết mà lại không Tết. Ông lý giải rằng, lúc ấy gian khổ lắm, bốn bề là rừng, ăn uống kham khổ, chủ yếu lương khô. Ngày Tết cũng như ngày thường, những đoàn chiến sĩ gánh, gùi, thồ lương thực, vũ khí ngày đêm không nghỉ… Ngày Tết chỉ khác một điều: khát vọng ngày đất nước thống nhất thêm cháy bỏng. Đêm giao thừa, đơn vị nào có chiếc đài nhỏ thì đúng là của quý. Cán bộ, chiến sĩ quây quần, kề sát vai nhau, im lặng tưởng như nín thở để nghe Bác Hồ chúc Tết, rồi mọi người ôm nhau khóc. Với cá nhân ông, 16 năm có mặt trên đường Trường Sơn, ông đảm nhiệm việc chăm sóc sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ. Trong hàng trăm ca mổ, ông cũng không thể nhớ chính xác đã thực hiện bao nhiêu ca trong ngày Tết dưới hầm sâu. Bị thương do bom đạn đã đành, chạnh lòng là nhiều chiến sĩ chỉ vì ăn lương khô, ngô nhiều ngày rồi dẫn đến đau dạ dày cấp, thậm chí tắc ruột. “Dù biết chiến đấu có phải hy sinh em cũng không lùi bước, nhưng chết vì chuyện ăn uống thế này thì thật không đặng, anh cứ tìm mọi cách mổ cho em, đau mấy em cũng chịu được…”, những lời nói của một đồng đội mà ông không kịp hỏi tên, giữa cơn đau bụng quằn quại vẫn khiến ông nhớ mãi. Vậy là, Tết năm 1969, ông cùng người đồng đội ấy đã đón giao thừa dưới hầm bằng… một ca phẫu thuật. Giữa tiếng bom rơi, đạn nổ, dưới ánh sáng leo lét của chiếc đèn pin nhỏ đeo trên đầu, ông đã thực hiện thành công ca phẫu thuật dạ dày cho đồng đội.

Câu chuyện ngày Xuân trên chiến trường năm xưa thêm một lần nữa giúp lớp hậu sinh cảm nhận được bài ca về lòng quả cảm và sự đóng góp, hy sinh vô bờ của những thế hệ cha anh…

(*) Mê Wan thuộc địa bàn huyện Cư M’gar bây giờ

Nam Việt - Phùng Quang Chí


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tự hào trang sử anh hùng
Cách đây 49 năm, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 của quân và dân ta, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, mở ra kỷ nguyên độc lập dân tộc, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.