Multimedia Đọc Báo in

Tiểu đoàn Đặc công 401- Huyền thoại và những chiến công hiển hách

10:12, 09/03/2014
Dù chỉ tồn tại vỏn vẹn 8 năm nhưng những chiến công hiển hách của Tiểu đoàn Đặc công 401 Anh hùng đã góp phần không nhỏ vào Chiến thắng Buôn Ma Thuột. Sống trong hòa bình hôm nay, những chiến sĩ đặc công năm xưa của Tiểu đoàn 401 vẫn đau đáu nhớ về những tháng ngày chiến đấu oanh liệt và những đồng đội đã nằm lại nơi chiến trường…
 
Tiểu đoàn Đặc công 401 được thành lập vào ngày 7-11-1967 theo Quyết định số 194/QĐ-B3 của Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên, trên cơ sở hợp nhất của 3 đại đội đặc công, gồm Đại đội 308 của địa phương, Đại đội 309 của Bộ Tư lệnh Đặc công và Đại đội 310 của Tiểu đoàn Đặc công 407, Bộ Tư lệnh Quân khu V. Được giao nhiệm vụ làm suy yếu sinh lực địch ở khu vực Bắc thị xã Buôn Ma Thuột, ngay sau khi được thành lập, cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn Đặc công 401 đã lập được nhiều chiến công hiển hách. Ngày 4-1-1968, trong trận đầu đánh vào sân bay Buôn Ma Thuột chỉ diễn ra 30 phút, Tiểu đoàn đã tiêu diệt được 73 tên địch, trong đó có 53 lính Mỹ, phá hủy nhiều kho tàng gồm máy bay, xe tăng, thu được nhiều vũ khí quân trang của địch. Sau này Tiểu đoàn đã chọn ngày 4-1 làm ngày truyền thống của đơn vị. Ông Phan Công Thí, nguyên là Chính trị viên Tiểu đoàn tâm sự: “Tinh thần chiến đấu, sẵn sàng hy sinh vì độc lập dân tộc luôn được các cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn đặt lên hàng đầu. Vì vậy, lúc đó hình ảnh những chiến sĩ quả cảm của Tiểu đoàn Đặc công 401 luôn là “khắc tinh” của giặc. Có những trận đánh chỉ diễn trong một thời gian ngắn nhưng đã làm hao tổn nhiều sinh lực cũng như khí tài địch. Ngày 2-9-1969, trong trận đánh với quân địch, chỉ hơn 30 phút chiến đấu, các chiến sĩ đã tiêu diệt được 150 tên địch, trong đó có 6 sĩ quan cao cấp. Ngày 5-1-1970 là thời điểm diễn ra trận đánh có tổ chức quy mô, có sự phối hợp với quân chủ lực. Quân ta đã đánh vào các đơn vị địch đóng tại phía nam thị xã Buôn Ma Thuột, tiêu diệt được 250 tên địch, làm thiệt hại 2 trung đoàn ngụy được trang bị vũ khí tối tân”. v
Tiểu đoàn Đặc công 401 đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.   Ảnh: T.L
Tiểu đoàn Đặc công 401 đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Ảnh: T.L

Do yêu cầu tình hình mới, đến tháng 1-1975 Tiểu đoàn Đặc công 401 giải thể, rồi chuyển sang hoạt động ở lĩnh vực khác. Dù chỉ tồn tại 8 năm, các chiến sĩ tiểu đoàn đã lập nên 128 chiến thắng lớn nhỏ (trong đó có 28 trận được tổ chức quy mô lớn), phối hợp tiêu diệt được 2.063 tên địch (trong đó có 85 lính Mỹ); đánh thiệt hại 5 Sở chỉ huy Tiểu đoàn của địch, phá hủy hơn 30 kho vũ khí, hàng chục xe tăng, bọc thép, máy bay… Với những chiến công đó, Tiểu đoàn Đặc công 401 đã nhiều lần nhận  các danh hiệu cao quý do Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên trao tặng và ngày 27-4-2012 vinh dự được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Ngày nay, dù chiến tranh đã lùi xa, mỗi năm cứ đến ngày truyền thống của đơn vị, những chiến binh anh hùng của Tiểu đoàn Đặc công 401 năm xưa lại ngồi bên nhau, ôn lại những ngày tháng chiến đấu oanh liệt đã qua. Những mái tóc xanh ngày nào hôm nay đã nhuốm màu bạc trắng nhưng tinh thần hăng hái, sẵn sàng thách thức với những khó khăn, gian khổ vẫn còn nguyên vẹn. Họ vẫn cống hiến công sức của mình trên mặt trận phát triển kinh tế - xã hội để làm cho bộ mặt của tỉnh nhà ngày càng phát triển hơn, khang trang hơn, giàu mạnh hơn. Điển hình như ông Phạm Thanh Khiêu, nguyên là cán bộ Đại đội 308, trong quá trình chiến đấu tại khu vực bắc thị xã Buôn Ma Thuột, ông bị thương, sau đó được chuyển ra Bắc, theo con đường nghiên cứu khoa học, rồi trở thành kỹ sư nông nghiệp. Sau khi hòa bình lập lại, ông lại vào Dak Lak làm cán bộ nông nghiệp ở huyện, tỉnh; từng đảm nhiệm vai trò Phó Giám đốc Công ty Cà phê Hưng Chính. Hay ông Nguyễn Văn Xích, từng là cán bộ của Tiểu đoàn, sau khi hòa bình lập lại ông được bổ nhiệm giữ chức vụ Hiệu trưởng Trường Quân sự Dak Lak, sau khi nghỉ hưu vẫn tiếp tục tham gia công tác xã hội với vai trò Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Krông Pak…

Tuy nhiên, những chiến sĩ sống trong hòa bình ngày hôm nay vẫn còn đau đáu, trăn trở về những đồng đội đã hy sinh trên chiến trường mà chưa tìm thấy hài cốt. Ông Nguyễn Đức Tính, Phó Trưởng Ban liên lạc Tiểu đoàn bày tỏ: “Có nhiều chiến sĩ của Tiểu đoàn đã hy sinh nhưng chưa tìm thấy hài cốt. Hiện nay, chúng tôi đang kêu gọi các tổ chức có phương án tìm kiếm thi hài những đồng đội hy sinh ở các khu vực quanh TP.Buôn Ma Thuột, quy tập hoặc đưa các anh về quê hương an táng”.

Nguyễn Long


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.