KỶ NIỆM 60 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ (7-5-1954 – 7-5-2014):
Ký ức Điện Biên
Chiến thắng Điện Biên Phủ ngày 7-5-1954 đã trở thành mốc son chói lọi trong lịch sử đấu tranh giữ nước của dân tộc Việt Nam. 60 năm đã trôi qua, nhưng trong trái tim những người lính Điện Biên năm xưa vẫn in đậm ký ức hào hùng của một thời oanh liệt.
Tự hào là người lính Điện Biên
Hằng năm, cứ đến những ngày tháng 5 lịch sử, ông Lê Ngọc Sơn hiện ở thôn 7 (xã Cư Ni, huyện Ea Kar) lại bồi hồi nhớ lại những ký ức hào hùng của những ngày cùng đồng đội tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ.
Sinh năm 1923, đến năm 1947 ông nhập ngũ, sau đó được biên chế vào Trung đoàn Công binh 151, Đại đoàn 351 - Đại đoàn công - pháo đầu tiên của quân đội ta, đơn vị có nhiệm vụ sửa đường cho xe ô tô vận tải hậu cần và xe kéo pháo tập kết vào chiến dịch, chống lầy, lún, sụt lở do mưa lũ gây ra và tháo gỡ bom, mìn của địch... Hơn nửa thế kỷ đi qua, giờ đây đã gần 92 tuổi, nhưng những kỷ niệm một thời khói lửa vẫn vẹn nguyên trong trái tim đầy nhiệt huyết của người lính già. Cuối năm 1953, đơn vị của ông được Bộ Tổng Tư lệnh điều lên Tây Bắc mở đường chuẩn bị cho chiến dịch Điện Biên Phủ. Để bảo đảm giao thông thông suốt, Trung đoàn đã cùng các đơn vị thanh niên xung phong và dân công làm việc không quản ngày đêm, đào xúc, phá hàng nghìn mét khối đất, đá, làm hàng chục cầu, cống, sửa chữa, mở rộng các tuyến đường từ Tạ Khoa đi Cò Nòi, đường đến Sơn La, Tuần Giáo, đường Tuần Giáo đi Điện Biên, Lai Châu. Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, ông Sơn làm nhiệm vụ thăm dò, dẫn đường đưa quân vào trận địa và canh gác nắm chắc vị trí bom rơi, quan sát xem bao nhiêu quả đã nổ, bao nhiêu quả chưa nổ để đánh dấu cho đồng đội phá gỡ. “Để bảo đảm an toàn cho lực lượng bộ binh, ô tô vận tải hậu cần và xe kéo pháo tiến sâu vào chiến dịch thì toàn tuyến đường phải thông suốt. Ý thức được điều này nên dẫu biết nhiệm vụ rà phá bom rất nguy hiểm nhưng các chiến sĩ đều hăng hái, không ai chùn bước”, ông Sơn nhấn mạnh.
Ông Lê Ngọc Sơn (bên trái) chia sẻ niềm tự hào của người lính Điện Biên với hội viên CCB xã Cư Ni. |
Theo lời ông kể, có 4 loại bom mà địch thường thả xuống là: bom phá, bom nổ chậm, bom napal và bom bướm. Trong số này, hai loại nguy hiểm nhất là bom nổ chậm và bom bướm. Bom nổ chậm không hẹn giờ, có quả xuống đất vài chục phút đã nổ, có quả ngày hôm sau, thậm chí cả tuần sau. Còn bom bướm thì cực kỳ nguy hiểm vì là loại bom sát thương. Khi địch thả trên máy bay xuống, bom bướm tung ra hàng trăm quả bom nhỏ, mỗi quả có cánh xòe để tản đi khắp nơi. Khi bom bướm rơi xuống đất thì ngòi nổ đã sẵn sàng, chỉ va nhẹ vào là nổ, có thể gây sát thương cả chục người quanh đó. “Trong những lần làm nhiệm vụ phá bom, có 2 lần chúng tôi bị bom phát nổ, nhiều người hy sinh, trong đó có 4 chiến sĩ không tìm được thân thể vì đã tan vào đất đá. Bao nhiêu vất vả, hy sinh đã được đền đáp khi tôi và đồng đội tận mắt chứng kiến tướng Đờ Cát kéo cờ trắng đầu hàng, quân đội Pháp lần lượt rút khỏi Điện Biên Phủ. Giây phút ấy mọi người đã ôm chặt nhau, hò reo, nước mắt dâng trào với niềm vui chiến thắng, niềm tự hào mình là người lính Điện Biên”, ông Sơn xúc động nghẹn ngào.
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, đơn vị của ông tiếp tục làm nhiệm vụ rà phá, tháo gỡ bom mìn để quân đội ta rút lui an toàn. Năm 1957 ông Sơn phục viên, chuyển ngành về Ty Lâm nghiệp Thanh Hóa, đến năm 1980 nghỉ hưu và năm 1996 chuyển vào Dak Lak sinh sống cho đến nay.
Ông Bùi Quốc Tuấn (bên phải) đang kể lại những kỷ niệm không thể nào quên trong chiến dịch Điện Biên Phủ. |
Quyết giữ vững mạch máu thông tin
Đã 60 năm trôi qua và trải qua nhiều lần thuyên chuyển nơi ở nhưng ông Bùi Quốc Tuấn ở thôn 17 (xã Hòa Đông, huyện Krông Pak) vẫn gìn giữ cẩn thận những tấm Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huy chương Kháng chiến chống Pháp hạng Hai, Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Hai và xem như những báu vật bởi với ông, đó là niềm tự hào, là minh chứng cho một thời gian khổ, oanh liệt.
Sinh năm 1931, tròn 20 tuổi, chàng thanh niên quê gốc Nghệ An Bùi Quốc Tuấn tình nguyện nhập ngũ và được biên chế vào Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 98, Sư đoàn 316. Sau khi tham gia chiến đấu ở chiến trường Thượng Lào năm 1953, Sư đoàn 316 được lệnh hành quân về Thanh Hóa để chỉnh huấn chính trị, chuẩn bị lực lượng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Đơn vị của ông lúc đó được giao nhiệm vụ làm công tác thông tin liên lạc bằng máy hữu tuyến, vô tuyến loại 5W, 15W do Liên Xô trang bị để phục vụ chiến đấu. Ông Tuấn kể: “Ban đầu, ta thực hiện theo phương án “đánh nhanh, thắng nhanh”, nhưng nhận thấy lực lượng địch quá mạnh bao gồm cả bộ binh, pháo binh và không quân, bố trí thành nhiều cứ điểm nên chỉ huy chiến dịch quyết định chuyển sang phương án “đánh chắc, tiến chắc”. Do vậy, thông tin liên lạc giữ vai trò rất quan trọng, quyết định sự thắng thua trong từng trận đánh. Thông tin có được thông suốt, bí mật, kịp thời thì mọi mệnh lệnh, chỉ thị mới được thực hiện, các đơn vị sẽ có sự hiệp đồng thống nhất, tạo nên sức mạnh tổng hợp của toàn quân trong chiến đấu. Xác định rõ điều này, mỗi chiến sĩ thông tin đều quyết tâm vượt mọi gian khổ, sẵn sàng hy sinh để giữ vững mạch máu thông tin. Khi ấy, ngoài 1 khẩu súng trường, 1 cuộn dây, 1 máy điện thoại, mỗi người lính thông tin được trang bị thêm một chiếc xẻng để đào hầm, giao thông hào làm nơi di chuyển qua lại của các lực lượng tham gia chiến dịch và đào tiến sát tới trận địa địch. Với hệ thống giao thông hào ngang dọc, dày đặc, các chiến sĩ thông tin đã vận dụng nhiều biện pháp lắp đặt và bảo vệ đường dây như: đào rãnh chôn dây ở vách hào, đặt dây ở dưới lòng hào và dùng tre trúc phủ lên nhằm phòng chống đạn pháo địch và khi bộ đội ta di chuyển cũng không bị đứt. Cách truyền tin trong chiến dịch cũng rất phong phú. Khi địch bắn phá liên tục, cần pháo binh tiếp sức bắn trả thì thông tin được phát đi là “trời mưa nhiều lắm, yêu cầu đội nón vào”; khi ta có nhiều thương binh cần được cứu thương thì truyền tin “chợ đông người lắm, yêu cầu cho rút bớt người”. Sau đó, đơn vị của ông được lệnh đánh đồi A1. Đây là cứ điểm có hệ thống lô cốt và hầm hào kiên cố, có vai trò trọng yếu bảo vệ tuyến phòng ngự phía Bắc của địch nên được bố trí lực lượng hùng hậu. Đơn vị phải bám sát trận địa và chiến đấu giành giật từng tấc đất với địch, rất nhiều chiến sĩ đã hy sinh. Mặc dù chiến đấu trong điều kiện thiếu thốn mọi bề, bom đạn ác liệt, sự sống và cái chết chỉ cách nhau trong gang tấc, nhưng tình cảm đồng chí, đồng đội vẫn gắn bó.
Sau trận đánh đồi A1, ông Tuấn bị thương phải chuyển ra tuyến sau điều trị. Tuy không được tận mắt chứng kiến cảnh địch kéo cờ trắng đầu hàng nhưng khi nghe báo tin chiến thắng, ông và các thương binh trong trạm quân y đã quên hết đau đớn, nhảy cẫng lên, hát hò vui sướng. “Đó là giây phút tôi không thể nào quên trong suốt cuộc đời binh nghiệp của mình”, ông Tuấn bộc bạch. Năm 1960 ông Tuấn xuất ngũ, chuyển ngành sang công tác ở Bưu điện Sơn La, đến năm 1972 về làm cán bộ ở Bưu điện Nghệ An, 5 năm sau chuyển vào Bình Thuận sinh sống. Năm 1990 ông đưa cả gia đình vào định cư ở Dak Lak. Giờ đây, tuy đã tuổi cao, sức yếu nhưng mỗi khi có dịp ông lại kể cho con, cháu nghe những chiến công hiển hách của cha ông với mong muốn thế hệ trẻ tiếp tục nỗ lực, phấn đấu xây dựng đất nước ngày càng “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như Bác Hồ hằng mong ước.
Nguyễn Xuân
Ý kiến bạn đọc