Kỷ niệm hai lần được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Đại tướng Võ Nguyên Giáp khen ngợi nhân dân địa phương và anh chị em công nhân đội vận tải Sông Gianh, Quảng Bình đã góp phần đắc lực trong việc vận chuyển hàng ra tiền tuyến năm 1968. Ảnh: T.L |
Lần thứ hai, tôi được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp vào dịp đi dự Đại hội Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam (lần thứ 2 năm 1990) tại Hội trường Ba Đình, Hà Nội. Hôm ấy là ngày 15-9-1990, vào khoảng 8 giờ sáng, chúng tôi là những hội viên của Hội Văn nghệ Dân gian đã ngồi đầy đủ trong hội trường, bất ngờ Đại tướng Võ Nguyên Giáp bước vào hội trường. Trong bộ quân phục màu trắng, khuôn mặt hồng hào, nụ cười hiền hậu, Đại tướng giơ tay vẫy chào chúng tôi. Tất cả đại biểu dự đại hội đều đứng dậy vỗ tay đón chào Đại tướng. Tiếng vỗ tay cứ kéo dài mãi, đến khi Đại tướng giơ tay ra hiệu thì mới ngừng hẳn. Giáo sư Trần Quốc Vượng (Trưởng Ban tổ chức Đại hội) mời Đại tướng ngồi vào hàng ghế danh dự.
Giờ giải lao, Đại tướng lần lượt đi bắt tay thăm hỏi các đại biểu dự đại hội. Đến lượt tôi, Đại tướng bắt tay và hỏi: “Cháu quê ở đâu? Tôi lễ phép trả lời: Dạ, thưa bác! Cháu quê ở xã Bảo Ninh, thị xã Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình”. Đại tướng cười hiền từ rồi nói: “Thế là bác cháu ta cùng đồng hương rồi!”. Đại tướng nói tiếp: “Bảo Ninh quê cháu có hai nữ anh hùng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đó là bà mẹ Suốt và bà mẹ Khíu. Đây là niềm vinh dự, tự hào của quê hương Quảng Bình chúng ta và của nhân dân cả nước. Về văn nghệ dân gian, Đồng Hới quê cháu và Lệ Thủy quê bác có làn điệu hò khoan vô cùng khoan thai, độc đáo. Cháu cố gắng sưu tầm, bảo tồn và giới thiệu cho nhân dân cả nước biết đến loại dân ca tình tứ này của quê hương mình, nghe cháu”. Tôi thành kính trả lời: “Dạ! Cháu sẽ cố gắng”. (Chính nhờ sự căn dặn này của Đại tướng mà đến năm 2000, tôi đã hoàn thành cuốn sách “Văn hóa dân gian làng biển Bảo Ninh”, trong đó gần một nửa cuốn sách, tôi đã giới thiệu khá đầy đủ về làn điệu hò khoan của vùng sông nước quê hương Quảng Bình). Sau đó Đại tướng lần lượt đi thăm hỏi các đại biểu, rồi bước đến gặp Giáo sư Trần Quốc Vượng và hỏi: “Hội ta chuyên sưu tầm, nghiên cứu văn nghệ dân gian truyền thống, thế có sưu tầm được văn nghệ dân gian hiện đại không?”. Giáo sư Trần Quốc Vượng nhanh nhẹn trả lời: “Dạ, thưa Đại tướng có ạ!”. Rồi GS Trần Quốc Vượng đọc câu thơ:
“Hoan hô Đại tướng Võ Nguyên
Giáp ta thắng trận Điện Biên trở về”.
Nghe xong, Đại tướng cười vui vẻ, và nói: “Cảm ơn Giáo sư Trần Quốc Vượng”.
Dự Đại hội Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam (lần thứ 2), Đại tướng phát biểu chúc mừng và đánh giá cao những kết quả đạt được của Hội trong nhiệm kỳ qua, đồng thời căn dặn anh chị em Hội Văn nghệ Dân gian phải đoàn kết, giành nhiều thắng lợi hơn nữa trong công tác sưu tầm, nghiên cứu, bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Rồi Đại tướng nhắc lại lời dạy của Bác Hồ: “Văn hóa nghệ thuật là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”. Đại hội đã bầu Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm chủ tịch danh dự của Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam (nhiệm kỳ 1990-1995). Kết thúc Đại hội, chúng tôi được chụp ảnh chung với Đại tướng. Lúc ấy, ai cũng muốn đứng gần Đại tướng để có được bức ảnh kỷ niệm độc đáo này.
Đó là những kỷ niệm sâu sắc của đời tôi vinh dự hai lần được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Vị Đại tướng của lòng dân. Vị Đại tướng của đội ngũ văn nghệ sĩ.
Trương Bi
Ý kiến bạn đọc