Multimedia Đọc Báo in

Chiến thắng Buôn Ma Thuột qua hồi ức của thế hệ cha anh

10:04, 12/02/2015

Đã gần 40 năm trôi qua, nhưng ký ức về thời khắc lịch sử hào hùng của Chiến thắng Buôn Ma Thuột, giải phóng tỉnh Dak Lak trong những người cán bộ, chiến sĩ năm xưa vẫn còn vẹn nguyên như mới ngày hôm qua. Để rồi mỗi khi có dịp hồi tưởng lại, họ vẫn luôn xúc động và rất đỗi tự hào…

Bí mật đến phút cuối cùng

Đến thăm Thiếu tá Trần Duy Nai (SN 1934) tại căn nhà nhỏ ở tổ dân phố 3, phường Thành Nhất (TP. Buôn Ma Thuột) vào một ngày cuối năm, chúng tôi được nghe ông kể lại những ngày tháng hào hùng của chiến dịch giải phóng Buôn Ma Thuột 40 năm về trước. Có thể nói, trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đây là trận đánh lớn nhất ở khu vực Tây Nguyên, mở màn cho chiến dịch Nam Tây Nguyên, giải phóng Buôn Ma Thuột, giải phóng tỉnh Dak Lak. Vì thế, mọi công tác chuẩn bị cho trận đánh này đều hết sức bí mật. Ngay cả đối với bản thân ông Nai là Chỉ huy trưởng Cơ quan Quân sự thị xã Buôn Ma Thuột lúc bấy giờ cũng không hay biết gì. Chỉ đến ngày 8-3-1975, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Huỳnh Văn Cần trực tiếp có điện hỏa tốc yêu cầu ông triển khai lực lượng vũ trang địa phương thực hiện một số kế hoạch trong công tác phát động quần chúng nhân dân ở khu vực nội thị (lúc đó chế độ ngụy quyền kiểm soát), đồng thời lập kế hoạch làm công tác dẫn đường, tham mưu khi lực lượng bộ đội chủ lực tấn công vào Buôn Ma Thuột thì mới biết đây là một chiến dịch lớn, còn mức độ và quy mô như thế nào thì cũng không rõ. Khi lực lượng quân giải phóng tấn công vào Buôn Ma Thuột thì mọi kế hoạch đã được lập chặt chẽ từ trước, các khu căn cứ, khu vực canh gác cũng như mọi động thái của địch đều được quân ta nắm bắt và triển khai các phương án tấn công.

Ông Trần Duy Nai.
Ông Trần Duy Nai.

Đến ngày 10-3-1975, tất cả các ngả đường dẫn vào Buôn Ma Thuột đều được bộ đội giải phóng án ngữ. Những khu rừng bạt ngàn ngay sát thị xã bỗng chốc biến thành đường hành quân của bộ đội ta với đông đảo lực lượng bộ binh, đặc công và đoàn xe tăng - thiết giáp, pháo cỡ lớn từ 105-155 mm tấn công vào nội thị Buôn Ma Thuột, khiến lực lượng ngụy quân ngụy quyền bất ngờ không kịp trở tay. Với vai trò là “người dẫn đường”, Thị đội Buôn Ma Thuột đã làm tròn trách nhiệm phối hợp với các cánh quân của bộ đội chủ lực tấn công, xóa sổ nhiều căn cứ, cứ điểm và cơ quan đầu não của địch. Trong ba ngày, từ ngày 10 đến 12-3, quân giải phóng đã chiếm được cao điểm Chi Dê, làm chủ kho đạn Mai Hắc Đế, đánh vào sở chỉ huy Sư đoàn 23 của ngụy quân Sài Gòn, bắt sống Đại tá Luật (Tỉnh trưởng tỉnh Dak Lak), Đại tá Quang (Sư trưởng Sư đoàn 23) và giải phóng Buôn Ma Thuột. Khi chiếm đánh Buôn Ma Thuột, tất cả ngụy quân đều hoảng loạn, phần lớn đã tháo chạy vào rừng và lẩn trốn trong các thôn, buôn của người dân. Sau khi làm chủ được Buôn Ma Thuột, với chính sách khoan hồng của Đảng, chính quyền cách mạng lâm thời đã kêu gọi tất cả quân ngụy giao nộp vũ khí đầu hàng, đăng ký trình diện. Đây được xem là thượng sách khiến cho lính ngụy tâm phục khẩu phục; đồng thời, tạo lòng tin cho nhân dân đối với chính sách, đường lối lãnh đạo sáng suốt của Đảng. Kể từ ngày ấy, Buôn Ma Thuột nói riêng và tỉnh Dak Lak nói chung đã bước sang một trang sử mới: thời kỳ bảo vệ, xây dựng và phát triển quê hương, đất nước trong độc lập, tự do.

Buôn làng một lòng theo Đảng

Trong câu chuyện của ông Y Ngoan Niê (SN 1945), trưởng buôn Kô Siêr (phường Tân Hòa, TP. Buôn Ma Thuột) thì Buôn Ma Thuột những ngày trước giải phóng là giai đoạn của muôn vàn khó khăn nhưng cũng thật kiên cường. Ông nhớ lại: Những năm tháng sống trong sự quản thúc của chế độ ngụy quân ngụy quyền, cuộc sống của người dân ở khu vực nội thị Buôn Ma Thuột rất gian khổ, luôn nơm nớp lo sợ vì bị kẻ thù đàn áp, cướp bóc tàn bạo. Phần lớn các khu vực đông dân cư sinh sống đều là ấp chiến lược của quân lực Việt Nam cộng hòa. Người dân chỉ biết dựa vào núi rừng để sống nên tình trạng đói cơm, lạt muối xảy ra hằng ngày. Mặc dù sống trong lòng địch nhưng người dân Buôn Ma Thuột qua hồi ức của thế hệ cha anh nơi đây vẫn một lòng hướng về cách mạng, hy vọng sẽ có ngày giải phóng Buôn Ma Thuột, giải phóng đất nước khỏi ách đô hộ của địch để được sống trong hòa bình, tự do và hạnh phúc. Ấy rồi, ngày 10-3-1975, khi tiếng súng của quân giải phóng vang lên báo hiệu thời khắc lịch sử mới đang đến gần, đã tạo động lực và nguồn sức mạnh kiên cường để đông đảo người dân nổi dậy, phối hợp với chính quyền và các lực lượng địa phương phát giác nhiều khu căn cứ bí mật của địch để từng bước tiêu diệt.

Ông Y NGoan Niê.
Ông Y NGoan Niê.

Ông Y Ngoan xúc động kể: “Khi nổ ra chiến dịch giải phóng Buôn Ma Thuột, tôi được điều chuyển công tác từ Công an huyện Lak về làm Đội trưởng Đội Bảo vệ chính trị phụ trách mảng an ninh địa phương thuộc Công an tỉnh. Tôi được giao nhiệm vụ phối hợp hoạt động với tổ an ninh các xã, phường, thôn, buôn trong khu vực nội thị để cùng vận động, giúp đỡ người dân ổn định đời sống. Ngày đó, ý thức, trách nhiệm của người dân trong phong trào tham gia giữ gìn an ninh trật tự khu dân cư luôn được đánh giá cao. Trong những ngày diễn ra chiến dịch giải phóng Buôn Ma Thuột, quần chúng nhân dân là cánh tay đắc lực giúp lực lượng bộ đội chủ lực và chính quyền địa phương tố giác, vận động các đối tượng ngụy quân, ngụy quyền lẩn trốn trong dân ra trình diện để được hưởng sự khoan hồng của cách mạng. Sau ngày giải phóng họ lại cùng nhau tố giác những phần tử Fulro, vận động một số người dân nhẹ dạ cả tin nghe theo những thành phần xấu chống phá Nhà nước quay về sống hòa nhập với cộng đồng. Chỉ trong khoảng thời gian ngắn, từ ngày 10 đến 20-3-1975, nhân dân các xã, phường trong khu vực nội thị Buôn Ma Thuột đã tố giác hàng chục phần tử Fulro, trong đó có một tên đầu sỏ khét tiếng là Y Huế Knul ra đầu thú”.

Sau khi bộ đội chủ lực rút, thị xã Buôn Ma Thuột đã tập trung xây dựng chính quyền, nhanh chóng thành lập lực lượng dân quân tự vệ tham gia giữ gìn an ninh trật tự địa bàn. Thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của dân, chính quyền cách mạng lâm thời đã tập trung hướng dẫn, giúp nhân dân ổn định cuộc sống, vận động bà con phát triển sản xuất. Nhờ đó, người dân ai nấy càng vững niềm tin một lòng theo Đảng, vượt qua khó khăn, cùng nhau chung sức, chung lòng xây dựng buôn làng giàu đẹp.

Lê Thành


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.