NHỮNG NĂM MÙI TRONG CUỘC ĐỜI BÁC HỒ
Trong cuộc đời 79 mùa xuân của Bác Hồ, có 7 năm Mùi: Ất Mùi (1895), Đinh Mùi (1907), Kỷ Mùi (1919), Tân Mùi (1931), Quý Mùi (1943), Ất Mùi (1955) và Đinh Mùi (1967); trong đó có 5 năm đã để lại dấu ấn khó quên của Bác đối với lịch sử dân tộc.
Năm Kỷ Mùi (1919)
Ngày 18-6, thay mặt những người Việt Nam yêu nước tại Pháp và nhân dân ta, Nguyễn Ái Quốc đã gửi bản Yêu sách của nhân dân An Nam tới Hội nghị Versailles của các nước đế quốc mới đánh bại Đức trong chiến tranh thế giới thứ nhất (1914 - 1918) đòi Chính phủ Pháp phải thừa nhận và thực hiện các quyền tự do, dân chủ và quyền bình đẳng của dân tộc Việt Nam. Bản yêu sách đó còn được gửi các nghị sĩ Pháp và in thành 6.000 tờ truyền đơn, gửi đăng trên các báo, gửi các nhà hoạt động chính trị có tên tuổi, các Việt kiều ở Pháp, phân phát trong các buổi họp, mít-tinh và gửi về nước. Bản yêu sách đã làm chấn động dư luận Pháp, có tiếng vang trong nhân dân các thuộc địa Pháp và nhân dân ta. Bản yêu sách có tác dụng thức tỉnh, cổ vũ nhân dân ta đoàn kết vùng lên đấu tranh cách mạng. Yêu cầu chính đáng trên không được giải quyết làm cho Người thêm nhận rõ: “Chỉ có giải phóng giai cấp vô sản thì mới giải phóng được dân tộc, cả hai cuộc giải phóng này chỉ có thể là sự nghiệp của chủ nghĩa cộng sản và cách mạng thế giới”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Nhà máy Diêm Thống Nhất trong những ngày đầu khôi phục kinh tế 1956. Ảnh: T.L |
Cũng trong năm này, Người đã trực tiếp tranh luận với nhà chí sĩ Phan Chu Trinh và luật gia Phan Văn Trường về con đường đấu tranh giành độc lập cho Tổ quốc và viết nhiều bài chính luận sắc bén gửi đăng trên báo chí, vạch trần tội ác của thực dân Pháp đối với thuộc địa. Cuối năm ấy, Người tham gia tích cực vào Ủy ban Quốc tế của Đảng Xã hội Pháp, vận động Đảng gia nhập Quốc tế Cộng sản III và bảo vệ Cách mạng Tháng Mười Nga.
Năm Kỷ Mùi 1919 là mốc quan trọng đầu tiên phản ánh sự chuyển biến trong tư tưởng và hành động của Người từ chủ nghĩa yêu nước đến chủ nghĩa xã hội khoa học.
Năm Tân Mùi (1931)
Nguyễn Ái Quốc hoạt động cách mạng ở Hồng Kông. Lo sợ trước vai trò, uy tín và hoạt động cách mạng tích cực của Người, thực dân Pháp cấu kết với mật vụ Anh tổ chức bắt giam Người.
Là Chủ tịch Hội Luật gia Hồng Kông, luật sư người Anh Phran-xit Lô-dơ-bi đòi vào nhà ngục gặp Nguyễn Ái Quốc để lấy tài liệu ra tòa bảo vệ Nguyễn Ái Quốc. Thống đốc Hồng Kông đành phải để luật sư Lô-dơ-bi vào gặp người bị bắt giam. Luật sư Lô-dơ-bi kể lại: “Sau ba mươi phút gặp gỡ, ông ấy đã hoàn toàn chinh phục tôi. Ở ông toát lên một sức cảm hóa rất đặc biệt”. Để đánh lạc hướng mật thám Pháp, chính gia đình luật sư Lô-dơ-bi tung tin Nguyễn Ái Quốc đã chết trong ngục tù Hồng Kông. Liên đoàn Chống chủ nghĩa đế quốc ra tuyên bố phản đối Chính phủ Anh và đòi trả tự do cho Nguyễn Ái Quốc và nhờ sự giúp đỡ nhiệt tình của luật sư Lô-dơ-bi, Người được trả lại tự do vào tháng 8 năm sau. Nguyễn Ái Quốc thoát khỏi nhà tù Hồng Kông, đàng hoàng từ một con tàu biển Liên Xô đặt chân lên cảng Vla-đi-vát-stốc để đáp xe lửa về Mát-xcơ-va và gặp bạn bè, đồng chí cũ.
Năm Quý Mùi (1943)
Tháng 8-1942, với tên gọi mới Hồ Chí Minh, Người sang Trung Quốc để liên lạc với các lực lượng cách mạng của người Việt Nam bên đó và lực lượng của đồng minh. Vừa qua biên giới, Người bị chính quyền của Tưởng Giới Thạch vô cớ bắt giam hơn một năm (8-1942 đến 9-1943), giải tới giải lui gần 30 nhà lao của 13 huyện thuộc tỉnh Quảng Tây. Trong hoàn cảnh đó, Người viết tập thơ chữ Hán “Ngục trung nhật ký” (Nhật ký trong tù) - một tác phẩm văn học vô giá khẳng định tinh thần lạc quan cách mạng và ý chí tiến công của một nhà yêu nước, một chiến sĩ cộng sản vĩ đại.
Ngày 13-9-1943, Trương Phát Khuê, Tư lệnh quân khu Quảng Tây, dưới sức ép của những kiến nghị dồn dập của các giới Việt kiều ở Quảng Tây và các tổ chức Cứu quốc ở Việt Nam đòi thả Hồ Chí Minh, đã quyết định trả tự do cho Người.
Năm Ất Mùi (1955)
Ngày 1-1, trong bài diễn văn đọc khi dự đại lễ đón mừng năm mới, chào mừng Trung ương Đảng và Chính phủ trở về Thủ đô, Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá thắng lợi đã qua và khởi xướng nhiều chương trình của đất nước. Ngày 22-6, Người dẫn đầu Đoàn đại biểu Chính phủ ta đi thăm Liên Xô, Trung Quốc, Mông Cổ, mở đầu các mối giao lưu quốc tế hữu nghị của Việt Nam.
Năm Đinh Mùi (1967)
Bước sang năm 1967, đế quốc Mỹ tiếp tục đưa quân Mỹ và các nước chư hầu cùng các phương tiện chiến tranh vào miền Nam nhằm đẩy mạnh “Chiến tranh cục bộ” và leo thang chiến tranh phá hoại bằng không quân ở miền Bắc. Trong thư gửi Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 8-2-1967, Tổng thống Mỹ L.B. Giôn-xơn đề nghị Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Mỹ trực tiếp nói chuyện, đồng thời đưa ra những điều kiện vô lý buộc ta phải chấp nhận, nếu muốn Mỹ chấm dứt ném bom bắn phá miền Bắc và chấm dứt đưa quân viễn chinh vào miền Nam. Sáu ngày sau, L.B. Giôn-xơn ra lệnh ném bom trở lại miền Bắc.
Khẳng định rõ lập trường của nhân dân Việt Nam, trong thư trả lời Tổng thống Mỹ, Bác viết: “Nhân dân Việt Nam chúng tôi rất tha thiết với độc lập, tự do và hòa bình. Nhưng trước sự xâm lược của Mỹ, nhân dân Việt Nam đoàn kết một lòng, không sợ hy sinh, gian khổ, đã đứng lên kháng chiến và quyết kháng chiến đến khi giành được độc lập, tự do thật sự và hòa bình chân chính… Chính phủ Mỹ đã gây ra chiến tranh xâm lược Việt Nam thì con đường đưa đến hòa bình ở Việt Nam là Mỹ phải chấm dứt xâm lược…” (1). Người nhấn mạnh như một tuyên ngôn: “Nhân dân Việt Nam quyết không khuất phục trước vũ lực và quyết không nói chuyện trước sự đe dọa của bom đạn” (2). Lời Bác đã thực sự củng cố niềm tin của cả dân tộc và bạn bè tiến bộ trên thế giới vào thắng lợi cuối cùng của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước ở một thời điểm vô cùng ác liệt, với kẻ thù hung hãn nhất thời đại.
Ngày 28-12, Người họp Bộ Chính trị, xác định chủ trương Tổng tấn công và nổi dậy ở miền Nam vào Tết Mậu Thân 1968.
Nguyễn Xuyến
………………..
(1), (2) Hồ Chí Minh Toàn tập - NXB CTQG - H - 1996 - T 12 - tr 231 - 232.
Ý kiến bạn đọc