Multimedia Đọc Báo in

Kỳ bí Thành Nhà Hồ

21:52, 19/02/2015

Thanh Hóa - vùng đất “địa linh, nhân kiệt”, nơi phát tích của nhiều triều đại phong kiến Việt Nam, gắn với lịch sử nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc. Và một trong những di tích gợi nhắc đến thời kỳ phong kiến đầy biến động nơi đây chính là Thành Nhà Hồ, một công trình kiến trúc “độc nhất vô nhị” được xây dựng cách đây hơn 600 năm với nhiều truyền thuyết bí ẩn mà đến ngày nay giới nghiên cứu vẫn chưa tìm ra lời giải đáp… 

Công trình kiến trúc có một không hai…

Theo tài liệu tại Trung tâm Bảo tồn di sản Thành Nhà Hồ thì Thành được xây dựng năm 1397 (cuối thế kỷ 14) theo lệnh của Phụ chính Thái sư nhiếp chính nhà Trần là Hồ Quý Ly. Thành còn có các tên gọi khác như: Thành An Tôn, Thành Tây Đô, Thành Tây Kinh, Thạch Thành, Thành Tây Giai... Thành nằm trên địa giới hành chính 2 xã Vĩnh Long và Vĩnh Tiến (huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa), tọa lạc giữa sông Mã và sông Bưởi như hai con rồng khổng lồ quấn quanh vùng đất rộng gần 10 ha, tạo thành một ốc đảo tự nhiên hiểm trở. Thành Nhà Hồ là kinh đô của 2 triều đại Trần và Hồ. Từ năm 1398 đến năm 1400 nơi đây là kinh đô của nước Đại Việt thuộc vương triều nhà Trần. Từ 1400 đến 1407, Thành Nhà Hồ là kinh đô nước Đại Ngu, vương triều nhà Hồ. 

Những viên bi đá được dùng làm bánh lăn để vận chuyển các tảng đá từ núi đá An Tôn về xây Thành Nhà Hồ  Ảnh: Thuận Nguyễn
Những viên bi đá được dùng làm bánh lăn để vận chuyển các tảng đá từ núi đá An Tôn về xây Thành Nhà Hồ.  Ảnh: Thuận Nguyễn

Thành Nhà Hồ được đánh giá là một công trình kiến trúc thành đá kỳ vĩ độc nhất vô nhị không chỉ ở Việt Nam mà còn cả ở khu vực Đông Nam Á. Ngày 27-6-2011, tại thủ đô Paris (Pháp), Tổ chức Văn hóa - Khoa học và Giáo dục Liên hiệp quốc (UNESCO) đã công nhận Thành Nhà Hồ là di sản thế giới. Di sản Thành Nhà Hồ bao gồm có 3 bộ phận: Hoàng Thành (thành nội), là nơi diễn ra tất cả các thiết chế văn hóa - xã hội, chính trị của một vương triều; đồng thời là nơi sinh sống của hoàng tộc và những quan lại trong triều. Bộ phận thứ hai là La Thành, cách Hoàng Thành theo các hướng từ 2 đến 3 km, là vòng thành phía ngoài, được xây dựng bằng việc đắp đất kết hợp với trồng tre gai. Bộ phận thứ 3 của di sản Thành Nhà Hồ là Đàn tế Nam Giao, cách cổng Nam của Hoàng Thành khoảng 3 km về phía Đông Nam, là nơi tế trời, cầu mong mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an, vương triều trường tồn. 

Có tài liệu ghi rằng Thành được xây dựng trong 3 tháng, song cũng có thư tịch ghi rằng 3 năm, có sử lại nói rằng 6 năm… Song các nhà nghiên cứu đều thống nhất cho rằng những mốc thời gian trên chỉ là thời gian vô định. Bởi để có thể xây dựng nên công trình đồ sộ này, trong bối cảnh triều đại nhà Hồ đang đứng trước họa xâm lăng của giặc Minh; trong điều kiện đất nước lúc ấy chỉ khoảng 4 triệu người, việc huy động nhân lực bị hạn chế… đã là một công trình kỳ vĩ. Trong đó, phần quan trọng và đặc biệt có giá trị về mặt kiến trúc cũng như thẩm mỹ phải nói đến khu vực Hoàng Thành. Hoàng Thành có hình chữ nhật. Toàn bộ tường thành và bốn cổng chính đều được xây dựng bằng những phiến đá xanh có chiều dài trung bình 1,5 m, nặng từ 10 - 20 tấn, được đục đẽo tinh xảo, vuông vức, xếp chồng khít lên nhau. Bốn cổng thành được xây dựng theo kiến trúc hình vòm. Cổng tiền (phía Nam) là cổng chính, có ba cửa. Theo số liệu đo đạc của các chuyên gia Nhật Bản, chiều cao từ chân đến nóc cửa này là 7,89 m, vòm cuốn chính giữa cao 5,75 m, rộng 5,82 m, dài 15,04 m. Hai vòm cuốn hai bên đều cao 5,35 m, rộng 5,45 m. Cửa hậu nhằm hướng Tây Bắc chiều cao từ chân đến nóc cửa này là 7,35 m, chiều cao vòm cuốn là 5,40 m, chiều rộng vòm cuốn là 5,80 m. Hai cửa phía Đông Bắc và Tây Nam chiều cao vòm cuốn đều là 5,40 m, chiều rộng vòm cuốn đều là 5,80 mét.

Bí ẩn chuyện xây thành… 

Du khách có dịp đến tham quan Thành Nhà Hồ sẽ không khỏi ngỡ ngàng, thán phục trước một công trình kỳ vĩ, độc đáo, tinh tế, đầy bí ẩn được dựng nên bằng chính bàn tay, trí tuệ con người cách đây đã hơn 600 năm. Trước công trình kiến trúc độc đáo này, các nhà nghiên cứu đã trăn trở đi tìm lời giải cho câu hỏi: Bằng phương pháp nào mà người xưa có thể nâng những tảng đá khổng lồ hàng chục tấn lên độ cao 7-8 m để xây thành? Lý giải của một số nhà nghiên cứu được cho là thuyết phục nhất đến thời điểm này chính là: Để lắp ghép được các vòm cuốn ở cổng Hoàng Thành, người xưa đã thiết kế và chế tác ra những phiến đá hình múi cam, hình thang cân, hình tứ giác và phải dùng phương pháp “mực hệt”. Có nghĩa là dùng giấy hoặc cót cắt thành mẫu các loại phiến đá rồi lắp ghép với nhau cho khớp, sau đó mới chế tác các phiến đá y hệt các hình mẫu. Khi lắp các cổng thành người xưa phải đắp đất, cát, sỏi làm cốt. Khi lắp ghép xong các tảng đá khổng lồ này mới moi đất, cát, sỏi ra.

Đá là vật liệu chính để xây dựng nên Thành Nhà Hồ. Vậy người xưa lấy đá từ đâu ra để xây dựng nên công trình này? Đây cũng là một trong những câu hỏi thú vị đối với các nhà nghiên cứu. Từ trước đến nay đã có rất nhiều ý kiến và giả thuyết khác nhau về điều này. Tuy nhiên, đến tháng 7-2011, Trung tâm Bảo tồn di sản Thành Nhà Hồ đã phát hiện ra công trường đá cổ núi An Tôn, cách di sản Thành Nhà Hồ 3 km về phía Tây Bắc. Mặc dù đến nay, chưa có căn cứ khoa học hoặc thực nghiệm nào để khẳng định nhà Hồ đã sử dụng con đường giao thông nào để vận chuyển đá. Tuy nhiên, căn cứ các truyền thuyết ở địa phương như cống đá, bi đá hay con lăn, các nhà khoa học đã tạm đưa ra giả thuyết về cách vận chuyển đá như sau: Đá được vận chuyển từ núi An Tôn  xuống sông Mã, sau đó tập hợp lại trên các bè rồi đổ xuôi xuống bến đá ở thôn Thọ Đồn. Từ bến đá, có một con đường cống đá (hiện vẫn còn dấu tích ở cổng thành phía Tây), là con đường dùng để vận chuyển đá xây thành. Khi vận chuyển đá, người xưa phải xếp trên mặt đường dày đặc các con lăn bằng gỗ cứng và đá cứng. Xen kẽ các con lăn là các viên bi đá. Để các viên bi đá không trượt khỏi con lăn hai bên, người xưa đã phải bố trí một lực lượng người thật khỏe và các đòn xeo đi hai bên để kịp thời chèo lái các phiến đá trượt đúng lòng đường. Tương truyền rằng, chỉ sau một ngày lao động vận chuyển đá về xây thành, người ta có thể nhặt được hàng thúng ngón chân ngón tay của người lao động bị đá chèn đứt trên con đường này…

Và “mối hận” thành Nhà Hồ

Triều đại nhà Hồ chỉ tồn tại trong vòng 7 năm (1400-1407) nhưng đã để lại rất nhiều dấu ấn tiêu biểu trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, giáo dục, xã hội... Ví dụ như Hồ Quý Ly đã cho phát hành tiền giấy lần đầu tiên trong lịch sử phong kiến Việt Nam; ban hành hạn nô, hạn điền… Con trai trưởng của Hồ Quý Ly là Hồ Nguyên Trừng được xem là ông tổ của nghề đúc súng thần công ở Việt Nam. Tiếc thay, những cải cách, đổi mới của nhà Hồ thực hiện quá dồn dập, trong thời gian quá ngắn đã gây mất lòng dân, trong khi giặc Minh lại đang tiến hành xâm lược… Nguyễn Trãi khi nhắc đến mối “hận” của nhà Hồ, trong bài thơ Quan hải, có câu: “Họa phúc hữu môi phi nhất nhật/ Anh hùng di hận kỷ thiên niên”, tạm dịch: Chuyện họa phúc đều có duyên do, đâu phải chỉ đến trong một ngày/ người anh hùng để lại mối hận ngàn năm…

Nhắc lại “mối hận” Thành Nhà Hồ, người dân địa phương hiện nay vẫn còn lưu truyền câu chuyện về cái chết oan khiên của vợ chồng Cống Sinh Trần Sông Sỹ và nàng Bình Khương trong quá trình xây đắp Thành Nhà Hồ. Truyền thuyết kể lại rằng, năm 1397, để nhanh chóng dời đô từ Thăng Long vào Thanh Hóa, Hồ Quý Ly đã gấp rút chuẩn bị cho việc xây thành. Vì thế, việc đào hào, đắp đất và vận chuyển đá diễn ra vô cùng khẩn trương. Cống Sinh Trần Công Sỹ được Hồ Quý Ly giao nhiệm vụ đốc thúc xây dựng tường thành ở phía Đông. Thi hành lệnh này, Cống Sinh ngày đêm chăm chỉ đốc thúc việc đào hào, xây thành. Tuy nhiên, do bức tường thành phía đông được xây dựng trên nền một con sông cổ, mặc dù đã nhiều lần gia cố nhưng tường thành cứ xây xong là bị lún. Hồ Quý Ly cho rằng Cống Sinh cố tình tạo phản, trì hoãn việc xây thành nên đã sai vùi thân Cống Sinh tại chân tường thành này. 

Cống Sinh có người vợ trẻ tên là Bình Khương, được tin dữ của chồng, nàng đã lặn lội đến tận nơi để tìm hiểu sự việc. Và, trước cảnh chồng bị oan khuất, Bình Khương đau khổ suy sụp sau nhiều lần kêu oan cho chồng nhưng không thấu. Vì thế, để giữ khí tiết chung thủy vợ chồng, nàng đã đập đầu vào tảng đá xanh nơi tường thành phía đông tự vẫn. Lạ thay, tảng đá này lõm xuống in rõ dấu đầu và hai bàn tay của nàng Bình Khương. Cảm phục tiết hạnh của Bình Khương, người dân đã lập một miếu thờ cho nàng ở tại đây. Người dân địa phương cho biết, đền thờ này rất thiêng. Du khách đến thăm Thành Nhà Hồ đều không quên ghé thắp hương đền thờ nàng Bình Khương để cầu mong sức khỏe, bình an và may mắn cho gia đình. Hiện tại trong ngôi đền vẫn còn lưu giữ phiến đá nàng Bình Khương đập đầu tự vẫn...

Hoàng Triều


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tự hào trang sử anh hùng
Cách đây 49 năm, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 của quân và dân ta, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, mở ra kỷ nguyên độc lập dân tộc, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.