KỶ NIỆM 100 NĂM NGÀY SINH TỔNG BÍ THƯ NGUYỄN VĂN LINH (1-7-1915 - 1-7-2015)
Nghĩ về yêu cầu đổi mới báo chí từ những bài báo "Những việc cần làm ngay" của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh
Năm 1987, năm đầu của thời kỳ đổi mới, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VI Nguyễn Văn Linh với bút danh N.V.L đã viết những bài báo “Những việc cần làm ngay” đăng trên báo “Nhân Dân”, tạo ra luồng sinh khí mới cho xã hội quyết tâm chống tham nhũng, tiêu cực, bảo vệ lợi ích và quyền làm chủ của nhân dân.
Những bài báo của N.V.L đã không rơi vào “sự im lặng đáng sợ” mà được công luận hoan nghênh, nhân dân chào đón, các cơ quan công quyền của Nhà nước căn cứ vào sự thật mà bài báo đã nêu có cách xử lý thích đáng theo quy định pháp luật.
Ngày 26-5-1987, N.V.L viết bài phê bình vụ làm hỏng 360 tấn tỏi khô xuất khẩu ở kho lạnh Bến Bính (Hải Phòng). Chỉ ba ngày sau, ngày 29-5, Ban thanh tra Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm đã trả lời trên báo và 10 ngày sau, Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm đã cách chức giám đốc, phó giám đốc và một số cán bộ Nhà máy lạnh Bến Bính. Hải phòng cũng đã khởi tố vụ này. Những vụ việc khác N.V.L nêu lên cũng đều được xử lý và giải quyết.
Đồng chí Nguyễn Văn Linh thăm Xí nghiệp Liên hợp máy công cụ ở TP. Hồ Chí Minh năm 1984. Ảnh: T.L |
“Những việc cần làm ngay” có sức lan tỏa và hiệu quả to lớn trong việc “Lập lại trật tự, công bằng xã hội, xóa bớt những vật cản nặng nề trên con đường phát triển kinh tế của đất nước” như lời tác giả trong một bài báo được các báo Đảng địa phương nhiệt liệt hưởng ứng. Ngày 12-6, Báo Nghệ Tĩnh đăng trên trang nhất, trong mục “Hưởng ứng những việc cần làm ngay” bài “Làm hỏng 360 tấn tỏi xuất khẩu bị tuy tố, vậy làm hỏng 1.226 tấn lạc xuất khẩu có bị truy tố không?”. Cũng chỉ ít ngày sau, UBND tỉnh Nghệ Tĩnh đã quyết định đưa vụ này ra xử công khai trước tòa án.
Vì sao những bài của N.V.L trong mục “Những việc cần làm ngay” có sức cuốn hút mạnh mẽ và hiệu quả to lớn như thế?
Trước hết, đấy không phải là những bài lý luận cao siêu, văn chương hoa mỹ. Đấy là những bài báo ngắn gọn, phê bình có địa chỉ cụ thể, viết về những việc cụ thể, đòi hỏi có trả lời cụ thể của những ngành, những đơn vị bị phê bình. Những vụ tác giả nêu lên đều là những vấn đề nóng hổi có liên quan thiết thân đến đời sống, nhân dân mà mọi người mong chờ giải quyết. Sức lôi cuốn quần chúng mạnh mẽ chính là điểm này. Tác giả yêu cầu các ngành, các đơn vị sau khi xử lý xong các vụ việc nêu ra phải đăng công khai trên báo, phải phát trên đài để mọi người cùng biết.
Ngày 29-5, bạn đọc Báo “Hà Nội mới” hoan nghênh việc Ban Bí thư và Hội đồng Chính phủ ra chỉ thị về việc xử lý những người lợi dụng hộ chiếu ngoại giao mang hàng trái phép. Ngay hôm sau, ngày 30-5, tác giả viết: “Tôi rất tán thành ý kiến bạn đọc Báo “Hà Nội mới” ngày 29-5-1987. Đề nghị các cơ quan chủ quản số cán bộ vi phạm pháp luật giải quyết sớm và công bố cho mọi người cùng biết”.
Cùng với việc tạo ra một luồng dư luận quần chúng đúng đắn, mạnh mẽ, tác giả đòi hỏi các cơ quan pháp chế phải xử lý nghiêm minh, công bằng những vụ vi phạm pháp luật. Đó cũng chính là tinh thần Nghị quyết Đại hội VI: “Phải dùng sức mạnh của pháp chế xã hội chủ nghĩa kết hợp với sức mạnh của dư luận quần chúng để đấu tranh chống những hành vi phạm pháp”.
Đối với báo chí cách mạng và những người làm báo, tác giả N.V.L cũng có bài “Những việc cần làm ngay”. Trên Báo “Nhân Dân” số ra ngày 24-6-1987, N.V.L yêu cầu các cơ quan quản lý báo chí, các Tổng Biên tập, các nhà báo “nên suy nghĩ để sửa ngay, nếu thấy cần”. Sau đây là “Những việc cần làm ngay” mà tác giả yêu cầu:
“ - Nhiều tờ báo, kể cả các tờ báo cấp Trung ương có lẽ chưa xác định rõ là viết chủ yếu cho quần chúng và cho đảng viên, cán bộ bình thường đọc, nên viết vừa khô khan, vừa khó hiểu, viết những bài xã luận dài quá, nội dung không sinh động, không đi vào lòng người, do đó không tạo ra được những phong trào của quảng đại nhân dân và cán bộ, đảng viên đọc báo, viết báo và làm theo báo. Báo Đảng là vai trò trung gian nối Đảng với dân, vì vậy báo phải viết sao để thể hiện câu
“Ý Đảng, lòng dân”, “Dân tin Đảng, Đảng tin dân”, “Dân làm theo Đảng, Đảng sát với dân”.
-Tờ báo, theo tôi, không phải chỉ là “Diễn đàn của Đảng và Chính phủ và của một số cán bộ viết báo” mà còn phải là “Diễn đàn của mọi tầng lớp nhân dân”. Phải làm sao có những mục để cho chính ngay dân hoặc người đảng viên, cán bộ gần dân, hiểu dân viết ra những ý, những bài thể hiện được ý của dân, để hoặc là đề đạt nguyện vọng của dân với Đảng, với Nhà nước, hoặc là lên án những việc làm sai trái của cán bộ, đảng viên nhân viên nhà nước hay của ngay một số nhân dân với mục đích khuyên răn nhau làm điều phải.
- Trên tờ báo, bên cạnh những bài viết để phổ biến những chủ trương, chính sách, pháp luật một cách sinh động, dễ hiểu, dễ đồng tình phải có nhiều tin tức nói về các hoạt động tốt, thậm chí chưa tốt khi thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước. Những bài này nên để cho dân viết, không viết được thì họ nói nhà báo viết thuật lại hộ họ. Nhất là phải rút ra được những bài học ngắn gọn nhưng bổ ích. Nên mở rộng mục “Người thật, việc thật”, “Người tốt, việc tốt”, “Việc không nên làm”.
-Văn phong nên sinh động, tránh khô khan, viết hấp dẫn không phải do lời văn chải chuốt mà còn do nội dung thu hút người ta vì nó đáp ứng ngay những việc người ta đang cần biết, cần làm, hoặc người ta đang băn khoăn, thắc mắc cần có giải đáp (…)
- Muốn làm được một số việc trên, nhà báo, theo tôi nghĩ, ngoài trình độ văn chương thì điều lớn nhất là phải có “tấm lòng” (…)
Nhà báo phải có tấm lòng trung trực: yêu người làm đúng, làm tốt để ca ngợi; ghét bọn làm xấu, làm sai, làm ác để lên án. Vai trò của nhà báo là đem ánh sáng trong lành tỏa rộng ra, đẩy lui, thu hẹp và xóa dần bóng tối”.
Năm việc “Cần làm ngay” của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đề ra cho các cơ quan quản lý báo chí, các Tổng Biên tập, các nhà báo trong năm đầu thời kỳ đổi mới đã giúp cho báo chí nước ta trở thành một trong những lực lượng mở đầu công cuộc đổi mới, tích cực ủng hộ công cuộc đổi mới đất nước được nhân dân tin tưởng, hoan nghênh.
Ngày nay, sau 28 năm ra đời, “Những việc cần làm ngay” vẫn tiếp tục vai trò định hướng đấu tranh, phê bình, chống tiêu cực xã hội nhằm “xóa bớt những vật cản” trên con đường phát triển đất nước.
Với những nhà báo, lời “bàn” của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh cần có “tấm lòng trong trắng, tha thiết… để làm tròn vai trò của những người “đem ánh sáng trong lành tỏa rộng ra, đẩy lùi, thu hẹp và xóa dần bóng tối” vẫn là phương châm sống và hành động của những người cầm bút.
Trương Tử Kỳ
Ý kiến bạn đọc