Multimedia Đọc Báo in

Lời nguyện cầu tháng Bảy

16:20, 27/07/2015

Hằng năm, khi những cơn mưa của tháng Bảy Tây Nguyên bắt đầu rả rích, tôi lại một mình đến Nghĩa trang Liệt sỹ tỉnh thắp nén tâm nhang thành kính trước anh linh các Anh hùng liệt sỹ.

Thắp những nén nhang lên từng ngôi mộ, tôi đã không thể nào kìm được lòng mình. Liệt sỹ Lê Đình Rật, quê quán Triệu Sơn, Thanh Hóa, hy sinh ngày 5-5-1968; Liệt sỹ Lê Văn Hồng, sinh năm 1954, quê quán Thăng Bình, Quảng Nam, hy sinh năm 1970; Liệt sỹ Phạm Văn Làu, quê quán Phú Lương, Bắc Thái, hy sinh ngày 3-3-1979…, các anh đều là những thanh niên lứa tuổi mười tám, đôi mươi đã lặng lẽ hy sinh cả tuổi xuân để non sông được nở hoa độc lập, đất nước được kết trái tự do. Trong số 2.173 ngôi mộ, có gần 800 ngôi mộ chưa rõ tên hoặc chỉ có một phần thông tin. Hằng năm, nhiều hài cốt liệt sỹ được Đội K51 tìm kiếm và quy tập về Nghĩa trang và hầu hết là chưa rõ tên. Như những chia sẻ của các chiến sĩ Đội K51 trong cuộc hành trình tìm kiếm và quy tập hài cốt quân tình nguyện và chuyện gia Việt Nam hy sinh tại chiến trường Campuchia mà thấy nghẹn lòng. Các hài cốt tìm được đều nằm ở các vùng rừng sâu, nên gần như khi được quy tập về đều chưa rõ tên, hoặc chỉ có một phần thông tin. Như 13 hài cốt vừa được quy tập mới đây vào tháng 5-2015 đều chưa xác định được tên, ngoài di vật chiếc thìa inox, phía dưới tay cầm có ghi chữ “Hưng” hay “Hùng” gì đó, đa phần các di vật để lại là: lược, dép cao su, nút áo, dây võng…

Bộ đội Biên phòng tỉnh thắp nhang tưởng nhớ các anh hùng liệt sỹ  tại Nghĩa trang Liệt sỹ tỉnh Đắk Lắk.
Bộ đội Biên phòng tỉnh thắp nhang tưởng nhớ các anh hùng liệt sỹ tại Nghĩa trang Liệt sỹ tỉnh Đắk Lắk.

Đất nước đã hòa bình nhưng vẫn còn đâu đó những niềm vui chưa trọn là vậy.  Ngoại tôi, đã gần 50 năm rồi, kể từ ngày ông hy sinh,  ngày nào bà cũng canh cánh nỗi ưu tư làm sao để tìm được hài cốt của ông. Tám mươi sáu tuổi, căn bệnh của tuổi già khi nhớ -  khi quên, nhưng bà chưa bao giờ quên thôi nhắc con cháu tìm ông về, bao năm nay đến bây giờ vẫn ưu tư, khắc khoải, những giọt nước mắt nhớ thương giờ cũng đã đặc quánh, chỉ còn biết chảy ngược vào trong… Chiến tranh đã qua đi, đất nước đã hòa bình, nhưng những mất mát, đau thương mà chiến tranh để lại không gì bù đắp được... Hình ảnh người con với mái đầu đã điểm sương, bao năm lặn lội từ miền Trung vào tận chiến trường Tây Ninh để tìm hài cốt của cha mà tôi đã gặp ở Nghĩa trang Liệt sỹ Tân Biên trong lần cùng gia đình đi tìm hài cốt của ông ngoại, vẫn cứ ám ảnh mãi trong tôi. Đó là lần thứ 3, người con ấy trở lại vùng đất này, lang thang vào tận những khu rừng giáp ranh với đất nước Campuchia - chiến trường nơi người cha đã hy sinh hơn 40 năm về trước giờ vẫn còn nằm hoang lạnh giữa bạt ngàn rừng núi. Lời khấn nguyện của ông trong chiều tháng Bảy năm ấy vẫn cứ văng vẳng trong tôi giữa không gian yên tĩnh của nghĩa trang: “Ngày cha tạm biệt mạ lên đường vào Nam chiến đấu, con chỉ mới chập chững tập đi, những ngày tháng lớn khôn, con chỉ biết nhìn vào di ảnh để có được hình dung về cha của mình. Mạ vẫn ngày đêm, hướng ánh nhìn vào Nam mà tâm can héo mòn, thương cha nằm hoang lạnh giữa rừng. Nén tâm nhang con thắp giữa hàng ngàn ngôi mộ chưa rõ tên, mong ba linh thiêng cho con biết chỗ ba nằm để con đón ba về “đoàn tụ” với mạ nghe ba…”. Đã 5 năm, tôi vẫn mong có dịp quay trở lại Nghĩa trang ấy với niềm mong mỏi, hy vọng lời khấn nguyện của ông trở thành hiện thực. 

“Chiến thắng lớn từ hy sinh to lớn.

Ai đếm khăn tang, ai đong máu chiến trường?” (*)

Một ngày tháng Bảy, tôi lặng lẽ cúi đầu trước những anh linh. Một ngày tháng Bảy, triệu triệu trái tim đang hướng về các liệt sỹ - “Những anh liệt như ngàn sao tỏa sáng/ Đời đời sau chiếu mãi giữa tim người”.

Lê Hương

-------

(*) Văn bia của Viễn Phương


Ý kiến bạn đọc