Multimedia Đọc Báo in

Vẹn nguyên ký ức!

09:06, 28/07/2015

Mái tóc đã bạc, giọng nói không còn hào sảng, nhưng ký ức về một thời làm công tác tuyên huấn trong rừng cùng đồng chí, đồng đội vẫn còn nguyên vẹn với ông Châu Khắc Chương - nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đắk Lắk.

Ông Châu Khắc Chương nhớ về  những kỷ niệm khó quên khi làm  công tác tuyên huấn.
Ông Châu Khắc Chương nhớ về những kỷ niệm khó quên khi làm công tác tuyên huấn.

Một ngày giữa tháng 7, chúng tôi có dịp đến thăm và trò chuyện cùng ông tại số nhà 94, đường Trần Nhật Duật (TP. Buôn Ma Thuột). Sinh năm 1934, vị cán bộ tuyên huấn năm xưa nay đã ngoài tuổi 80 nhưng vẫn nhớ những câu chuyện về một thời gian khổ, hiểm nguy mà hào hùng. Từng ký ức một thời chỉ huy, sát cánh cùng đồng chí, đồng đội thực hiện nhiệm vụ tuyên huấn (in ấn bản tin, tài liệu, sách báo, truyền đơn…) ở căn cứ H9 (huyện Krông Bông) trong ông ùa về. Ông kể: “Năm 1965, do yêu cầu nhiệm vụ mới, Thường vụ Tỉnh ủy chủ trương thành lập Ban Giáo dục, Ban Văn hóa-Thông tin, Ban Huấn học (còn gọi là Tuyên Văn Giáo), trước đó gọi là Ban Tuyên huấn. Đến cuối năm 1966 sáp nhập lại thành các tiểu ban, đồng chí Ama Lộc (Đào Tấn Ngoạn) làm Trưởng Ban Tuyên huấn thay cho đồng chí Ama Quang (Rơ Chăm Thép). Công tác tuyên huấn giai đoạn này được Thường trực Tỉnh ủy chú ý củng cố cả về tổ chức, con người để tham mưu cho cấp ủy về công tác tư tưởng, về giáo dục và văn hóa-xã hội, tuyên truyền củng cố niềm tin của quần chúng đối với cách mạng”.

Nhớ lại những năm kháng chiến chống Mỹ, đặc biệt chống chiến tranh cục bộ của Mỹ-ngụy là thời kỳ Đảng và quân dân các dân tộc tỉnh Đắk Lắk phải trải qua nhiều khó khăn, thách thức. Nhiệm vụ của Ban Tuyên huấn lúc bấy giờ là vận động bà con bám ấp, quyết tâm phá quốc sách “ấp chiến lược” của địch; kết hợp công tác vận động tề, dân vệ, thanh niên chiến đấu, đẩy mạnh hoạt động vũ trang, đưa phong trào phá ấp giành dân năm 1964-1965 lên cao, phá vỡ hàng mảng khu đồn, ấp chiến lược ở các vùng, mở rộng vùng giải phóng. Mặc dù hằng ngày đối mặt với đạn bom ác liệt, nhưng cán bộ, chiến sĩ làm công tác tuyên huấn luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, sáng tạo trong công việc, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ, góp sức cùng nhân dân cả nước đánh thắng đế quốc Mỹ xâm lược. Là tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số, căn cứ lõm ít (phần lớn diện tích của tỉnh bị địch chiếm đóng), lại xa sự chi viện của Trung ương, cũng như các binh chủng khác, Ban Tuyên huấn một mặt vừa làm nhiệm vụ chuyên môn, vừa phải tự túc lương thực. Mùa mưa, anh em trong Ban đi phát rẫy tỉa bắp, tỉa lúa, trồng khoai lang, khoai mì; một bộ phận đi Phú Yên gùi lương thực, chủ yếu là muối, mì chính, mỗi chuyến công tác kéo dài hàng tháng ròng; còn một bộ phận đi vào các đồn điền móc nối với cơ sở bên trong vùng địch tạm kiểm soát để mua pin, mực in, giấy để in tài liệu. “Một buổi sáng năm 1966, đồng chí cấp dưỡng của Ban báo với tôi: “Cơ quan không còn gì để ăn!”. Nghe vậy tôi nói: “Sao em báo muộn thế!”. Cô ấy ngập ngừng nói: “Có báo cho anh sớm cũng không giải quyết được ngay”. Lúc ấy, tôi quyết định huy động toàn cơ quan lên rừng kiếm lương thực. Đang giữa mùa khô, khó khăn lắm anh em mới đào được ít củ mì còn sót lại ở mãi dưới hố sâu dọc các chân núi cao. Vì ít quá, nên anh em chia nhau từng khúc khoai mì qua bữa. Hay năm 1975, cả cơ quan gần 100 người (kể cả giáo dục) nhưng chỉ bắn được một con vịt trời ăn Tết để chuẩn bị lên đường đi chiến dịch. Tôi quyết định nhanh: “Bằm nhỏ, trộn với củ mì nấu cháo để anh em trong Ban cùng ăn!”, ông Chương hồi tưởng lại.

Trong tâm trí vị cán bộ tuyên huấn ký ức về nêu cao tinh thần trách nhiệm, sự năng động, sáng tạo trong công việc, tình đồng chí, đồng đội mãi không thể nào quên. Ông nhớ lại: “Chiến tranh ác liệt, nhưng cán bộ, chiến sĩ làm công tác tuyên huấn không hề nao núng, vẫn đào hầm, chặt cây rừng tổ chức lớp học nghị quyết của tỉnh, học tập các chuyên đề. Có lúc tình hình khó quá, anh em ở các huyện đến báo cáo tình hình, từ thực tiễn đó Tiểu ban Huấn học rút ra những vấn đề cần thực hiện ngay. Cách tuyên truyền hồi ấy rất sáng tạo, ở vùng giải phóng có thư kêu gọi, vùng địch tạm chiếm là truyền đơn cho từng đối tượng cụ thể. Còn nhớ, trong một lần địch đánh phá, chiếc máy in ty-pô bị thổi hết chữ, đang loay hoay không biết in tài liệu thế nào, một đồng chí ở bộ phận in đề xuất: Mài củ mì làm bột in, rồi vắt chanh lấy nước nhỏ vào cho nổi chữ in tài liệu”. Đôi mắt rưng rưng nhìn vào khoảng không vô định, ông như sống lại thời khắc đó (khi ấy ông giữ cương vị Phó Trưởng Ban Tuyên huấn, kiêm Bí thư Đảng ủy), giọng ông bồi hồi: “Tội nghiệp có một chiến sĩ cùng đi công tác với tôi (vào khoảng năm 1969), tối đến hai anh em mắc võng nằm nghỉ, chú ấy tâm sự: “Ba mẹ em mất rồi, khi nào giải phóng anh cưới vợ cho em nhé! Mới nói hôm trước, hôm sau trong một trận đánh địch tràn vào cơ quan, đồng chí ấy hy sinh. Đó còn là tình cảm của bà con dân tộc thiểu số dành cho cách mạng. Bà con cũng thiếu gạo, thiếu muối, nhưng sẵn sàng “nhường khoai, nhường rau rừng” cho cán bộ, chiến sĩ; khi địch càn quét, bất chấp hiểm nguy bà con đến báo cho cơ sở cách mạng”.

Sau ngày đất nước thống nhất (1975), công tác tuyên huấn bước vào thời kỳ mới-tập trung ổn định tình hình tư tưởng cho cán bộ, đảng viên, nhân dân, chiến sĩ lực lượng vũ trang, nêu cao khí phách cách mạng, phấn khởi và tự hào về truyền thống anh hùng của dân tộc, tin tưởng sâu sắc vào sự lãnh đạo của Đảng. Tuyên truyền, phổ biến rộng rãi các chủ trương, chính sách của Đảng trong vùng giải phóng, đập tan những luận điệu chiến tranh tâm lý phá hoại của địch, phá hoại khối đại đoàn kết công-nông, đoàn kết Kinh-Thượng, động viên tổ chức phong trào quần chúng khôi phục sản xuất, ổn định đời sống, xây dựng chính quyền, các đoàn thể nhân dân, ổn định cuộc sống mới. Năm 1985, ông được phân công nhiệm vụ Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.

Gần trọn một đời gắn bó với công tác tư tưởng-văn hóa, ông nghiệm rằng: “Mỗi giai đoạn, mỗi thời kỳ cách mạng, nhiệm vụ của công tác tuyên giáo có khác nhau, nhưng vẫn gói gọn trong mấy chữ “Đi trước, cùng đi và đi sau” - có nghĩa là công tác tư tưởng phải đi trước một bước, tiếp đến vào cuộc cùng với các binh chủng suốt quá trình thực hiện, sau đó là những kết quả đạt được cũng như kinh nghiệm, bài học cần phổ biến để tiếp tục làm tốt hơn. Cán bộ tuyên giáo nói đúng thôi chưa đủ mà phải nói trúng. Đoàn kết, gương mẫu, tận tâm, trách nhiệm với công việc, hoàn thành nhiệm vụ vẻ vang của người chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng-văn hóa; đối với ông những năm tháng tham gia cách mạng cũng như làm công tác tuyên huấn, đối mặt với hiểm nguy, khó khăn, gian khổ đã tôi luyện bản lĩnh chính trị vững vàng để cống hiến sức lực cho quê hương, đất nước.

Gia Nguyên


Ý kiến bạn đọc