Chủ tịch Hồ Chí Minh với nhân sĩ, trí thức thời lập nước
Chủ tịch Hồ Chí Minh là một đại trí thức, một danh nhân văn hóa thế giới, một thiên tài của thế kỷ 20. Vấn đề trí thức luôn được Người hết sức quan tâm với những quan điểm thiết thực, cụ thể. Người luôn đặt niềm tin và trọng dụng tầng lớp trí thức ưu tú của dân tộc, tạo điều kiện cho họ được cống hiến, được thể hiện đầy đủ nhất tài năng và trách nhiệm của mình trong sự nghiệp chung của đất nước.
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Người nói: “Nước nhà cần phải kiến thiết. Kiến thiết thì phải có nhân tài. Chính sách của Chính phủ trước sau vẫn là đại đoàn kết. Đối với các vị quan lại cũ, cũng như đối với tất cả các giới đồng bào, những người có tài có đức thì Chính phủ đều hoan nghênh ra gánh vác việc nước” (1).
Chủ tịch Hồ Chí Minh chụp ảnh cùng các nhân sĩ, trí thức yêu nước vào tháng 10-1946. (Ảnh: T.L) |
Bác Hồ không hề có định kiến với trí thức, đã phục vụ trong bộ máy của thực dân Pháp. Điều này thấy rất rõ ở thành phần nội các Chính phủ lâm thời năm 1945 gồm 15 thành viên do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch; Võ Nguyên Giáp làm Bộ trưởng Bộ Nội vụ… và các nhân sĩ, trí thức ngoài Đảng Cộng sản như: Dương Đức Hiền, Nguyễn Mạnh Hà, Nguyễn Văn Tố, Vũ Trọng Khánh, Vũ Đình Hòe, Đào Trọng Kim… Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa I (3-1946) đã bầu Hồ Chí Minh làm Chủ tịch Chính phủ và công nhận Chính phủ Liên hiệp Kháng chiến do Người đệ trình, trong đó có Huỳnh Thúc Kháng: Bộ trưởng Bộ Nội vụ; Phan Anh: Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Đặng Thai Mai: Bộ trưởng Bộ Giáo dục; Vũ Đình Hòe: Bộ trưởng Bộ Tư pháp; Trần Đăng Khoa: Bộ trưởng Bộ Giao thông - Công chính…(2)
Bác Hồ luôn coi đội ngũ trí thức là động lực thúc đẩy sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Chỉ trong vòng một năm sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Người đã hai lần viết bài đăng báo tìm nhân tài cho sự nghiệp phục hưng dân tộc. Có thể xem bài “Tìm người tài đức” của Bác, ngày 20-11-1946 là “chiếu cầu hiền” của cách mạng, với những lời lẽ chân thành, lay động con tim của những người trí thức.
Cụ Huỳnh Thúc Kháng, một trí thức yêu nước có uy tín lớn trước Cách mạng Tháng Tám 1945 đã được Bác Hồ cho người đem thư mời Cụ ra Hà Nội tham gia việc nước. Cụ quyết không nhận một chức vụ gì, thế mà gặp Bác Hồ, Cụ Huỳnh đã nhận làm Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Cụ Huỳnh tâm sự: “Chí thành, năng động, tấm lòng thành của Cụ Hồ làm đá cũng phải chuyển, huống là tôi” (3). Năm 1946, sang thăm Pháp, Bác Hồ trao Quyền Chủ tịch nước cho Cụ Huỳnh. Đó là niềm tin lớn lao của Bác vào một trí thức ngoài Đảng, nhưng có lòng yêu nước.
Nhờ tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc, trước và sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, nhiều nhân sĩ, trí thức, quan lại trong triều đình cũ, trong Chính phủ Trần Trọng Kim, trong đó có Khâm sai đại thần Phan Kế Toại đã đi theo cách mạng và đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh tín nhiệm, giao nhiều trọng trách trong Chính phủ. Năm 1947, Người cho mang thư đến mời Phan Kế Toại đang sơ tán ở Thanh Lũng, Sơn Tây lên chiến khu Việt Bắc tham gia Chính phủ. Trọng trách đầu tiên mà Chủ tịch Hồ Chí Minh giao cho Phan Kế Toại là quyền Bộ trưởng Bộ Nội vụ (1947); rồi sau đó là Ủy viên Hội đồng Quốc phòng tối cao (1948), Bộ trưởng Bộ Nội vụ (1951). Ngày 20-9-1955, Phan Kế Toại giữ chức Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Bộ trưởng Bộ Nội vụ trong hai nhiệm kỳ (1955 - 1958), (1958 - 1961).
Trong phiên họp Hội đồng Chính phủ ngày 14-11-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị Hội đồng Chính phủ cử một Ban cố vấn gồm 10 vị giúp việc cho Chủ tịch nước. Người giới thiệu danh sách 6 vị để Hội đồng Chính phủ cho ý kiến: Cụ Bùi Bằng Đoàn, giáo sĩ Lê Hữu Từ, cụ Ngô Tử Hạ, cụ Bùi Kỷ, cụ Lê Tại và bác sĩ Nguyễn Đình Luyện. Trong đó, cụ Bùi Bằng Đoàn, từ một vị quan đại thần dưới triều đình phong kiến, đã nhận rõ đường lối cách mạng của Đảng và mến mộ tài đức, uy tín lớn lao của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã nguyện đem sức lực, tài năng của mình ra phụng sự đất nước. Cụ lần lượt được Đảng và Hồ Chủ tịch giao nhiều chức vụ quan trọng: Cố vấn Chủ tịch nước; Trưởng Ban Thanh tra đặc biệt; Trưởng Ban Thường trực Quốc hội từ tháng 11-1946 cho đến khi cụ tạ thế, tháng 4-1955.
Trên thực tế, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát hiện, đào tạo, cảm hóa, trọng dụng nhiều nhà trí thức, nhân tài như: Huỳnh Thúc Kháng, Phan kế Toại, Bùi Bằng Đoàn, Phan Anh, Đặng Thai Mai, Nguyễn Văn Tố…; những nhà khoa học nổi tiếng như: GS Nguyên Văn Huyên, GS Tạ Quang Bửu, GS Hồ Đắc Di, GS Tôn Thất Tùng, GS Hoàng Minh Giám, GS Trần Đại Nghĩa, TS Lương Định Của, GS-VS Nguyễn Khánh Toàn. GS Đặng Văn Ngữ, GS Nguyễn Xiển, GS Hoàng Xuân Hãn, KTS Huỳnh Tấn Phát, BS Phạm Ngọc Thạch, Luật sư Phan Anh, BS Trần Duy Hưng… và những nhà chính trị, quân sự tài ba như: Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp... Mỗi người một hoàn cảnh, nhưng tất cả đều tin phục Chủ tịch Hồ Chí Minh để rồi một lòng một dạ đi theo cách mạng và đã đóng góp phần tích cực nhất của đời mình cho đất nước.
Một sự kiện có ý nghĩa rất lớn khẳng định sự quan tâm chí tình của Bác Hồ đối với tầng lớp trí thức, đó là việc sáng lập Đảng Xã hội Việt Nam (22-7-1946) để họ có một tổ chức thích hợp cho việc đoàn kết, cống hiến cho sự nghiệp cách mạng cao cả của dân tộc.
Có nhiều câu chuyện cảm động minh chứng cho sức cảm hóa của Chủ tịch Hồ Chí Minh với trí thức. Giáo sư Hồ Đắc Di bị lọt vào vòng vây của giặc Pháp khi chúng đánh lên Việt Bắc tháng 10-1947, đã có thái độ dứt khoát: “Không, tôi không thể nào phụ lòng Hồ Chủ tịch… Cuộc sống ở vùng căn cứ kháng chiến lắm gian nan, nhưng ở đây tôi tìm thấy sự thanh thản trong lương tâm người trí thức” (4). Giáo sư Tôn Thất Tùng kể, sau một lần thăm bệnh Bác Hồ: “Từ cuộc gặp gỡ đầu tiên đó, tâm hồn tôi đã chuyển biến theo cách mạng Việt Nam dưới ánh sáng của đôi mắt Bác Hồ” (5).
Có lần, Bác Hồ chọn kỹ sư Đặng Phúc Thông làm Bộ trưởng Bộ Giao thông - Công chính, nhưng kỹ sư Đặng Phúc Thông xin làm Thứ trưởng để được đi sâu vào chuyên môn. Bác nói: “Bắn không nên, phải đền đạn, chú phải đề cử một vị Bộ trưởng thay chú”. Kỹ sư Đặng Phúc Thông bèn đề cử kỹ sư Trần Đăng Khoa và Bác đã chấp nhận ngay. Khi ở Việt Bắc, kỹ sư Đặng Phúc Thông đau phổi, Bác gửi tặng một chiếc áo len cao cổ với một bài thơ xiết bao ân tình:
“Tết nhất năm nay hoãn thịt xôi
Tết sau thắng lợi sẽ đền bồi.
Áo bạn biếu tôi, tôi biếu chú.
Chú mang cho ấm cũng như tôi” (6)
Tấm lòng của Bác Hồ đối với trí thức là như thế. Và để đáp lại sự tin yêu trọng dụng của Người, các trí thức, nhân sĩ đã cống hiến hết mình cho sự nghiệp cách mạng chung của dân tộc…
Nguyễn Xuyến
------------------
(1) Hồ Chí Minh Toàn tập - NXBST - H - 1984 - T 2.
(2) Tạp chí Lịch sử Đảng, số 6-2013.
(3) Báo Nhân Dân cuối tuần, số 13, ngày 1-4-2001.
(4)(5) Các nhà khoa học Việt Nam hiện đại - NXB KH-KT - H -1990 - T 1.
(6) Báo Lao động, số 3532, ngày 17-5-1990.
Ý kiến bạn đọc