Multimedia Đọc Báo in

Khởi nghĩa giành chính quyền ở Đắk Lắk: Từ ngục tối đến hào quang cách mạng

09:20, 19/08/2015

Những năm cuối thế kỷ XIX, thực dân Pháp đã đẩy mạnh các hoạt động do thám nắm tình hình dưới nhiều danh nghĩa khác nhau nhằm phục vụ cho kế hoạch xâm chiếm Tây Nguyên, trong đó Đắk Lắk là mục tiêu quan trọng nhất. Năm 1899, chúng tập trung lực lượng đánh chiếm Buôn Đôn và lần lượt mở rộng chiếm đóng toàn bộ cao nguyên Đắk Lắk. Đến năm 1904, sau khi cơ bản thôn tính được Đắk Lắk, Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định thành lập tỉnh Đắk Lắk.

Cùng với việc xây dựng bộ máy quản lý, chúng cho xây dựng một trại giam ở bên cạnh thị xã Buôn Ma Thuột nhằm giam giữ những người chống lại chế độ cai trị của chúng. Về sau nơi đây trở thành chỗ giam giữ, đày ải những chiến sĩ cách mạng bị bắt trong các phong trào cách mạng, đặc biệt là phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh (1930-1931). Những người bị giam giữ ở Nhà đày Buôn Ma Thuột phải sống trong một chế độ cai trị hà khắc nhưng không vì thế mà chí khí chiến đấu của những người cộng sản bị suy giảm. Họ luôn đoàn kết, giúp đỡ nhau và không ngừng đấu tranh. Từ đó, các tổ chức trong nhà tù dần được thành lập như: Hội nhà tù, Ban bảo vệ quyền lợi, Nhóm trung kiên, Ban vận động cách mạng(1)… Đặc biệt, đến cuối năm 1940, những chiến sĩ cộng sản ở đây đã bí mật thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam đầu tiên ở Đắk Lắk gồm 10 người. Một trong những nhiệm vụ quan trọng của Chi bộ là: “Tìm cách liên lạc để vận động cách mạng ở thị xã Buôn Ma Thuột mà trước hết là hai đối tượng quần chúng: lao động và binh lính của địch” (2) .

Du khách tham quan Nhà đày Buôn Ma Thuột. Ảnh: Hoàng Gia
Du khách tham quan Nhà đày Buôn Ma Thuột. Ảnh: Hoàng Gia

Việc thành lập Chi bộ Cộng sản trong nhà tù là một bước ngoặt lớn đối với phong trào cách mạng ở Đắk Lắk và chính những người tù cộng sản đã vun trồng ươm mầm cách mạng trong công nhân, viên chức, binh lính và thợ thủ công nghèo, làm lực lượng nòng cốt cho Tổng khởi nghĩa tháng 8-1945 sau này.

Ngày 9-3-1945 Nhật đảo chính Pháp, thay Pháp cai trị Đông Dương tạo nên một cuộc khủng hoảng chính trị có lợi cho phong trào cách mạng trên cả nước, trong đó có Đắk Lắk. Trước tình hình đó, tổ chức Đảng trong Nhà đày Buôn Ma Thuột đã đề ra hai nhiệm vụ quan trọng là: “phải đấu tranh giải phóng tù chính trị và xây dựng các tổ chức quần chúng” (3) .

Đầu tháng 4-1945, tại thị xã Buôn Ma Thuột, quần chúng nhân dân đã kéo đến nhà tù đấu tranh yêu cầu chính quyền tay sai của Nhật thả tù nhân, trả lại người thân. Cùng với đó, các công chức, trí thức yêu nước đã kéo đến nhà viên tỉnh trưởng vừa thuyết phục, vừa đấu tranh yêu cầu thả tù chính trị. Chính quyền tay sai buộc phải nhượng bộ thả tù chính trị. Sau khi ra tù, đa số các chiến sĩ cộng sản bị chính quyền tay sai đưa về xuôi, tuy nhiên vì tổ chức và cơ sở Đảng ở Đắk Lắk đang còn mỏng, một số đồng chí đã tìm cách trở lại Đắk Lắk để gây dựng cơ sở, phát triển phong trào và vận động, tổ chức quần chúng đấu tranh. Tháng 4-1945, trên một chuyến xe chở những người cộng sản vừa thoát khỏi nhà tù Buôn Ma Thuột đi đến Nha Trang, một nhóm chiến sĩ cộng sản đã bí mật quay trở lại Đắk Lắk, trong đó có hai đồng chí Phan Kiệm và Nguyễn Trọng Ba, sau này trở thành những lãnh đạo cốt cán của phong trào cách mạng ở Đắk Lắk (đồng chí Phan Kiệm sau này là Bí thư Tỉnh ủy đầu tiên).

Đầu tháng 5-1945, đã diễn ra cuộc họp bí mật thành lập Ban lãnh đạo lâm thời của tỉnh Đắk Lắk, đồng chí Phan Kiệm được bầu làm Trưởng ban kiêm Chủ nhiệm Việt Minh tỉnh. Đồng thời các tổ chức của Việt Minh như: Công nhân cứu quốc, Nông dân cứu quốc, Thanh niên cứu quốc, Công chức cứu quốc.. đã được thành lập, phát triển mạnh ở thị xã và vùng nông thôn. Cũng như khắp cả nước, đến đầu tháng 8-1945, ở Đắk Lắk những yếu tố của thời kỳ tiền khởi nghĩa đã hình thành và bùng lên thành cao trào cách mạng giành độc lập khi có thời cơ. Đúng lúc đó, tin Nhật đầu hàng Đồng minh vô điều kiện (ngày 14-8-1945) được truyền đi khắp cả nước, làm bùng lên ngọn lửa cách mạng chưa từng thấy trong lịch sử dân tộc. Tại Đắk Lắk, mặc dù chưa nhận được lệnh Tổng khởi nghĩa từ Tổng bộ Việt Minh, nhưng căn cứ vào thông tin và diễn biến tình hình, ngày 14-8-1945 Ban lãnh đạo lâm thời của tỉnh họp và nhận thấy điều kiện khởi nghĩa giành chính quyền đã chín muồi và gấp rút chuẩn bị lực lượng.

Sau khi nhận được lệnh Tổng khởi nghĩa của Tổng bộ Việt Minh ngày 16-8, Ban lãnh đạo lâm thời của tỉnh đã quyết định khởi nghĩa ở đồn điền CADA, mở màn cho Tổng khởi nghĩa trong tỉnh. Ngày 17-8, khởi nghĩa thành công ở đồn điền CADA. Đồng chí Phan Kiệm thay mặt Ủy ban lâm thời tỉnh đọc lệnh Tổng khởi nghĩa của Tổng bộ Việt Minh, giao nhiệm vụ cho công nhân đồn điền CADA làm nòng cốt trong việc giành chính quyền các nơi trong tỉnh.

Ngày 19-8-1945, đoàn cán bộ tăng cường cho Đắk Lắk lên tới đồn điền CADA. Ngay đêm hôm đó, tại số nhà 57 đường Lý Thường Kiệt, thị xã Buôn Ma Thuột, Ban lãnh đạo lâm thời của tỉnh cùng với Tỉnh bộ Việt Minh đã triệu tập Hội nghị khẩn cấp, quyết định thành lập Ủy ban khởi nghĩa của tỉnh do đồng chí Phan Kiệm làm trưởng ban. Hội nghị quyết định phát động quần chúng nhân dân chuẩn bị giành chính quyền ở thị xã và làm thất bại âm mưu mít tinh cải tổ chính quyền của địch vào sáng 20-8. Trên thực tế, từ ngày 20-8-1945 chính quyền tay sai của Nhật ở Đắk Lắk đã hoàn toàn bị tê liệt, cuộc khởi nghĩa ở Đắk Lắk nhanh chóng thắng lợi.

Ngày 22-8-1945, Ban lãnh đạo lâm thời, Tỉnh bộ Việt Minh và Ủy ban khởi nghĩa cùng đoàn cán bộ tăng cường cho Đắk Lắk họp Hội nghị mở rộng. Hội nghị đã quyết định: “Khởi nghĩa giành chính quyền ở thị xã vào ngày 24-8-1945; thành lập Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh” (4) . Ngày 23-8, truyền đơn của Việt  Minh xuất hiện ở thị xã Buôn Ma Thuột kêu gọi quần chúng tham gia giành chính quyền. 15 giờ ngày 24-8-1945, cuộc mít tinh giành chính quyền được tổ chức trọng thể tại sân vận động thị xã Buôn Ma Thuột, chính quyền cách mạng ra mắt nhân dân. Những ngày tiếp theo, các huyện, tổng đến các buôn làng trên địa bàn tỉnh đều tiến hành xóa bỏ chính quyền cũ, thành lập Ủy ban nhân dân cách mạng.

Khởi nghĩa giành chính quyền ở Đắk Lắk thắng lợi ghi đậm dấu ấn của những chiến sĩ cách mạng trung kiên đã từng bị giam giữ tại Nhà đày Buôn Ma Thuột. Với ý chí cách mạng quật cường, họ đã bước ra từ ngục tối để đấu tranh và đem lại hào quang cách mạng đến với buôn làng các dân tộc Đắk Lắk.

Vũ Văn Bắc

(Trường Chính trị tỉnh Đắk Lắk)

-----------------

1.Lịch sử Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk 1930 - 1945, tr 71

2.Lịch sử Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk 1930 - 1945, tr72

3.Lịch sử phong trào Công nhân và Công đoàn tỉnh Đắk Lắk, tr67

4. Lịch sử Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk 1930-1945, tr114


Ý kiến bạn đọc