Multimedia Đọc Báo in

Chuyện kể về Anh hùng Trần Cao Giảng

11:26, 25/08/2015

Mặc dù đã bước sang tuổi 85 nhưng người lính già ấy vẫn rất nhanh nhẹn và tinh anh. Ông là Đại tá Trần Cao Giảng (SN 1930, hiện sinh sống tại 97 Trần Bình Trọng, TP.Buôn Ma Thuột), bí danh Lê Anh Thông, nguyên Phó Ban Chỉ huy An ninh tỉnh Đắk Lắk, Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Cuộc đời làm cách mạng của ông là một chuỗi những chiến công hiển hách...

Đại tá Trần Cao Giảng được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân tháng 4-2015. Ảnh: Trọng Hiến
Đại tá Trần Cao Giảng được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân tháng 4-2015. Ảnh: Trọng Hiến

Tham gia cách mạng khi chưa đầy 18 tuổi, chàng thanh niên Trần Cao Giảng được giao nhiệm vụ đầu tiên là giữ gìn an ninh trật tự tại thị trấn Phố Me, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình. Tháng 10-1949, trước tình hình quân Pháp nhảy dù xuống chiếm đóng nhiều huyện trong tỉnh Ninh Bình, bọn phản động đội lốt tôn giáo nổi dậy, bắt giết cán bộ, đốt nhà, cướp tài sản của những gia đình tham gia kháng chiến, Trần Cao Giảng đã tự nguyện xung phong về hoạt động tại vùng địch chiếm đóng huyện Kim Sơn và thị trấn Phát Diệm, trực tiếp lãnh đạo tổ Công an xung phong gồm 3 người làm nhiệm vụ phá tề, trừ gian. Từ đây, chuỗi chiến công liên tiếp của ông và đồng đội cũng bắt đầu. Chỉ trong gần 1 năm đầu tiên, từ tháng 11-1949 đến cuối năm 1950, tổ Công an xung phong của ông (sau là tổ biệt phái Công an huyện Kim Sơn) đã tổ chức vận động, bắt sống, tiêu diệt 7 tên bá điền trùm đảng phái phản động, chỉ điểm, gián điệp khét tiếng làm nức lòng nhân dân trong vùng…

 Một trong những chiến công vang dội nhất của ông ngày ấy là đã trà trộn, gài mìn đánh sập Câu lạc bộ sỹ quan Pháp ở phố Trì Chính Phát Diệm. Đây thực chất là cơ quan chỉ huy hoạt động tình báo các tỉnh Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, núp dưới vỏ bọc là nơi sinh hoạt, hội họp, vui chơi giải trí của các sỹ quan, binh lính Pháp, được bố trí canh gác nghiêm ngặt cả ngày lẫn đêm. Để chuẩn bị cho trận đánh này, đích thân Trần Cao Giảng đã phải mất gần 1 tháng trời trà trộn vào làm công nhân cho lò bánh mỳ quân Pháp để điều tra giám sát hoạt động đi lại của sỹ quan Pháp. Ông còn vận động được nhiều anh em cai lò bánh mì trở thành cơ sở bí mật cho ta. Ông nhớ lại: “Sau khi chuẩn bị kỹ, đúng 15 giờ ngày 26-11-1950, tự tay đồng chí Oanh, đội trưởng đội Công an số 6 giao cho tôi chiếc cặp da trong đó có 5 kg thuốc nổ đã lắp kíp hẹn giờ và kích hoạt chip hẹn giờ sau đó 5 tiếng. Tôi được biết, ngoài kíp hẹn giờ này còn có 1 kíp khác nếu kích hoạt sẽ nổ ngay, phòng trường hợp tôi bị lộ. Khi đó tôi biết rằng mình nhận nhiệm vụ này là cảm tử, có thể một đi không trở về, nhưng lòng tôi vẫn đầy quyết tâm. Một đồng đội khác là anh Tâm được tổ chức phân công cùng đi với tôi. Chúng tôi đóng vai 2 sỹ quan tình báo phòng nhì, lọt qua được 2 vọng gác, vào đến cửa nhà câu lạc bộ, đồng chí Tâm lên thẳng thang gác tầng 2 cảnh giới, tôi ở tầng dưới tìm chỗ đặt chất nổ. Chỉ trong vòng 2 phút tôi đặt xong, báo hiệu cho đồng chí Tâm rút lui. Ra về, chúng tôi bình tĩnh đi sánh vai vui cười bình thường. Sau nhiều tiếng đồng hồ nín thở chờ đợi, đúng 20 giờ đêm hôm đó, Câu lạc bộ sỹ quan Pháp phát ra một tiếng nổ dữ dội làm rung chuyển cả thị trấn Phát Diệm. Toàn bộ Câu lạc bộ sỹ quan bị đánh sập tan tành, gần 100 sỹ quan, binh lính Pháp chết và bị thương”. Thừa thắng, ông Giảng và đồng đội tiếp tục viết thư thuyết phục, lôi kéo được Tổng tham mưu trưởng Tổng bộ Pháp Diệm lúc bấy giờ là Nguyễn Văn Thảo và Trưởng đồn hải tuần Kim Đài - Nguyễn Văn Kháng, Trưởng phòng Chính trị Công an ngụy Ninh Bình là Nguyễn Thanh Ngoạn đi theo kháng chiến.

Từ năm 1953 trở đi, ông Trần Cao Giảng được điều chuyển công tác đi nhiều nơi, dù ở vị trí nào, khi là cán bộ Công an huyện Kim Sơn, Ty Công an Ninh Bình hay cán bộ Liên khu III, Khu Tả Ngạn, ông cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, lập được nhiều thành tích xuất sắc, được đồng đội và nhân dân yêu mến. Năm 1975, ông được điều động vào công tác tại tỉnh Đắk Lắk, giữ chức vụ Phó Trưởng Phòng Bảo vệ chính trị. Từ đây, ngay từ những ngày đầu tiên ông đã gắn bó và góp công sức không nhỏ trong công tác đấu tranh chống Fulrô và các đối tượng phản động lợi dụng tôn giáo chống phá chính quyền cách mạng ở Đắk Lắk. Điển hình là việc ông đã vận động thành công Giám mục Nguyễn Huy Mai thuyết phục 12 linh mục là Tuyên úy quân đội Sài Gòn tự nguyện đi học tập, cải tạo; bắt tên Fulrô nguy hiểm Y Nguê Byă, cố vấn “Chính phủ” Fulro; tổ chức điều tra triệt phá các tổ chức Fulrô bí mật nằm trong buôn làng và bọn Fulrô có vũ trang nằm ngoài rừng, tham gia vận động giải tán 3 dòng tu là cơ sở liên lạc của Fulrô, kêu gọi những người theo Fulrô ra rừng trở về đầu hàng…

Với những cống hiến, thành tích trong quá trình công tác, chiến đấu, Đại tá Trần Cao Giảng đã vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng nhiều huân chương, huy chương các loại. Tháng 4-2015, ông được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân thời kỳ kháng chiến chống Pháp.

Thanh Thúy


Ý kiến bạn đọc