Multimedia Đọc Báo in

Âm vang một thuở hào hùng

10:06, 28/12/2016

Những cái bắt tay thật chặt, lời chào, câu hỏi thăm vồn vã của những người từng một thời cống hiến tuổi xuân, xương máu làm nhiệm vụ quốc tế cao cả tại nước bạn Lào đã làm náo nhiệt chuyện kể về một thuở hào hùng.

Từ đầu giờ sáng, rất nhiều đại biểu, hội viên của Hội Hữu nghị Việt Nam – Lào đã có mặt tại Bảo tàng Đắk Lắk tham dự Hội nghị tổng kết năm 2015 và gặp mặt nhân dịp kỷ niệm 40 năm Quốc khánh nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào (2-12-1975 – 2-12-2015). Họ là những người đã từng có mặt ở đất nước Triệu Voi với sứ mệnh giúp bạn trong những năm tháng khói lửa, hội tụ về đây để cùng nhau nhớ lại một thời gian khổ, hy sinh, vun đắp tình hữu nghị Việt – Lào. Bồi hồi nhớ lại kỷ niệm những ngày tháng ở chiến trường Lào, ông Trần Minh Kính, một thương binh trú tại thôn Kty 1 (xã Cư Kpô, huyện Krông Búk) kể: sau khi nhập ngũ năm 1967 và hoàn thành huấn luyện ở Bộ Tư lệnh Công binh, ông cùng các đồng đội của Sư đoàn 470 nhận nhiệm vụ bảo vệ Binh trạm 50, kho R1 và ngầm Tà Ngâu 37 (tỉnh Khăm Muộn, Lào). Hơn 3 năm tham gia chiến đấu ở nước bạn, bên cạnh sự ác liệt của bom đạn chiến tranh, ông cũng không thể nào quên những thiếu thốn, bệnh tật của cuộc đời người lính. “Hồi ấy, cả đơn vị bị sốt rét, nhiều người mắc bệnh hàng chục lần. Có lần tôi sốt gần 41 độ, chỉ huy hỏi: Khi cần báo tin cho ai, cha đồng chí tên gì? Tai nghe rõ nhưng miệng không thể trả lời. Sự ác liệt của chiến tranh đã khiến nhiều đồng đội của tôi mãi mãi không còn được trở về đoàn tụ cùng gia đình”, ông Kính nghẹn ngào. Sau thời gian ở Lào, ông nhận nhiệm vụ về bổ sung lực lượng cho Lữ đoàn 234, Quân đoàn 3. Trong 7 năm tham gia chiến đấu ở khắp các chiến trường Kon Tum, Buôn Ma Thuột, Nha Trang, Ninh Thuận, Bình Thuận, TP. Hồ Chí Minh, mang trên mình vết thương ở đầu, bả vai nhưng điều ông tự hào nhất đó là đã cùng đồng đội làm nên nhiều chiến thắng vẻ vang của quân đội ta, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Hội viên Hội Hữu nghị Việt Nam - Lào vui mừng trước ngày gặp mặt.
Hội viên Hội Hữu nghị Việt Nam - Lào vui mừng trước ngày gặp mặt.

Gặp lại đồng đội cũ, cựu chiến binh Nguyễn Thị Lưu (xã Cư Ni, huyện Ea Kar) vui mừng, không cầm được nước mắt: “Chúng tôi là những người may mắn còn sống để chứng kiến sự đổi thay của đất nước. Gặp nhau thấy mọi người khỏe mạnh, còn sức tham gia công tác xã hội và sum vầy bên con cháu là mừng lắm rồi”. Bà nắm chặt tay đồng đội, những kỷ niệm một thời khói lửa chợt ùa về. Năm 1972, cô gái 20 tuổi quê Hưng Yên tình nguyện nhập ngũ, được biên chế vào C5, Trung đoàn 529, Sư đoàn 473, thuộc Đoàn 559 làm nhiệm vụ mở đường, vận chuyển lương thực, đạn dược trên tuyến đường biên giới Việt – Lào, ngầm Tà Khống, sông Sê Pôn (Lào). Khắc ghi lời Bác Hồ dạy “Giúp bạn chính là giúp mình”, bà và đồng đội đã thi đua tải đạn, đào đá, vá đường, bắc cầu để những chuyến xe kịp ra chiến trường mặc cho mưa bom, bão đạn. Đối với bà, kỷ niệm đáng nhớ nhất là năm 1973, một trận sốt rét kéo dài 3 tháng làm bà bị rụng hết tóc, đã có lúc cận kề với cái chết, nhưng khi hồi phục bà vẫn kiên gan cùng đồng đội hoàn thành nhiệm vụ. Đất nước thống nhất, gia đình bà chuyển vào làm kinh tế mới ở huyện Ea Kar, tiếp tục chiến đấu trên mặt trận xóa đói giảm nghèo và trở thành tấm gương cho con cháu noi theo.

Ông Kính, bà Lưu là 2 trong số hơn 1.800 người con của khắp mọi miền đất nước đã từng tham gia làm nhiệm vụ quốc tế ở nước bạn Lào, nay cùng hội tụ ở Đắk Lắk và là hội viên của Hội Hữu nghị Việt Nam – Lào. Ông Hoàng Chuyên, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam – Lào cho biết: “Không chỉ đóng góp công sức, xương máu vun đắp tình hữu nghị Việt – Lào, những hội viên của Hội còn phát huy phẩm chất “Bộ đội cụ Hồ” trong phát triển kinh tế, xây dựng Đảng, chính quyền, đoàn thể địa phương vững mạnh và giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ”. Với mong muốn trở thành “cầu nối” trong công tác đối ngoại nhân dân, góp phần vun đắp tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Lào nói chung và tỉnh Đắk Lắk với các tỉnh Nam Lào nói riêng, những năm qua, Hội đã tổ chức nhiều hoạt động như: triển lãm, in, phát hành sách “Đất nước Triệu Voi”, biểu diễn ca múa nhạc giao lưu với Đoàn nghệ thuật tỉnh Chămpasắk, giải Bóng chuyền nam quốc tế Việt Nam – Lào, thi “Tìm hiểu lịch sử quan hệ Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam”, tổ chức Tết cổ truyền Bun Pi May cho bà con người Việt gốc Lào, hỗ trợ xây dựng “Nhà nghĩa tình đồng đội”… Qua đó, hội viên đã được giao lưu, gặp gỡ cùng ôn lại những năm tháng hào hùng cũng như thăm hỏi, động viên nhau cố gắng vươn lên trong cuộc sống.

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.