Multimedia Đọc Báo in

Sự kiện trọng đại sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945

07:41, 10/01/2016
Qua cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên, ngày 6-1-1946, 333 đại biểu đã được cử tri cả nước lựa chọn vào cơ quan quyền lực cao nhất của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Quốc hội đã hội tụ các đại biểu của ba miền Trung - Nam - Bắc, là ý chí của nhân dân cả nước. Quốc hội đã có đại diện của tất cả các thế hệ những người Việt Nam yêu nước đương thời, từ những nhà cách mạng lão thành nổi tiếng như Hồ Chí Minh, Tôn Đức Thắng… cho đến những đại biểu trẻ tuổi đang tràn đầy nhiệt huyết như Nguyễn Đình Thi vừa tròn 22 tuổi. Quốc hội còn bao gồm những nhà tư sản, công thương gia như Nguyễn Sơn Hà, Trịnh Văn Bô…; những nhân sĩ trí thức và các nhà hoạt động văn hóa như Nguyễn Văn Tố, Hoàng Đạo Thúy, Đặng Thai Mai, Thái Văn Lung, Huỳnh Tấn Phát…; những nhà tu hành như Linh mục Phạm Bá Trực, Thượng tọa Thích Mật Thể, Chưởng quản Cao Đài Cao Triều Phát…; kể cả sự có mặt của Vĩnh Thụy, tức cựu hoàng Bảo Đại vừa mới tuyên bố thoái vị trước đó 4 tháng và những người vốn là quan lại cao cấp của chế độ cũ như Thượng thư Bùi Bằng Đoàn…

Ngày 2-3-1946, tại Nhà hát lớn Hà Nội, Quốc hội khóa I khai mạc kỳ họp thứ nhất.

Đúng 9 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh và các thành viên Chính phủ Liên hiệp lâm thời đến dự. Cụ Ngổ Tử Hạ, nhân sĩ Công giáo, đại biểu Quốc hội cao  tuổi nhất và hai đại biểu ít tuổi nhất là ông Đào Thiện Thi và Nguyễn Đình Thi ra mời các đại biểu vào hội trường. Ban âm nhạc Vệ Quốc Đoàn cử bài Quốc ca và Hồn tử sĩ.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Diễn văn khai mạc trước máy truyền thanh, đã khẳng định thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử ngày 6-1-1946 “là cái kết quả của sự hy sinh, tranh đấu của tổ tiên ta, nó là kết quả của sự đoàn kết anh dũng phấn đấu của toàn thể đồng bào Việt Nam ta, sự đoàn kết của toàn thể đồng bào không kể già trẻ, lớn bé, gồm tất cả các tôn giáo, tất cả các dân tộc trên bờ cõi Việt Nam đoàn kết chặt chẽ thành một khối hy sinh không sợ nguy hiểm tranh lấy nền độc lập cho Tổ quốc” (1).

Để tập trung mũi nhọn vào kẻ thù chính là thực dân Pháp, và hạn chế những hành động phá hoại của bọn phản động tay sai của quân đội Tưởng Giới Thạch, theo sách lược đã thỏa thuận trước Tổng tuyển cử, trong kỳ họp này Bác Hồ đã đề nghị Quốc hội mở rộng thêm thành phần của Quốc hội khóa I. Người đề nghị Quốc hội cho phép 70 đại biểu của các đảng phái tay sai của Quốc dân đảng Tưởng Giới Thạch gồm 20 người của Việt Nam Cách mạng Đồng minh Hội và 50 người của Việt Nam Quốc dân đảng tham gia Quốc hội không qua bầu cử. Quốc hội nhất trí thông qua đề nghị này. (Nhưng sau đó không lâu, khi quân đội Tưởng Giới Thạch rút về nước, bọn phản động tay sai đã bám theo quân Tưởng chạy sang Trung Quốc).

Thay mặt Chính phủ Liên hiệp lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh báo cáo trước Quốc hội những công việc chính đã làm sáu tháng qua.

Tiếp đến, Cụ Ngô Tử Hạ nói: “Thay mặt Quốc hội, tôi xin nói lời từ chức của Chính phủ lâm thời và tôi đề nghị Quốc hội cử ngay một Chính phủ Liên hiệp kháng chiến thay vào”.

Với giọng trang nghiêm, Bác Hồ nói: “Thưa Quốc hội, trước khi nói về việc tổ chức Chính phủ kháng chiến, tôi xin nói để Quốc hội biết rằng có một số đại biểu Nam Bộ và một phần Nam Trung Bộ đã đi ra, nhưng chưa tới được, một số vị khác vì công việc kháng chiến mà không ra họp được…”. Sau đó, Bác Hồ đọc tên từng thành viên được giới thiệu tham gia Chính phủ. Người chỉ đọc “trích ngang”: “Bộ Ngoại giao: Ông Tường Tam (Việt Quốc), hoặc với Nguyễn Hải Thần (Việt Cách), Người chỉ đọc: Phó Chủ tịch”. Nhưng với cụ Huỳnh Thúc Kháng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Người nói: “Một người đạo đức danh vọng mà toàn thể quốc dân ai cũng biết”. Với ông Lê Văn Hiến, Bộ trưởng Bộ Tài chánh, Người giới thiệu: “Một nhà cách mạng lẫm liệt nhiều năm”. Với bác sĩ Trương Đình Tri, Bộ trưởng Bộ Xã hội, Người giới thiệu là “một nhà chuyên môn có tiếng”. Với ông Vũ Đình  Hòe, Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Người nói:”Là một người trí thức và đã hoạt động rất nhiều trong công cuộc cách mạng”. (2)

Chủ tịch Hồ Chí Minh còn đề nghị với Quốc hội, trong 10 bộ của Chính phủ thì hai bộ để dành cho đại biểu Nam Bộ. Quốc hội đã tán thành.

Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa I cũng đã thông qua Tuyên ngôn của Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và điện tín gửi đi khắp các nước trên thế giới. Trong Tuyên ngôn có đoạn: “Vận mệnh quốc gia Việt Nam là ở trong tay Quốc hội Việt Nam, chính thể của nước Việt Nam là chính thể Dân chủ Cộng hòa, có nhiệm vụ bảo vệ tự do và mưu đồ hạnh phúc cho mọi tầng lớp nhân dân. Các dân tộc trên lãnh thổ Việt Nam đều quyền hạn và nghĩa vụ ngang nhau…”.

Quốc hội khóa I (1946 - 1960) là Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam độc lập, một mốc son chói lọi đánh dấu bước phát triển nhảy vọt đầu tiên về thể chế dân chủ của nước ta. Quốc hội ra đời trong khói lửa của cuộc đấu tranh quyết liệt, vừa là thành quả, vừa là yêu cầu bức thiết của cách mạng. Quốc hội khóa I đã góp phần quan trọng vào cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp, kết thúc thắng lợi bằng một Điện Biên Phủ chấn động địa cầu, bước đầu đưa miền Bắc đi lên chủ nghĩa xã hội, tiếp tục đấu tranh giải phóng miền Nam, tiến tới thống nhất đất nước.

 Kỳ họp Quốc hội khóa I rõ ràng là một sự kiện trọng đại của đất nước sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

(1) Hồ Chí Minh Toàn tập - NXB CTQG -

H - 1995 - T 4 - tr 189.

(2) Báo Nhân Dân hằng tháng, số 61 -

tháng 5-2002.

Nguyễn Xuyến


Ý kiến bạn đọc