Không thể nào quên một thời lửa đạn
11:05, 30/04/2016
Chiến tranh đã lùi xa hơn 40 năm, những thương tích của thời lửa đạn đang được những người đang sống hôm nay chung tay hàn gắn để phần nào làm dịu bớt nỗi đau, sự hy sinh mất mát của thế hệ cha anh…
Về huyện Krông Bông, hỏi thăm gia đình Mẹ Việt Nam Anh hùng Bùi Thị Công ở thôn 8, xã Hòa Sơn thì hầu như người nào cũng biết. Dẫu mẹ Công đã mất từ lâu nhưng với người dân địa phương thì đây là gia đình người có công tiêu biểu khi có tới 3 liệt sỹ và Mẹ Việt Nam Anh hùng. Năm nay, ông Lê Văn Giáo (con trai trưởng của mẹ Bùi Thị Công) đã bước sang tuổi 82, trí nhớ đã phần nào giảm sút nhưng những hồi tưởng về gia đình mình thì ông vẫn còn nhớ như in. Ông kể, ba người em của ông là Lê Văn Huấn, Lê Thị Vĩnh, Lê Ngọc Anh đã lần lượt hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ. Theo lời ông Giáo, quê ông (tỉnh Quảng Nam) hồi ấy chiến tranh diễn ra rất khốc liệt. Cả gia đình ông đều tham gia cách mạng, từ nuôi giấu cán bộ đến trực tiếp cầm súng chiến đấu. Chính vì vậy nên gia đình ông bị địch đưa vào diện theo dõi đặc biệt. Không biết bao lần, người thân trong gia đình ông phải cắn răng chịu đựng những trận đòn tra tấn tàn độc của giặc. Nhưng đau đớn nhất là khi được tin những người thân của mình lần lượt ngã xuống. Ông Giáo nghẹn ngào khi hồi tưởng lại những mất mát đau thương dồn trút xuống gia đình mình: “Năm 1967, mọi người trong gia đình tôi như đứt từng khúc ruột khi nhận được tin báo tử của 2 người thân, trong đó có cô em gái Lê Thị Vĩnh ngã xuống khi đang giữa tuổi thanh xuân, chuẩn bị tổ chức đám cưới. Đến năm 1972, đến lượt người em Lê Ngọc Anh hy sinh dưới bom đạn của địch. Nỗi đau ấy vẫn còn đeo đẳng đến nay khi gia đình vẫn chưa tìm được phần mộ của cô Vĩnh”.
Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị thăm hỏi sức khỏe mẹ H'Nă Rơ Ông dịp Tết Bính Thân. |
Chia tay gia đình ông Giáo, chúng tôi tìm tới nhà bà Nguyễn Thị Luyện (SN 1956) ở thôn 1, xã Hòa Sơn, huyện Krông Bông, có mẹ là Huỳnh Thị Muỗng và chị gái Nguyễn Thị Én là liệt sỹ. Cẩn thận vuốt những tấm bằng Tổ quốc ghi công, bà Luyện xúc động: “Trước giải phóng, gia đình tôi ở Quảng Nam, nhà chỉ có 2 chị em gái. Khi chị Én đến tuổi trưởng thành đã cùng với cha mẹ tham gia cách mạng với vai trò là cán bộ ở địa phương. Năm 1970, chị Én hy sinh trong một lần làm nhiệm vụ. Nỗi đau mất chị chưa nguôi thì một thời gian sau, mẹ tôi cũng đã ngã xuống trong một trận càn của địch. Nỗi đau mất mát người thân khi ấy là quá lớn để một đứa trẻ mới 14 tuổi như tôi có thể cảm nhận hết được. Giờ đây, mỗi khi nhớ lại những ký ức của ngày trước, tôi không thể nào cầm được nước mắt”. Chia sẻ với chúng tôi, bà Luyện cho hay, nhờ sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp, các ngành nên cuộc sống cũng đã giảm bớt khó khăn. Bà mong những cống hiến của gia đình mình cũng như hàng triệu gia đình khác trên cả nước tiếp tục được thế hệ sau trân trọng, phát huy.
Chúng tôi đến buôn Pai A, xã Đắk Phơi, huyện Lắk để thăm hỏi sức khỏe của Mẹ Việt Nam Anh hùng H’Nă Rơ Ông có chồng và con trai là liệt sỹ. Năm nay, mẹ H’Nă đã bước sang tuổi 91, tóc mẹ đã bạc trắng, đôi mắt đã mờ, sức khỏe cũng yếu đi nhiều, nhưng ký ức về chồng và người con trai thì bà không thể nào quên. Mẹ nhớ lại, năm 1963, chồng mẹ là Y Dông Lông Dưng hy sinh khi đang làm dân công tiếp tế gạo, bắp… cho bộ đội. Đến năm 1976, mẹ lại nhận được tin báo tử của con trai Y Nganh Rơ Ông hy sinh ở chiến trường Tây Nam. Chị H’Săn Rơ Ông, con gái út mẹ H’Nă tâm sự: “Dù không được đi học, không biết chữ nhưng mẹ tôi hiểu rằng để giành được độc lập, tự do thì phải chấp nhận mất mát nên thường dạy dỗ chúng tôi phải cố gắng sống thật tốt, xứng đáng với sự hy sinh của cha anh mình”. Chị H’Săn cũng cho biết, sức khỏe mẹ đã yếu nên chị phải ở nhà chăm sóc, phụng dưỡng mẹ. Do không còn thời gian đi làm nương rẫy nên cuộc sống gia đình vẫn còn khá khó khăn. “Nhưng niềm mong mỏi lớn nhất của gia đình tôi lúc này là tìm được phần mộ của anh Y Nganh để đưa anh về an nghỉ nơi quê cha đất mẹ”- chị H’Săn xúc động bày tỏ.
Qua câu chuyện về gia đình ông Giáo, bà Luyện hay mẹ H’Nă, chúng tôi - những người được sinh ra và sống trong thời bình hiểu rằng, không gì có thể đền đáp được công lao to lớn của các thế hệ cha anh đi trước đã ngã xuống, hiến dâng đời mình cho độc lập, tự do của dân tộc. Sự hy sinh đó là tài sản tinh thần vô giá, trường tồn cùng lịch sử dân tộc, mãi mãi được Tổ quốc ghi nhớ, tri ân.
Duy Tiến
Ý kiến bạn đọc