Multimedia Đọc Báo in

Nhớ tư lệnh chiến dịch Tây Nguyên

11:02, 30/04/2016
Tôi có cơ duyên được gặp gỡ và trò chuyện nhiều lần với Thượng tướng, Giáo sư-Nhà giáo Nhân dân Hoàng Minh Thảo (1921-2008)-nguyên Tư lệnh Chiến dịch Tây Nguyên (1967-1975). Ông là giáo sư uyên bác, là người trực tiếp đề xuất ý kiến và chỉ huy đánh thắng trận Buôn Ma Thuột, mở màn cho Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng. Những ngày tháng Tư lịch sử này, trong ký ức của tôi lại hiện hữu vóc dáng cao lớn, đĩnh đạc, tự tin và đặc biệt là ánh mắt của ông luôn ánh lên sự uyên bác vô cùng! 
 
Trung tuần tháng 9-1991, tôi nhận lời mời đến hồ Than Thở (hồ Sương Mai) chụp hình cho một nhóm bạn là học viên Học viện Lục quân Đà Lạt, ở phường 9, thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng). Chụp hình xong cho các bạn, tôi đi lên đồi thông dạo chơi thì bỗng nhiên có một anh bộ đội đeo quân hàm trung tá đi tới nhờ tôi chụp hình cho cả đoàn cán bộ, chiến sĩ quân đội. Đưa mắt quan sát, tôi nhận ra người đứng giữa là Thượng tướng, Giáo sư Hoàng Minh Thảo. Tôi vui vẻ nói: "Chú Thảo và mọi người đứng thẳng lên, nhìn vào ống kính để cháu chụp hình ạ!". Xong việc chụp hình, tôi lân la đến gần, đặt vấn đề xin được phỏng vấn Thượng tướng, Giáo sư Hoàng Minh Thảo nhưng ông bắt tay tôi, rồi tươi cười: "Chú đang bận việc phải đi cùng với anh em. Chú hẹn cháu để dịp khác nhé". Tuy không được phỏng vấn, nhưng tôi rất mừng vì đã được tận thấy, được trò chuyện và được bắt tay Thượng tướng, Giáo sư Hoàng Minh Thảo - người mà tôi luôn kính trọng, khâm phục bởi đức độ và trí dũng song toàn của ông.
Cuối tháng 11-1999, tôi ra Hà Nội thăm Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam. Tại đây, tôi đã được nghe chị thuyết minh nói về những trận chiến oanh liệt, đòn điểm huyệt Buôn Ma Thuột, đại thắng mùa Xuân năm 1975. Trong vô số hiện vật lưu giữ tại tủ kính, tôi đặc biệt chú ý đến chiếc túi vải đựng cơm vắt và khẩu súng AK của Anh hùng Lực lượng vũ trang Bùi Ngọc Đủ - hiện ông đang sinh sống ở thị trấn Kon Dơng, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai. Như đoán biết được ý nghĩ của tôi, Đại tá-Tiến sĩ Nguyễn Thị Hằng, Trưởng phòng Nghiệp vụ, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam vui vẻ: "Tháng 2 năm 1967, chiếc túi vải và khẩu súng AK này đã giúp anh Đủ chỉ huy tiểu đội chống lại 15 đợt tấn công của hơn 200 lính thủy đánh bộ, tiêu diệt hơn 40 tên Mỹ tại cứ điểm Tà Cơn, tỉnh Quảng Trị. Nếu nhà báo muốn chụp ảnh thì để anh em đưa tủ kính ra ngoài cho đủ ánh sáng để chụp cho nét". Không giấu được niềm vui, tôi mừng cảm ơn các anh chị. Mừng hơn nữa là khi chụp hình xong, tôi may mắn gặp lại Thượng tướng, Giáo sư Hoàng Minh Thảo. Tại đây, ông đã kể cho chúng tôi nghe về những năm tháng sống, nghiên cứu và chiến đấu tại chiến trường Tây Nguyên. Tháng 11 năm 1966, với quân hàm Trung tướng, ông được Đại tướng - Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp cử vào Tây Nguyên đảm nhận chức Phó Tư lệnh, rồi sau đó là Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên. Sau khi nghiên cứu tìm ra điểm yếu nhất và chỗ hiểm yếu của địch, năm 1973 khi ra Hà Nội họp Bộ Tổng tư lệnh, ông đã đề xuất ý kiến đánh nghi binh ở Pleiku, đồng thời bí mật tiến sâu vào đánh Buôn Ma Thuột, rồi chia quân tấn công ra các hướng giải phóng những vùng lân cận, giải phóng Sài Gòn, chấm dứt chiến tranh Việt Nam. Ý kiến này được Bộ Tổng tư lệnh, Bộ Chính trị nhất trí cao và chính ông là người trực tiếp chỉ huy các cánh quân tiến đánh Buôn Ma Thuột, mở màn cho Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Thượng tướng, Giáo sư Hoàng Minh Thảo và tác giả (bên phải).
Thượng tướng, Giáo sư Hoàng Minh Thảo và tác giả (bên phải).
 
Theo lời hẹn trước qua điện thoại, sáng ngày 16-9-2005, tôi đến nhà riêng của Thượng tướng, Giáo sư Hoàng Minh Thảo ở số 5, đường Hoàng Quốc Việt, phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội để chúc mừng ông thọ 85 tuổi và nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về cụm công trình nghệ thuật quân sự Việt Nam. Ông bà (vợ ông là bà Vũ Thị Minh Nguyệt) tiếp tôi trong phòng đọc sách của gia đình. Tôi kính biếu ông bà một số tờ báo, trong đó có đăng những bài do tôi viết về gia đình ông bà, về những trận đánh lẫy lừng do ông trực tiếp chỉ huy. Ông phấn khởi cầm các tờ báo, xem qua các bài báo, rồi nói: "Ông thay mặt gia đình cảm ơn cháu và các anh em làm báo". Nói xong, ông quay người lại nói với bà: "Bà đi vào tủ sách ở trong nhà, soạn vài cuốn sách của tôi tặng cho cháu đây". Một lúc sau, bà đi ra, trao tặng cho tôi 5 cuốn sách: "Học tập khoa học quân sự Xô Viết" (1958), "Tổ tiên ta đánh giặc" (1969), "Thất bại của một sức mạnh phi nghĩa" (1975), "Chiến dịch Tây Nguyên" (1977) và "Về cách dùng binh" (1997). Ông ôn tồn: "Ông tặng cho cháu vài cuốn sách trong 8 cuốn sách thuộc cụm công trình nghệ thuật quân sự Việt Nam do Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân phát hành từ năm 1958 đến năm 2001". Không giấu được niềm hạnh phúc, tôi rối rít cảm ơn ông bà.
 
Mới đó mà ông đã về với tổ tiên gần 8 năm! Nhớ lại sáng sớm ngày 9-9-2008, tôi đang ngồi làm việc với Thượng tá Lê Hoài Nam-Trưởng Công an huyện Kông Chro (Gia Lai) thì bạn tôi gọi điện báo tin ông đã ra đi vào cõi vĩnh hằng. Nghe được câu chuyện của tôi trao đổi qua điện thoại, Thượng tá Nam lặng người hồi lâu, rồi chậm rãi: "Thượng tướng, Giáo sư Hoàng Minh Thảo không còn nữa, nhưng đức độ và tài thao lược quân sự của ông vẫn còn sống mãi trong lòng mọi người!”.
 
 Hoàng Cư

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.