Đại tướng Nguyễn Chí Thanh gắn bó với nghề báo
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh không chỉ là nhà chính trị tài năng, vị tướng mưu lược thiên tài mà còn là một nhà báo với nhiều bút danh như: Phan Chinh, Bích, Triều Dương, Hà, Sáu, Ý, Thao,Trường Sơn, Hạ sĩ Trường Sơn… được độc giả yêu mến và ngưỡng mộ.
Bài báo đầu tiên của ông được đăng trên một tờ báo chép tay do ông và một số thanh niên trong làng tổ chức thực hiện nhằm lên án bọn cường hào và các tiêu cực xã hội…
Năm 1938, khi là Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên, ông thường xuyên lui tới với tòa soạn báo Dân và trở thành một trong những cộng tác viên tích cực của báo này.
Những ngày đầu kháng chiến chống Pháp, ông đã sáng lập báo “Giết giặc”, động viên mọi tầng lớp nhân dân đứng lên chống ngoại xâm, giành độc lập cho dân tộc. Ông quan tâm khuyến khích cán bộ, chiến sĩ …viết bài cho báo và bản thân luôn gương mẫu thực hiện. Ông tự mình viết bài, rồi giao cho cán bộ biên tập và tôn trọng quyền sửa chữa của họ. Có lần, ông nói: “Thấy anh Tô (Phạm Văn Đồng) và anh Văn (Võ Nguyên Giáp) đang ngồi hí húi viết báo, mình thú vị quá. Bụng nghĩ: không rõ các nhà đại trí thức viết lách có vất vả như mình không?”
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh. Nguồn: Vietnamnet |
Trong năm 1948, Nguyễn Chí Thanh có ba bài báo đăng trên tạp chí “Sinh hoạt nội bộ”, cơ quan của Trung ương Đảng ta đó là: “Đi kiểm soát một chi bộ”, ký tên Phan Chinh, đăng trên số 6, tháng 1-1948; “Những nguyên nhân phát sinh bệnh cô độc của một số đồng chí Trung bộ”, ký tên Bích, đăng trên số 7, tháng 4-1948; “Vài kinh nghiệm ở Bình Trị Thiên”, ký tên Triều Dương, đăng trên số 11, tháng 11-1948.
Theo Nguyễn Chí Thanh, viết văn lý luận khó về nội dung đã đành, nhưng về hình thức cũng khó là làm sao cho có hình tượng, đừng quá khô khan, để người đọc đỡ chán. Mới xem qua mấy dòng người ta đã chán thì bao nhiêu công phu của mình trở thành công cốc. Nói chuyện càng khó hơn, nhất là nói với cán bộ. Trình độ anh em dần được nâng cao, thời đại này không phải là lúc nói bóng bẩy, văn hoa hoặc hô hào kêu gọi chung chung. Cái chính phải đạt là giúp cho người nghe thu hoạch được thêm chút gì. Viết bài phê bình, ý kiến càng phải chính xác đã đành, còn phải nói sao cho thuyết phục được độc giả không phải dễ.
Những ngày ở chiến trường miền Nam, Nguyễn Chí Thanh viết bài về chiến thắng Ba Gia được Đài Phát thanh Giải phóng phát ngày 6-6-1965, trong đó, ông nêu bật những kinh nghiệm quý của trận đánh đó để các đơn vị vũ trang giải phóng học tập. Bài “Ba Gia gọi Đồng Xoài” ông viết ngay hôm sau đó phân tích sâu sắc về hai chiến thắng vang dội này, đã được Đài Phát thanh Giải phóng phát đi, phát lại nhiều lần, gây được sự chú ý đặc biệt của dư luận trong nước và nước ngoài. Tiếp sau đó, Nguyễn Chí Thanh còn viết tiếp bài “Mỹ giàu nhưng không mạnh”.
Viết bình luận rất khó. Những bài bình luận của ông đều sắc bén, vững chắc, đầy tính thuyết phục. Về bình luận quân sự, ông nói: “Viết bình luận quân sự khó. Phân tích sao cho hay, đập cho trúng, để địch sợ, mà không lộ bí mật của ta và cũng không được lạc quan tếu”.
Ngày 29-5-1966, ông có bài “Lửa chiến tranh nhân dân đã đốt cháy mùa khô của địch” đăng trên bản tin Thông tấn xã Giải phóng là một bài báo có chất lượng cao.
Sinh thời, Nguyễn Chí Thanh nổi tiếng là người kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân. Ông đã viết nhiều bài báo về đề tài này. Bài “Phát huy chủ nghĩa tập thể, tiếp tục chống chủ nghĩa cá nhân” của ông gồm các nội dung: Cuộc đấu tranh đang diễn ra hằng ngày hằng giờ; chủ nghĩa cá nhân đã hết thời; ranh giới giữa chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa tập thể; cần có dũng khí chống chủ nghĩa cá nhân; trước hết là vấn đề tu dưỡng lập trường; tiến lên, chiếm lĩnh đỉnh cao huy hoàng và tráng lệ. Bằng lập luận sắc sảo, có hình ảnh, pha chút châm biếm, ông đã điểm đúng huyệt của chủ nghĩa cá nhân: “Chủ nghĩa cá nhân tuy rất nguy hiểm và ngoan cố, nhưng nó kỵ chủ nghĩa tập thể như lửa kỵ nước. Chỉ cần một đồng chí chúng ta có dũng khí đứng lên phất cao ngọn cờ chủ nghĩa tập thể, nói nhiều về chủ nghĩa tập thể, nghĩ nhiều đến chủ nghĩa tập thể, gây mọi phong trào làm việc nhiều cho tập thể… nhất định chúng ta sẽ thắng lợi!”. Học tập phong cách làm báo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nguyễn Chí Thanh trình bày những vấn đề lý luận bằng những lời lẽ thông thường. Văn của ông xen lẫn nhiều thành ngữ dân gian. Khi nói về chi phí sản xuất cao của một hợp tác xã, ông viết: “Một con gà bằng ba tiền thóc”. Phê bình việc không xác định phương hướng trước khi xây dựng kế hoạch, ông ví “đặt cái cày trước con trâu”… Sau cải cách ruộng đất, nguy cơ phân hóa giai cấp, bần nông có thể đánh mất thành quả cách mạng và sẽ trở lại: “con sãi chùa lại quét lá đa”…
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhiệm vụ của báo chí là phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng…Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ… Đại tướng Nguyễn Chí Thanh trong cuộc đời gần ba mươi năm làm báo của mình đã nghiêm túc phấn đấu học tập và làm theo lời dạy của Người.
Nguyễn Xuyến
Ý kiến bạn đọc