Multimedia Đọc Báo in

Nhà báo Hoàng Tích Chu - Người đầu tiên cách tân báo chí Việt Nam

10:52, 28/06/2016

Hoàng Tích Chu sinh năm 1897 tại làng Phù Lưu, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, trong một gia đình quan lại, thân phụ là cụ Hoàng Tích Phụng, có thời làm tri phủ và  tham gia Đông kinh nghĩa thục. Thuở nhỏ, Hoàng Tích Chu học chữ Hán và đã từng lều chõng đi thi, nhưng không đỗ đạt gì, ông chuyển sang học tiếng Pháp.

Năm 1921, Hoàng Tích Chu được nhận vào làm việc ở tòa soạn báo Nam Phong, một tạp chí thành lập năm 1917 và có uy tín lớn lúc bấy giờ.

Ngày 15-7-1921, báo Khai Hóa ra đời, do nhà tư sản dân tộc Bạch Thái Bưởi sáng lập. Hoàng Tích Chu được Bạch Thái Bưởi chọn, mời về làm chủ bút. Dưới bút danh Kế Thương (ý nói nhà Chu kế nhà Thương trong lịch sử Trung Hoa), những bài viết của ông đăng trên tờ báo này đã gây chú ý cho báo giới và người đọc, trong đó ông đã chỉ trích gay gắt những hủ tục lạc hậu và châm biếm sâu cay những kẻ ôm chân thực dân Pháp.

Năm 1922, vì một lý do riêng xảy ra trong tòa soạn, Hoàng Tích Chu từ biệt báo Khai Hóa và nung nấu ý định sang Pháp học nghề báo. Năm 1923, ông vào Nam Kỳ, xin chân phụ bếp trên con tàu biển, qua Hồng Kông, Thượng Hải, rồi sang Pháp và gặp Đỗ Văn ở đây. Trong thời gian học tại Pháp, ông và Đỗ Văn được nhận tiền trợ cấp hằng tháng của Lê Hữu Phúc, giáo sư Trường Albert Sarraut, gửi sang. Lê Hữu Phúc muốn Hoàng Tích Chu học nghề báo và Đỗ Văn học nghề in, sau đó ông sẽ sang Pháp học văn chương và triết học để khi trở về nước, bộ ba này sẽ cho ra mắt một tờ báo cùng với các chức danh: Hoàng Tích Chu làm quản lý, Lê Hữu Phúc làm chủ bút và Đỗ Văn lo việc in ấn và phát hành. Nhưng thật không may, sau khi học xong, chưa kịp về nước, Lê Hữu Phúc đã mất tại Pháp.

Năm 1927, Hoàng Tích Chu cùng Đỗ Văn về nước. Trước khi về nước, ông đã kịp hoàn thành bản thảo chuyên luận “Câu chuyện nhựt trình trong hồi cách mạng nước Pháp”. Tác phẩm này được xuất bản tại Sài Gòn do Nhà in Xưa Nay phát hành vào cuối năm 1927. Đầu tập sách in trang trọng lời đề từ: “Nếu đã thật gọi là lấy thân hiến nước thì dù bằng ngòi bút hay cây gươm, đôi đàng đều có thế lực ngang nhau”.

Ngày 1-6-1927, Hà Thành ngọ báo của Bùi Xuân Học ra đời. Hoàng Tích Chu được mời làm biên tập và Đỗ Văn lo việc in ấn, phát hành. Lúc bấy giờ, cả nước đã có 148 tờ báo, tạp chí, trong đó báo, tạp chí Việt văn chiếm 25%. Trên các báo, những bài viết  đều rất rườm rà, nhiều chữ nho, điển tích khó hiểu và thường giảng giải luân lý, triết học, học thuật dài dòng, rối rắm nhưng ít lượng thông tin. Hoàng Tích Chu đã thực hiện cách tân tờ báo toàn diện cả về nội dung lẫn hình thức. Ông sử dụng lối văn mới, dễ hiểu, giàu lượng thông tin… đã mang lại một luồng gió mới đầy sinh khí, làm cho văn phong báo chí lúc đó thật giàu sức sống. Khác với những bài xã luận của các báo thường dài dòng, Hoàng Tích Chu viết xã luận ngắn  gọn, sắc sảo, hàm súc như khẩu hiệu. Tin tức được in ở trang nhất (trước kia thường ở trang 2 - 3). Tin quan trọng có tính thời sự nóng hổi được in nổi bật.

Ban đầu, độc giả phê phán Hoàng Tích Chu lập dị, văn lai Tây, câu cụt, thô. Báo ít người đọc. Số lượng phát hành giảm sút thê thảm. Ông chủ báo đành phải mời hai nhà cách tân nghỉ việc.

Hoàng Tích Chu cùng với Phùng Tất Đắc, Phùng Bảo Thạch, Tạ Đình Bình cho xuất bản tờ  Đông Tây nổi tiếng một thời, số 1 ra ngày 15-11-1929, quy tụ nhiều cây bút có tư tưởng cách tân như Phan Khôi, Phùng Tất Đắc, Tô Ngọc Vân, Vi Huyền Đắc, Hoàng Ngọc Phách… Hoàng Tích Chu lấy bút danh Văn Tôi, để khẳng định cách thức viết báo mới, ý thức trách nhiệm nghề nghiệp, đồng thời thử thách một lối hành văn mới trong sáng, súc tích… Báo Đông Tây đã được độc giả và báo giới đón nhận nhiệt thành và trở thành tờ báo bán chạy nhất Bắc Kỳ lúc đó… Các báo Công dân, Nhân loại… xuất bản cùng thời đã chịu ảnh hưởng rõ nhất văn phong Hoàng Tích Chu.

Hoàng Tích Chu cho rằng, nghề làm báo cũng như nhiều nghề khác phải chịu sức ép của luật cạnh tranh nhưng đó là sự cạnh tranh lành mạnh, bằng chính chất lượng nội dung và hình thức của tờ báo… Ông kêu gọi đồng nghiệp: “Muốn tăng trình độ cho người đọc báo, ta nên tăng trình độ cho ta trước”. Lời khuyên đó cho đến hôm nay vẫn còn rất nhiều ý nghĩa đối với người làm báo.

Trong lúc Hoàng Tích Chu đang thực hiện hoài bão cách tân báo chí thì tờ Đông Tây bị thu hồi giấy phép xuất bản. Cũng vào lúc này, Tờ Thời báo được tục bản và mời Hoàng Tích Chu về làm chủ bút. Toàn bộ các mục ở báo Đông Tây được chuyển sang Thời báo. Có người lúc đó gọi Thời báo là Đông Tây đội lốt. Thời báo tiếp tục giành được uy tín trong độc giả cả nước thì bị chính quyền thực dân Pháp thu hồi giấy phép khi số 20 vừa ra mắt độc giả.

Sau khi Thời báo bị đóng cửa, năm 1933, vào đúng đêm 30 Tết Quý Dậu, Hoàng Tích Chu qua đời sau một thời gian bị bệnh, hưởng dương 36 tuổi.

Có thể nói, những cách tân của Hoàng Tích Chu đã tạo nên những thay đổi quan trọng của báo chí Việt Nam. Như trên một tờ báo đã viết: “Dẫu có thể còn có những cách nhìn khác  nhau về Hoàng Tích Chu, nhưng khi  nhắc  đến ông và các tờ báo mà ông đã thực hiện, đặc biệt là tờ Đông Tây, người ta không thể không thừa nhận những tác động tích cực của “hiện tượng Hoàng Tích Chu và Đông Tây” đến đời sống báo chí Việt Nam đương thời và mấy thập niên về sau. Ông xứng đáng với danh hiệu “người đầu tiên cách tân báo chí Việt Nam”.

Chính Luận  


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tự hào trang sử anh hùng
Cách đây 49 năm, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 của quân và dân ta, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, mở ra kỷ nguyên độc lập dân tộc, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.