Multimedia Đọc Báo in

Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh với "Những việc cần làm ngay"

18:59, 02/07/2016

Đại hội VI của Đảng mở đầu công cuộc đổi mới, đánh dấu một bước ngoặt lịch sử của Cách mạng Việt Nam. Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã có những đóng góp tích cực và hiệu quả vào việc thiết kế đường lối, chính sách đổi mới của Đảng và Nhà nước. 

Đồng chí Nguyễn Văn Linh đã sớm chỉ ra căn bệnh hình thức trong đấu tranh phê bình, tự phê bình: "Tính đảng, tính nguyên tắc, tình thương yêu đồng chí đã bị thay thế bằng tính nể nang, thiếu thẳng thắn đấu tranh bảo vệ chân lý, bảo vệ việc đúng, người tốt"(1). Trong nhiệm kỳ của mình, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh không chỉ đôn đốc việc tự phê bình và phê bình từ dưới lên mà cả từ trên xuống. Đồng chí đã tổ chức việc kiểm điểm cá nhân, từ Tổng Bí thư đến các Uỷ viên Bộ Chính trị, không chỉ trong công tác lãnh đạo mà cả trong ý thức tổ chức kỷ luật, trong đạo đức lối sống.

Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh nói chuyện với các nhà báo nhân kỷ niệm lần thứ 65  Ngày báo chí cách mạng Việt Nam năm 1990. (Ảnh tư liệu)
Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh nói chuyện với các nhà báo nhân kỷ niệm lần thứ 65 Ngày báo chí cách mạng Việt Nam năm 1990. (Ảnh tư liệu)

Đồng chí Nguyễn Văn Linh đã sớm nhận thấy bệnh quan liêu, tham nhũng có nguy cơ trở thành quốc nạn nên đã kịp thời đề xuất "Những việc cần làm ngay" đăng trên Báo Nhân Dân. Bằng lối viết ngắn gọn, súc tích nhưng đầy tính chiến đấu, những bài báo ký tên N.V.L đã "tạo ra luồng sinh khí mới trong xã hội: dân chủ, công khai, nói thẳng, nói thật, lời nói đi đôi với việc làm, góp phần đấu tranh chống tiêu cực, làm trong sạch bộ máy các cơ quan Đảng, Nhà nước". Chữ N.V.L sau này được tác giả giải thích là “Nói và Làm”, đã nói thì phải làm, nói thế nào phải làm đúng như đã nói, nên nói ít nhưng làm nhiều, chứ không được nói mà không làm, hoặc nói nhiều nhưng làm ít.            

Ngày 24-5-1987, đồng chí Nguyễn Văn Linh trực tiếp đến tòa soạn Báo Nhân Dân đưa bản thảo viết tay bài báo với đầu đề "Những việc cần làm ngay". Và ngay ngày hôm sau (25-5-1987), bài báo được đăng trên trang nhất Báo Nhân Dân với cái tựa: "Những việc cần làm ngay" dưới bút danh N.V.L. Nội dung bài báo đề cập đến vấn đề giữ lại trật tự về giá. Lúc bấy giờ, cả nước đang thực hiện Nghị quyết Trung ương 2 (khóa VI) về giữ trật tự về giá, nhưng thực tế đã không giữ được... Kỷ luật về giá của Đảng và Nhà nước đã bị vi phạm, hiện tượng tham nhũng phát sinh qua đầu cơ. Trong bài báo, tác giả N.V.L viết: "Các cơ quan báo chí phải lên án, chỉ đích danh cá nhân, cơ quan, tổ chức nào làm trái Nghị quyết Trung ương 2. Quần chúng phải có phong trào lên án ngay cả một số cán bộ, cơ quan làm bậy".

Tác giả N.V.L liên tiếp viết một loạt bài báo trên chuyên mục "Những việc cần làm ngay" về chống tham nhũng, hách dịch, cửa quyền, buôn lậu, lãng phí... Có người hỏi, tại sao tác giả những bài báo nói trên nêu toàn những việc làm tiêu cực như thế ? Đồng chí Nguyễn Văn Linh trả lời: "Cái tốt cần phát huy, nhưng cái xấu cũng phải phê phán. Trồng lúa phải bón phân, nhưng phải nhổ cỏ dại. Chỉ có bón phân, không nhổ và diệt cỏ dại, có khi cỏ dại phát triển mạnh hơn, lấn át cây lúa. Cuối cùng, năng suất lúa sẽ giảm sút. Việc bón phân của ta như thế thành vô bổ" (2). Có người viết thư cho đồng chí Nguyễn Văn Linh và nói rằng viết báo như thế làm cho nhân dân, cán bộ nản lòng, xã hội đen tối. Đồng chí Nguyễn Văn Linh đã phải thanh minh lại trên một bài báo rằng, việc của chúng ta là vừa phải biểu dương nhân tố mới, vừa phải phê phán những việc chưa tốt...

Đồng chí Nguyễn Văn Linh thường nhấn mạnh đến vai trò đầu tàu gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong quá trình thực hành tiết kiệm, chống xa hoa lãng phí, tham nhũng. Đồng chí nói: "Muốn tiết kiệm, chống xa hoa lãng phí thì cán bộ lãnh đạo phải gương mẫu làm trước. Xe lửa có đầu tàu. Tàu chuyển động chạy sẽ kéo các toa cùng chạy theo. Đầu tàu cứ kéo còi, xịt khói mà nằm im, làm sao các toa nhúc nhích được"(3). Về chống tham nhũng, quan liêu, cửa quyền, đồng chí Nguyễn Văn Linh viết: "Nhà dột từ nóc, không sửa lại mái nhà thì khi mưa, nước từ nóc đổ xuống, quét mãi cũng không hết được. Phải quét nước, nhưng đồng thời phải chống dột. Không chống dột ở nóc, mà cứ quét mãi, quét đến chừng nào mới xong" (4) và “Đảng và Nhà nước quyết tâm làm trong sạch và nâng cao tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ", "lãnh đạo các cấp cần nêu gương tốt, giữ mình trong sạch, không quan liêu, không bè phái để có uy tín và sự nghiêm minh trong công việc". Ngày 21-6-1987, kỷ niệm 62 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã có một bài báo giao nhiệm vụ cho giới báo chí tiếp tục sự nghiệp chống tiêu cực của mình: "... Các nhà báo phải có tấm lòng cương trực, yêu người làm đúng, làm tốt để ca ngợi. Ghét người làm xấu, làm sai, làm ác để lên án".

Một loạt bài "Những việc cần làm ngay" ký tên N.V.L đã tạo được hiệu quả xã hội to lớn bởi lẽ nó phù hợp với tư duy đổi mới lúc bấy giờ là nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, đánh giá đúng sự thật. Các cơ quan, đơn vị, cá nhân bị phê phán đã sửa chữa khuyết điểm. Một số cán bộ bị xử lý kỷ luật. Các ngành, tỉnh, thành phố có chỉ thị hưởng ứng tinh thần của N.V.L tức là nói và làm. Đồng chí Nguyễn Văn Linh qua các bài báo "Những việc cần làm ngay" là người đầu tiên nêu ra khái niệm: Báo chí không phải chỉ là diễn đàn của các cơ quan Đảng, Nhà nước, mà phải thực sự là diễn đàn của nhân dân". Đây là một tư duy rất mới lúc bấy giờ. 

                                 Nguyễn Xuyến

---------------------

(1) Nguyễn Văn Linh: "Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã và đang soi đường thắng lợi của cách mạng Việt Nam". Báo Nhân Dân, ngày 31-8-1994.

(2) (3) (4) Báo Nhân Dân, số 16001, ngày 27-4-1999.


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.