Multimedia Đọc Báo in

Về Cô Tô thăm Khu Di tích lưu niệm Bác Hồ

19:12, 30/08/2016

Đến Cô Tô, huyện đảo tiền tiêu của khu vực Đông Bắc, ai cũng kính cẩn nghiêng mình  trước tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng uy nghiêm hướng ra Biển Đông như che chở cho đất và người nơi đây. Khu di tích lưu niệm Hồ Chủ tịch trên đảo là niềm tự hào và cũng là điểm tựa tinh thần cho người dân đang ngày đêm bám biển.

Cô Tô với hơn 50 đảo lớn nhỏ, nằm ở phía Đông của bán đảo Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh, không chỉ giữ vị trí chiến lược trong vùng biển Đông Bắc của Tổ quốc mà còn là nơi được Bác Hồ đến thăm và duy nhất được Bác cho phép dựng tượng khi Người còn sống. Ông Hoàng Bá Nam, Chủ tịch huyện Cô Tô cho biết, ngày 9-5-1961, từ Trà Cổ, Bác đi máy bay trực thăng ra đảo Cô Tô thăm quân dân các dân tộc trên đảo. Để thể hiện lòng kính trọng biết ơn Người, tháng 1-1962, khi Bác trở lại thăm vùng Đông Bắc Tổ quốc, Ủy ban hành chính tỉnh Hải Ninh (một tỉnh cũ khi chưa sáp nhập thành Quảng Ninh) đã xin phép Bác cho dựng tượng Bác trên đảo Cô Tô. Nguyện vọng ấy đã được Bác Hồ đồng ý. Khu tượng đài được xây dựng, khánh thành ngày 22-5-1968, do tác giả Nguyễn Văn Quế thiết kế. Qua một số lần thay đổi cho phù hợp, ngày nay, tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Cô Tô được đánh giá là tượng đài Bác có quy mô đẹp nhất vùng Đông Bắc. Ngày 7-5-1997, Khu Di tích lưu niệm Bác Hồ trên đảo Cô Tô đã được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia. Khuôn viên khu tượng đài Bác được xây dựng tường bao xung quanh, trồng hoa, cây xanh, được tỉnh Quảng Ninh nhiều lần đầu tư tôn tạo, mở rộng. Phía sau tượng Bác là tấm bia ghi lại địa điểm máy bay Bác đáp xuống Cô Tô. Với ý nghĩa đặc biệt quan trọng của khu di tích, năm 2005, nhân kỷ niệm 50 năm giải phóng khu mỏ Quảng Ninh, khu đền thờ Bác Hồ đã được tỉnh đầu tư xây dựng trong khuôn viên theo lối kiến trúc truyền thống, trang trí giản dị. Đây cũng là nơi mà bất cứ ai mỗi khi đặt chân lên đảo đều đến viếng thăm và thành kính thắp nén tâm nhang tri ân Người.

Tượng đài Bác Hồ trong khuôn viên Khu di tích lưu niệm Hồ Chủ tịch, được công nhận Khu di tích lịch sử cấp Quốc gia từ năm 1997.
Tượng đài Bác Hồ trong khuôn viên Khu di tích lưu niệm Hồ Chủ tịch, được công nhận Khu di tích lịch sử cấp Quốc gia từ năm 1997.

Đã hơn 55 năm trôi qua nhưng với người dân trên đảo, dấu chân của Người như vẫn còn hơi ấm như lòng dân Cô Tô không nguôi nhớ Bác. Ngày ngày người dân nơi đây, trước mỗi lần người thân của họ ra biển, họ đều đến chân tượng đài, thắp nhang cầu cho trời yên, biển lặng, mưa thuận gió hòa, mong những chuyến đi biển luôn được Bác chở che, bình an trở về.

Ngày nay, ngoài tiềm năng về kinh tế biển, Cô Tô với nhiều bãi biển đẹp như Hồng Vàn, Vòm Si, Bắc Vàn... mang vẻ đẹp hoang sơ cùng hệ thống rừng nguyên sinh đa dạng hệ động thực vật, đang ngày một thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế. Như những gì mà ông Hoàng Bá Nam, Chủ tịch huyện Cô Tô chia sẻ, những chuyến tàu tấp nập ngày đêm đã nối gần khoảng cách về địa lý giữa đất liền và hải đảo, Cô Tô đang đổi thay, chuyển mình rõ rệt, hướng đến là một vùng kinh tế biển năng động, xứng đáng với lời căn dặn của Bác:  “Thủ đô Hà Nội tuy xa các đảo, nhưng Đảng và Chính phủ luôn quan tâm đến đồng bào các đảo và mong đồng bào đoàn kết, cố gắng và tiến bộ”. 

Lê Hương


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.