Multimedia Đọc Báo in

Bài ca không quên…

08:46, 28/03/2017

Đã 42 năm trôi qua, nhưng những ký ức về trận đánh Buôn Ma Thuột (10-3-1975) vẫn in đậm trong tâm trí các bậc lão thành cách mạng, để khi nhớ về tháng ngày mưa bom lửa đạn ấy, họ đã bật khóc, không nói được thành lời.  

Chúng tôi may mắn được gặp các bác: Lê Chí Quyết và Phạm Chí Sâm tại chương trình Giao lưu nhân chứng lịch sử nhân kỷ niệm 42 năm Chiến thắng Buôn Ma Thuột (10-3-1975 – 10-3-2017) do Bảo tàng tỉnh tổ chức. Tuy các bác đã tuổi ngoài 70, đôi chân có phần chậm chạp, mắt yếu dần theo năm tháng, nhưng ký ức về chiến thắng oanh liệt, hào hùng năm xưa vẫn mãi không bao giờ phai trong tâm trí mỗi người.

42 năm về trước, thời điểm diễn ra trận đánh Buôn Ma Thuột, bác Phạm Chí Sâm được phân công làm trợ lý trinh sát Trung đoàn 234 với nhiệm vụ chính là đi trinh sát, nắm chắc địa hình, địa vật, tình hình địch để báo cáo cấp trên; đồng thời giám sát, đốc thúc các đơn vị chấp hành nghiêm mệnh lệnh chiến đấu...

Là người trực tiếp tham gia trận đánh giải phóng sân bay Hòa Bình (sân bay Buôn Ma Thuột bây giờ), bác Phạm Chí Sâm vẫn nhớ như in trong ký ức. Sân bay Hòa Bình là cứ điểm quan trọng, được địch phòng ngự rất vững chắc, gần đó là căn cứ của Trung đoàn 53, Sư đoàn 23 ngụy. So với những căn cứ khác, nơi đây được bố trí 5-7 lớp rào kẽm gai, xen kẽ các lớp rào là bãi mìn dày đặc; hệ thống lô cốt, ụ súng được bố trí ngay trong lớp tường đất cao, dày… Chính vì vậy, dù sân bay Hòa Bình là một trong những điểm đánh mở màn cho trận đánh Buôn Ma Thuột nhưng phải tới ngày 17-3-1975 nơi đây mới thực sự được ta giải phóng.

Các em học sinh trao hoa tặng các lão thành cách mạng tại chương trình giao lưu.
Các em học sinh trao hoa tặng các lão thành cách mạng tại chương trình giao lưu.

Bác Sâm hồi tưởng: vào thời điểm đó, lực lượng địch ở khu vực sân bay Hòa Bình khá mạnh nên Tiểu đoàn 9 (Trung đoàn 149) được tăng cường hỗ trợ chiến đấu cùng Trung đoàn Đặc công 198. Tuy nhiên, địch vẫn điên cuồng đánh trả bằng cách dùng không quân khống chế, không cho lực lượng ta tiếp cận căn cứ của chúng. Trước tình thế đó, tối 16-3-1975, Bộ Tư lệnh Chiến dịch Tây Nguyên đã điều động thêm lực lượng thuộc các đơn vị: Trung đoàn 66 (Sư đoàn 10), Trung đoàn pháo mặt đất 40, Trung đoàn pháo phòng không 234 và một số xe tăng chi viện cho lực lượng chiến đấu. Sáng 17-3-1975, toàn bộ lực lượng của ta đánh vào căn cứ Trung đoàn 53 địch và sân bay Hòa Bình. Trước sức tấn công mãnh liệt đó, địch dùng máy bay bắn phá dữ đội đội hình chiến đấu của ta, nhưng đã bị lực lượng pháo phòng không tiêu diệt…. Sau khi ta chiếm được lô cốt đầu cầu (lô cốt án ngữ đầu tiên nhằm phòng thủ và bảo vệ cho căn cứ địch) thì cũng là thời điểm chúng bắt đầu chống cự yếu ớt và đầu hàng…

Miên man trong ký ức, bác Sâm nhớ về những đau thương, mất mát mà bác và đồng đội cùng trải qua. Giọng bác Sâm ngắt quãng trong nước mắt: Đây là một trận đánh ác liệt. Sau khi được lệnh, bộ đội ta lặng lẽ băng đường rừng để tiếp cận mục tiêu. Mỗi người đều có một bi đông nước, nắm cơm chuẩn bị sẵn từ trước, nhưng do đi đường cả ngày mệt, đêm không ngủ, 2 giờ sáng lại phải xông trận; trong khi đó, anh em đồng đội thì hy sinh nhiều, một số bị địch bắt… nên dù bụng đói cồn cào cũng không ai nuốt nổi cơm. Lúc ấy, sự sống cận kề với cái chết, nhưng chúng tôi vẫn không nản chí, quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ…

Bác Phạm Chí Sâm chụp hình lưu niệm cùng các em học sinh.
Bác Phạm Chí Sâm chụp hình lưu niệm cùng các em học sinh Trường Tiểu học, THCS và THPT Victory.

Cũng tại buổi giao lưu, bác Lê Chí Quyết, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban quân quản thị xã Buôn Ma Thuột kể lại một kỷ niệm không thể quên trong cuộc đời mình, đó là lần trực tiếp đến đón chỉ huy, lãnh đạo tiền phương đêm 13-3-1975 sau ngày giải phóng. Bác nghẹn lời, hai dòng nước mắt rơi dài trên má: “Gặp lãnh đạo trong đêm ấy, tôi không thể báo cáo được gì, giọng cứ nghẹn đi, rồi mọi người cứ vậy ôm chầm lấy nhau. Chúng tôi đã khóc vì quá hạnh phúc khi được gặp lại nhau sau chiến dịch, khóc vì Buôn Ma Thuột đã được giải phóng, tỷ lệ thương vong thấp, khóc vì xót thương những đồng đội mãi mãi ra đi không trở về…”.

Với bác Lê Chí Quyết, quá trình đảm nhận nhiệm vụ Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban quân quản thị xã Buôn Ma Thuột còn có nhiều kỷ niệm khác in dấu mãi với thời gian.

Còn nhớ, Ủy ban quân quản vừa ra mắt trước toàn dân vào ngày 18-3-1975 thì chỉ sau đó 1 ngày, địch đã liên tiếp thả bom vào trụ sở và khu vực chợ Buôn Ma Thuột. Vì đoán đúng âm mưu bắn phá của chúng nên ngay đêm ra mắt, quân ta đã di chuyển người về khu vực an toàn. Tuy nhiên, sự tàn ác, điên cuồng vì thất bại, chúng đã làm chết và bị thương hàng trăm người dân vô tội. Trước tình thế cấp bách, Ủy ban quân quản đã vận động, kêu gọi các y, bác sĩ quân dân y của chế độ cũ trở lại bệnh viện để kịp thời cứu chữa người bị thương…

Lắng nghe lời sẻ chia của các lão thành cách mạng, cả hội trường yên ắng, nhiều học sinh không kìm được cảm xúc. Em Phạm Yến Vy, học sinh Trường Tiểu học – THCS – THPT Victory cho biết, buổi giao lưu rất ý nghĩa, là cơ hội để em và các bạn học sinh trên địa bàn thành phố hiểu hơn về lịch sử quê hương, thêm yêu và trân trọng những giá trị mà cha ông bảo vệ, gìn giữ. 

Chiến thắng Buôn Ma Thuột đã đi vào lịch sử của dân tộc Việt Nam, là một mốc son chói lọi của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược. Những ký ức hào hùng ấy sẽ trường tồn với thời gian, thế hệ mai sau sẽ mãi mãi biết ơn những người con của Tổ quốc đã làm nên những trang sử hào hùng!

Quỳnh Anh


Ý kiến bạn đọc