Multimedia Đọc Báo in

Gần nửa thế kỷ và nỗi đau Sơn Mỹ

08:31, 28/03/2017

Chúng tôi về thăm Khu chứng tích Sơn Mỹ (xã Tịnh Khê, TP. Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) vào một buổi sáng tháng Ba, gần ngày người dân hai thôn Tư Cung, Cổ Lũy tổ chức đại giỗ cho hơn 500 người dân trong vụ thảm sát gần 50 năm trước (16-3-1968 - 16-3-2017).

Nỗi đau đã đi qua gần nửa thế kỷ nhưng mỗi lần nhắc và nhớ đến, những đôi mắt vẫn rưng rưng, những con tim vẫn quặn thắt. Thông báo ngày 25-3-1968 của Ủy ban Mặt trận Dân tộc thống nhất tỉnh Quảng Ngãi có ghi: Sáng sớm ngày 16-3-1968 cũng như mọi buổi sáng bình thường khác, nhân dân xã Sơn Mỹ (tức xã Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh) đang bắt đầu một ngày lao động sản xuất thì bỗng nhiên pháo địch từ các hướng núi Răm - Bình Liên chi khu Sơn Tịnh, tiểu khu Quảng Ngãi bắn xối xả hằng giờ liền vào hai thôn Tư Cung và thôn Cổ Lũy. Tiếp theo đó là 9 máy bay trực thăng của Mỹ ba lần đổ quân xuống bao vây hai xóm nhỏ này. Vừa rời khỏi máy bay, giặc Mỹ như một bầy thú dữ hung hăng xông thẳng vào thôn xóm tàn phá bắt giết. Chúng chia làm ba tốp, một tốp đi giết người, một tốp đốt nhà, một tốp chặt phá cây cối, bắt giết gia súc. Chúng đi đến đâu là gây ra cảnh người chết, nhà cháy, cây cối điêu tàn xơ xác đến đó…

Dã tâm "tàn sát bất cứ thứ gì động đậy" để hòng triệt tận gốc dấu vết Việt Cộng mà Mỹ nghi ngờ có ở trong những ngôi làng này đã khiến 504 thường dân vô tội của hai thôn Tư Cung, Cổ Lũy bị giết hại chỉ trong 4 giờ đồng hồ. Đau lòng hơn khi trong số đó có 182 phụ nữ (17 người đang mang thai), 178 trẻ em (56 em dưới 5 tháng tuổi), 60 cụ già trên 60 tuổi. Cuộc thảm sát ấy đã thiêu rụi 247 ngôi nhà cùng gia súc, gia cầm. Tất cả giếng nước trong làng đều bị đầu độc.

Nỗi đau xót tột cùng của Sơn Mỹ ngày ấy như chưa hề nguội lạnh khi ở Khu chứng tích Sơn Mỹ, người ta lặng người trước những khu mộ tập thể, hầm tránh pháo và nền nhà bị đốt cháy của những gia đình đã bị giết cả nhà. Này đây một tấm bia ghi: mộ chung 13 người bị lính Mỹ giết trong vụ thảm sát, ngày 16-3-1968 và kèm theo họ tên, tuổi của 13 nạn nhân: Ngô Thị Tuyết 46 tuổi, Ngô Thị Quang 10 tuổi, Ngô Xí 8 tuổi, Ngô Thị Hoa 6 tuổi, Ngô Da 13 tuổi, Ngô Ngọ 3 tuổi, Trần Thị Thông 40 tuổi, Trần Ba 42 tuổi, Trần Thị Hương 11 tuổi, Lê Cổ 42 tuổi, Võ Thị Bút 65 tuổi, Lê Lý 75 tuổi, Lê Thị Tửu 70 tuổi. Một tấm bia khác: Mộ chôn chung 9 người bị lính Mỹ giết trong vụ thảm sát ngày 16-3-1968: Phạm Thị Ưng 62 tuổi, Nguyễn Thị Nguyệt 8 tuổi, Nguyễn Cư 5 tuổi, Lê Thị Bình 34 tuổi, Đỗ Thị Nguyệt 6 tuổi, Đỗ Bạch 4 tuổi, Nguyễn Thị Bé 1 tuổi, Phùng Thị Hiệp 31 tuổi, Nguyễn Thị Huệ 12 tuổi. Bên trong nội thất của nhà chứng tích, rất nhiều hiện vật đã được lưu giữ lại như làm dày lên bản tố cáo đanh thép sự tàn ác của quân viễn chinh Mỹ ngày ấy. Đó là những bức hình do phóng viên Ronald Haeberle chụp tại Sơn Mỹ buổi sáng 16-3-1968 mà khi công bố ở Mỹ đã khiến dư luận choáng váng, điển hình như tấm ảnh ghi lại cảnh tượng đau đớn đến xé lòng của người mẹ ngồi chết lặng trước thi thể 4 đứa con thơ bị lính Mỹ tàn sát; đó còn là các hiện vật như chiếc mâm thau cũ còn lỗ chỗ vết đạn, chiếc áo, đôi dép của một cháu bé bị bắn chết; các loại chén đĩa, xoong chảo bị bắn thủng vỡ…

Khu mộ chôn chung 13 người tại Khu chứng tích Sơn Mỹ.
Khu mộ chôn chung 13 người tại Khu chứng tích Sơn Mỹ.

Đến thăm Khu chứng tích Sơn Mỹ, ám ảnh, đau xót, phẫn nộ có lẽ là cảm xúc chung của nhiều du khách. Trong số đó, tôi đặc biệt chú ý đến những du khách người Mỹ đặt chân đến đây. Họ đến để tham quan nhưng cũng để hiểu rõ hơn cha ông của họ trong cuộc viễn chinh mấy mươi năm trước đã gây ra những gì ở Việt Nam, ở Sơn Mỹ. Kristen Roy, 24 tuổi, người Mỹ, sau khi tham quan Khu chứng tích Sơn Mỹ đã ghi lại những dòng suy nghĩ như thế này: Là người con gái của một cựu chiến binh Mỹ từng tham gia chiến tranh ở Việt Nam, tôi luôn tò mò về bí mật sâu xa của cha mình về Việt Nam. Tôi không nói rằng tôi hoàn toàn hiểu được điều này và tôi sẽ không bao giờ hiểu. Nhưng trong suốt những tuần ở Việt Nam vừa qua, tôi đã có được chút ít hiểu biết hơn về người cha của mình cũng như những cựu chiến binh Mỹ khác, những đồng đội của cha tôi và hiểu hơn nữa về những người dân Việt Nam: xinh đẹp và sức mạnh của họ. Còn Brian Vedder Vail Colorado, một du khách người Mỹ thì bộc bạch: “Khi tin tức từ vụ thảm sát Sơn Mỹ bắt đầu được tiết lộ, lúc đó tôi vẫn còn là một sinh viên đại học ở Mỹ. Sơn Mỹ là một nơi nước Mỹ đã tự đánh mất sự vô tội, ngây thơ của mình. Chúng tôi nhanh chóng nhìn lại bản thân mình và nhận thấy mình không còn là người lính tử tế đang cỡi trên lưng con ngựa trắng nữa. Tại Mỹ Lai, chúng tôi học được rằng chúng tôi cũng có thể là những kẻ điên khùng và là những kẻ bị câm tàn ác. Người dân Sơn Mỹ đã không chết vô ích. Tôi đã nhìn thấy nước tôi chìm sâu vào sự kinh tởm và xấu hổ khi những điều khủng khiếp đó được tiết lộ. Ngay sau đó, sự kiện này đã được phanh phui từng chi tiết nhỏ nhất, quốc gia tôi đã đi đến đường cùng khi tất cả người dân Mỹ đã lên tiếng buộc chính phủ chấm dứt chiến tranh...”.

Vâng, tôi cũng muốn nhắn gửi với những du khách người Mỹ ấy rằng, nỗi đau Sơn Mỹ vẫn luôn ám ảnh và day dứt. Nhưng không gặm nhấm quá khứ để thêm đau thương, thù hận, Sơn Mỹ vẫn kiên cường đứng lên từ thương đau với diện mạo một khung cảnh, không gian làng quê Sơn Mỹ hôm nay yên ả, thanh bình đến vô cùng!

 Sơn Mỹ, ngày 4-3-2017

Đàm Thuần


Ý kiến bạn đọc