Multimedia Đọc Báo in

Kỷ niệm 87 năm Ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam (14-10-1930 – 14-10-2017)

Bác Hồ với nông dân

08:48, 25/10/2017

Tháng 6-1923, Nguyễn Ái Quốc bí mật rời Paris (Pháp) đi Liên Xô. Ngày 10-10-1923, với tư cách là đại biểu chính thức của nông dân Đông Dương, Người dự Hội nghị lần thứ nhất Quốc tế nông dân tại Điện Kremlin (Matxcơva) và đã phát biểu trước Hội nghị hai lần.

Trong lời phát biểu chiều 13-10-1923, Người đã nói: “Quốc tế của chúng ta chỉ trở thành quốc tế chân chính khi trong Quốc tế này có những người nông dân phương Đông tham gia, đặc biệt là nông dân các nước thuộc địa, những người bị áp bức và bóc lột tệ hại nhất” (Danh nhân Hồ Chí Minh - tr.149).

Cũng tại Hội nghị này, Nguyễn Ái Quốc được bầu làm Ủy viên Hội đồng Quốc tế nông dân. Người luôn dành cho người nông dân những tình cảm đặc biệt. Ngày 4-1-1924, Nguyễn Ái Quốc đã viết một bài báo nhan đề “Tình cảnh nông dân Trung Quốc” đăng trên báo La Vie Ouvrière, trong đoạn kết, Người đã nêu trách nhiệm của những người cộng sản Trung Quốc: “Các đồng chí Trung Quốc của chúng ta phải tiến hành mạnh mẽ một cuộc vận động khẩn trương để giáo dục quần chúng, làm cho quần chúng thấy rõ sức mạnh của mình, quyền lợi của mình và có đủ khả năng thực hiện được khẩu hiệu: “Tất cả ruộng đất về tay nông dân” (Danh nhân Hồ Chí Minh). Nông dân muốn có ruộng đất thì phải đánh đổ được bọn chủ đất bóc lột mình.

Vấn đề này, Người đặc biệt nêu lên trách nhiệm của Quốc tế Cộng sản trong việc giúp đỡ phong trào cách mạng ở các nước thuộc địa. Người nói: “Trong tất cả các thuộc địa của Pháp, nạn nghèo đói đều tăng, sự phẫn uất ngày càng tăng lên cao. Sự nổi dậy của nông dân bản xứ đã chín muồi. Trong nhiều nước thuộc địa, họ đã nhiều lần nổi dậy, nhưng lần nào cũng bị dìm trong biển máu. Nếu hiện nay nông dân vẫn còn ở trong tình trạng tiêu cực, thì nguyên nhân là vì họ còn thiếu tổ chức, thiếu người lãnh đạo. Quốc tế Cộng sản cần phải giúp đỡ họ tổ chức lại, cần phải cung cấp cán bộ lãnh đạo cho họ và chỉ cho họ con đường đi tới cách mạng và giải phóng”.

Bác Hồ thăm nông dân đang gặt lúa trên cánh đồng xã Hùng Sơn, (huyện Đại Từ, Thái Nguyên)  vào năm 1954.   Ảnh: Tư liệu
Bác Hồ thăm nông dân đang gặt lúa trên cánh đồng xã Hùng Sơn, (huyện Đại Từ, Thái Nguyên) vào năm 1954. Ảnh: Tư liệu

Trong tác phẩm “Đường Kách mệnh” nổi tiếng, Nguyễn Ái Quốc cũng đã lên án thực dân Pháp cướp bóc ruộng đất của nông dân; đồng thời, vạch ra con đường giải phóng cho nông dân: “... Hội nông là một cái nền cách mệnh của dân ta... Chúng ta đã biết “cách mệnh tinh thần”, “cách mệnh kinh tế”, thì “cách mệnh chính trị cũng không xa”. Ngày 14-10-1930, Hội Nông dân Việt Nam ra đời, Người đã gửi báo cáo về vấn đề phong trào nông dân cho Quốc tế Cộng sản. Sau khi thành lập Mặt trận Việt Minh, Hội Nông dân cứu quốc đã trở thành thành viên của Mặt trận Việt Minh. Đây cũng chính là ý kiến của Bác, trong “Ca dân cày” Người viết: “Muốn phá hết việc bất bình/Dân cày phải kiếm Việt Minh mà vào/Để cùng toàn quốc đồng bào/Đánh Pháp - Nhật gây phong trào tự do”.

Tháng 2-1951, Bác gửi thư kêu gọi nông dân toàn quốc thi đua canh tác. Sau khi nêu lên tác dụng to lớn của phong trào toàn dân canh tác đối với kháng chiến, Người nhấn mạnh: “Chiến sĩ ở trước mặt trận thi đua giết giặc lập công thì đồng bào ở hậu phương phải thi đua tăng gia sản xuất”. Người nêu rõ: “Ruộng rẫy là chiến trường/Cày cuốc là vũ khí/Nhà nông là chiến sĩ/Hậu phương thi đua với tiền phương”. Ngày 27-3-1951, tại Hội nghị Cán bộ nông dân cứu quốc lần thứ hai, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư kêu gọi tăng gia sản xuất, phục vụ chiến dịch và xây dựng Hội vững mạnh. Năm 1953, bài viết “Giai cấp nông dân” của Bác đăng trên Báo Cứu quốc số 2289, có đoạn: “Họ là quân chủ lực của cách mạng”, là thành phần “đóng góp nhiều nhất”, “hy sinh nhiều nhất” trong kháng chiến”. Sáu năm sau, trong một bài viết khác của mình, Người cũng khẳng định: “...Nông dân lao động Việt Nam có nhiệt tình cách mạng rất cao. Trong cách mạng dân tộc - dân chủ, nông dân đã hăng hái theo Đảng, theo giai cấp công nhân; trong cách mạng XHCN, nông dân vẫn là bạn đồng minh tin cậy của giai cấp công nhân ...”. Trong “Lời kêu gọi nông dân” (Báo Nhân Dân số 1966, ngày 3-8-1959),

Bác lại tiếp tục khẳng định tính tất yếu của việc phát triển và củng cố các tổ đổi công và hợp tác xã theo đúng đường lối giai cấp của Đảng ở nông thôn. Người viết: “...Không có con đường nào khác, chỉ có vào tổ đổi công, tiến lên hợp tác xã nông dân ta mới có thêm sức để cải tiến kỹ thuật, đẩy mạnh sản xuất”, như thế người nông dân mới đi tới chỗ ấm no sung sướng, mới góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng nước nhà.

Những hình ảnh gần gũi, thân quen của Bác với quần nâu bạc xắn quá đầu gối cùng tát nước với nông dân; hình ảnh những người nông dân trên những thửa ruộng ùa đến với Bác đã luôn in đậm trong trái tim người Việt Nam nhiều thế hệ. Cho đến cuối cuộc đời mình, Người vẫn luôn nghĩ đến người nông dân - tầng lớp đã “luôn luôn hết sức trung thành với Đảng và Chính phủ ta”, đã “ra sức góp của góp người, vui lòng chịu đựng mọi khó khăn, gian khổ” cho sự nghiệp bảo vệ và xây dựng Tổ quốc. Với tấm lòng nhân ái, bao dung, độ lượng và tình thương yêu thiết tha, Người đã “đề nghị miễn thuế nông nghiệp 1 năm cho các hợp tác xã nông nghiệp để cho đồng bào hỉ hả, mát dạ, mát lòng, thêm niềm phấn khởi, đẩy mạnh sản xuất ...”. Tiếp tục làm sáng rõ tư tưởng đó của Người, Đảng và Nhà nước ta đã luôn coi trọng vấn đề nông nghiệp, nông dân và nông thôn; đó luôn là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong các nghị quyết và chính sách qua các kỳ đại hội... 

 Nguyễn Thị Thọ


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.