Chuyện những chiến sĩ bắn rơi máy bay địch ở H9
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, có những chiến công thầm lặng không nhiều người biết đến nhưng chưa bao giờ phai nhạt trong trí nhớ của những người sống trong những năm tháng hào hùng ấy. Trong đó, nhiều người dân căn cứ H9 (huyện Krông Bông) ngày nay vẫn còn nhắc mãi về chiến công bắn rơi máy bay địch của quân dân ta cách đây gần nửa thế kỷ… Họ chỉ là những đội viên du kích hay lính bộ binh nhưng đã bắn rơi máy bay địch bằng những vũ khí thô sơ.
Ông Y Grăng Niê (69 tuổi, tên thường gọi Ama Dung), hiện sinh sống tại buôn Hai, xã Cư Mta (huyện M’Đrắk) là một trong những chiến sĩ đã làm nên chiến công oanh liệt ấy. Quê ở buôn Ngô, xã Hòa Phong (huyện Krông Bông), đầu năm 1968, chàng trai 19 tuổi Y Grang thoát ly vào T47 Đắk Lắk và được chuyển về C23, đơn vị 25. Tuy nhiên, do đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số còn mỏng và ít nên ông được đơn vị giao kiêm phụ trách thanh niên buôn Ngô (xã Hòa Phong) và buôn Đắk Tuôr (nay thuộc xã Cư Pui, huyện Krông Bông). Y Grăng hoạt động phong trào sôi nổi, hăng hái trên mọi mặt trận công tác khiến kẻ địch kiêng dè. Mỹ ngụy đã tuyên bố nếu bắt được Y Grăng sẽ chặt đầu bêu trên đường cái; để đánh lạc hướng kẻ thù, đơn vị quyết định đổi tên ông thành Y Brăng Niê.
Ông Y Grăng Niê, người bắn rơi máy bay Mỹ năm 1969. |
Vào khoảng 10 giờ sáng một ngày đầu tháng 5-1969, trên đường đưa thanh niên buôn Ngô đi tập văn nghệ chào mừng sinh nhật Bác tại buôn Đắk Tuôr, phát hiện máy bay Dakota của địch đang bay ở tầm thấp rải chất độc khai quang, trong số 12 người chỉ một mình Y Grăng có súng. Nghĩ mình không bắn máy bay mà chạy thì sẽ chết, nếu không thì cũng bị bắt nên khi máy bay sà thấp cách khoảng vài chục mét, Y Grăng đã dùng súng CKC nhắm thẳng vào máy bay bắn ba phát. Máy bay trúng đạn bốc cháy, sau đó rơi xuống vùng đất ở hướng tây cách đó mười mấy cây số (thuộc địa điểm nay là cơ quan Công an huyện Krông Bông), ông sung sướng hô to: “Máy bay cháy rồi anh em ơi, máy bay cháy rồi anh em ơi”…
Sau chiến công này, Y Grăng được thăng quân hàm Đại úy; đến năm 1972 ông được điều động về làm Phó Bí thư Huyện Đoàn H9 rồi được cử đi học Trường Nguyễn Ái Quốc Quân khu 5. Sau ngày thống nhất đất nước, ông trải qua nhiều trọng trách, từ Đại đội phó Thanh niên xung phong huyện Krông Pắc, rồi Phó Phòng Nông nghiệp huyện M’Đrắk, Trưởng Ban Kiểm soát Hợp tác xã Cư Du (một trong những hợp tác xã tiêu biểu của huyện M’Đrắk), Chủ tịch UBND xã Cư Mta. Ở cương vị công tác nào, ông cũng luôn phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, gương mẫu đi đầu, giữ gìn tác phong, đạo đức được nhân dân tin yêu. Ông đã được tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Hai, Huân chương Lao động hạng Ba, Huy hiệu 45 năm tuổi Đảng.
Gần 50 năm đã trôi qua nhưng ông Y Kriêng Bkrông (87 tuổi, ở buôn Ngô, xã Hòa Phong, huyện Krông Bông) vẫn nhớ như in trận đánh ngày 15-7-1969. Nhận lệnh phục kích đánh địch đi càn vào hậu cứ cùng với các thành viên trong lực lượng du kích xã, phát hiện chiếc máy bay C130 bay thấp chỉ cách mặt đất khoảng 300 mét, ông Y Kriêng đã dùng súng CKC ngắm thẳng bắn trúng tên phi công khiến máy bay của địch bị rơi bốc cháy. Kết quả theo tin của Mặt trận B3 cho biết có 7 tên lính Mỹ bị chết...
Ở huyện Krông Bông, trong phong trào thi đua xây dựng thực lực cách mạng, góp phần kiện toàn và giữ vững vùng căn cứ H9, lực lượng dân quân du kích xã Khuê Ngọc Điền đã tham gia chiến đấu hàng chục trận lớn nhỏ, tiêu diệt 300 tên Mỹ - ngụy; bắn rơi 6 máy bay, thu và phá hủy 9 xe quân sự, đánh sập 2 cầu… Tiêu biểu nhất là trận đánh vào tháng 3-1970. Khi ấy, nhận tin địch chuẩn bị hành quân càn quét vùng căn cứ của ta, Ban Chỉ huy xã đội đã tổ chức họp và triển khai nhiệm vụ chiến đấu. Hai chiếc máy bay trinh sát L19 bay từ hướng Buôn Ma Thuột vào và phát hiện tổ công tác của ta đi làm nhiệm vụ, nó bổ nhào xuồng định bắn rốc-két nhưng đã bị đồng chí Nguyễn Phố, đội viên du kích xã Khuê Ngọc Điền dùng súng trường bắn trúng đầu khiến một chiếc máy bay bốc cháy và rơi xuống khu vực buôn Ja (nay thuộc xã Hòa Sơn).
Ông Lỡ Văn Châu kể chuyện bắn rơi máy bay. |
Phong trào bắn máy bay địch lan tỏa khắp vùng căn cứ. Ông Lỡ Văn Châu (64 tuổi, thương binh 4/4 hiện ở thôn 1, xã Hòa Lễ) từng là chiến sĩ giao bưu của trung đội trinh sát kiêm giao bưu thuộc Huyện đội H9. Tháng 4-1974, ông Châu được đơn vị cử đi từ H9 đến H7 để giao công văn hỏa tốc, vừa đến cầu Cư Phiăng (xã Hòa Phong) thì ông bị máy bay trực thăng của địch phát hiện, chĩa súng bắn thẳng vào ông. Quyết tâm dù hy sinh cũng phải bảo vệ được công văn mật, lúc đó ông Châu nhanh trí nhảy xuống gầm cầu tìm vị trí ẩn nấp và độc lập tác chiến. Khi chiếc máy bay hạ thấp, ông đã dùng súng AK bắn hết nửa băng đạn khoảng 15 viên khiến máy bay bốc cháy, rơi cách đó 3 cây số (xác máy bay tìm thấy nằm ở gần cánh đồng thôn 6, Hòa Phong hiện nay). Không để địch chạy thoát, ông Châu cắt đường rừng truy đuổi, liên lạc với đơn vị gần nhất cử đồng đội phối hợp truy bắt phi công Mỹ…
Mai Viết Tăng
Ý kiến bạn đọc