Multimedia Đọc Báo in

Ký ức trận đánh trên đồi Cẩm Ga

08:50, 29/03/2018

Trong những năm kháng chiến, địa bàn Thuần Mẫn – Ea H’leo có vị trí chiến lược hết sức quan trọng, mở màn cho chiến thắng Buôn Ma Thuột lịch sử mùa xuân năm 1975.

Chúng tôi tìm đến nhà ông Siu Pui (Ama Thương), Nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy vào một ngày đầu tháng 3 lịch sử. Trong căn nhà yên tĩnh, rợp bóng cây xanh trong hẻm đường Hùng Vương (TP. Buôn Ma Thuột), ông Ama Thương chống gậy bước ra đón khách. Đã sắp đến tuổi cửu tuần, dấu ấn những năm tháng dài cống hiến nay khiến ông yếu đi nhiều, không còn nhanh nhẹn, tinh anh như xưa. Nhưng khi nhắc đến những ngày mùa xuân lịch sử 43 năm trước, thần thái ông khác hẳn, giọng nói hào sảng như người lãnh đạo năm nào. Ký ức về trận đánh Cẩm Ga trở về qua từng lời kể của ông…

Nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy Ama Thương đang kể lại trận chiến Cẩm Ga – Thuần Mẫn ngày 8-3-1975.
Nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy Ama Thương đang kể lại trận chiến Cẩm Ga – Thuần Mẫn ngày 8-3-1975.

 

Ông Nguyễn Văn Độ, Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Ea H’leo cho biết, với ý nghĩa lịch sử lớn lao, chiến thắng Cẩm Ga – Thuần Mẫn ngày 8-3 trở thành ngày giải phóng huyện Ea H’leo. Vào các năm chẵn, địa phương đều tổ chức kỷ niệm sự kiện trọng đại này.

Thời điểm đó, ông Siu Pui đang giữ cương vị Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tỉnh Đắk Lắk. Địa bàn quận lỵ Thuần Mẫn (nay là huyện Ea H’leo) là căn cứ cách mạng của tỉnh và khu V; Mỹ và Việt Nam Cộng Hòa coi đây là địa bàn trọng yếu trên đường 14, chốt điểm bảo đảm an toàn cho tuyến đường xuyên Tây Nguyên. Nếu Chi khu quân sự Thuần Mẫn bị tiêu diệt nghĩa là con đường 14 nối Buôn Ma Thuột với Pleiku bị chặt đứt. Vì thế, xung quanh căn cứ quân sự Cẩm Ga, phía địch đã bố trí một đại đội ém quân trong rừng để tiếp viện khi bị tấn công. Lúc đó, ông Siu Pui được Ban Thường vụ Tỉnh ủy giao nhiệm vụ về Cẩm Ga trực tiếp chỉ huy lực lượng tiền phương. Để chuẩn bị cho trận đánh căn cứ Cẩm Ga, trước đó quân ta tổ chức đánh giải tỏa thành công đại đội của địch ém quân trong rừng. Sau đó, chiều ngày 7-3-1975, quân chủ lực của ta tập kết ém quân tại phía nam đồi đá Ea Khăl cũ. Ông vẫn nhớ như in, 6 giờ sáng 8-3-1975, khi có pháo, đại bác 107 ly yểm trợ, quân và dân huyện Ea H’leo đã phối hợp với quân chủ lực thuộc Trung đoàn 48, Sư đoàn 320 đồng loạt tấn công vào trung tâm sào huyệt quận lỵ Thuần Mẫn và căn cứ đồi Cẩm Ga. Chỉ chưa đầy 2 giờ, lực lượng của ta đã giành quyền làm chủ, cắm cờ đỏ sao vàng trên quả đồi này. Đồng thời, Trung đoàn 10 cũng được lệnh tiếp viện thêm lực lượng để đánh chặn, truy kích địch chạy theo đường 67 về Tuy Hòa. Chỉ trong ngày 8-3, quần chúng đã phá tan 7 ấp chiến lược xung quanh quận lỵ Thuần Mẫn, thu giữ hàng trăm xe tăng và súng, giải phóng 27 buôn với hơn 7.000 dân.

Một mô hình phát triển kinh tế tại thôn Tri C1, xã Dliê Yang, dưới chân quả đổi Cẩm Gà lịch sử năm xưa.
Một mô hình phát triển kinh tế tại thôn Tri C1, xã Dliê Yang, dưới chân quả đổi Cẩm Ga lịch sử năm xưa.

Cùng với lực lượng của bộ đội chủ lực, lực lượng dân quân du kích địa phương cũng tham gia phối hợp trận đánh. Từng tham gia sự kiện lịch sử này, ông Y Bơn Êban (Ama Khanh) lúc đó là Xã đội trưởng xã 1, Thuần Mẫn, nay ở buôn Đung A, xã Ea Khăl, huyện Ea H’leo cho biết, hồi đó bà con các buôn trong vùng một lòng theo cách mạng, chị em phụ nữ làm công tác tiếp tế lương thực, đàn ông tập kích địch, dẫn đường cho bộ đội chủ lực đánh các điểm trọng yếu, góp phần làm nên chiến thắng.

Chiến thắng giải phóng căn cứ Cẩm Ga, quận lỵ Thuần Mẫn năm xưa là trận thắng mở màn cho chiến thắng Buôn Ma Thuột, giải phóng tỉnh Đắk Lắk. Sự kiện lịch sử này trở thành ký ức không thể nào quên trong cuộc đời ông Ama Thương và đồng đội của mình. Ông chia sẻ mình đã nhiều lần trở lại đồi Cẩm Ga (giáp ranh giữa thị trấn Ea Đrăng và xã Dliê Yang, huyện Ea H’leo), chứng kiến nhiều đổi thay trên mảnh đất này và cảm thấy tự hào vì đã đóng góp một phần công sức cho cuộc sống bình yên, no ấm hôm nay.

Minh Thông


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.