Hồi ức tháng Ba…
Chiến tranh đã lùi xa hơn 40 năm nhưng trong ký ức của những người lính từng tham gia chiến đấu năm xưa, những kỷ niệm về một thời hào hùng vẫn còn sống mãi...
Tìm về thị trấn Quảng Phú (huyện Cư M’gar) trong những ngày tháng Ba lịch sử, chúng tôi được nghe câu chuyện của cựu chiến binh Đỗ Văn Đỗ (nguyên Trợ lý trinh sát, Trung đoàn Pháo cao xạ 234, Quân đoàn 3).
Cựu chiến binh Đỗ Văn Đỗ (SN 1949) là con út trong gia đình có 4 anh chị em, ở quận Hoàng Mai (TP. Hà Nội). Năm 1965, đế quốc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc, khi có lệnh tổng động viên, chàng thanh niên Đỗ Văn Đỗ tình nguyện lên đường nhập ngũ khi mới tròn 16 tuổi. Sau 3 tháng quân trường, ông được biên chế vào Trung đoàn Pháo cao xạ 234 có nhiệm vụ bảo vệ Thủ đô Hà Nội. Trong thời gian tham gia nghĩa vụ quân sự, với vai trò là Trung đội trưởng phụ trách Tiểu đội Thông tin - Trinh sát, ông Đỗ Văn Đỗ đã cùng đồng đội chiến đấu và làm nên nhiều chiến công. Bản thân ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam khi mới 18 tuổi đời và 2 năm tuổi quân.
Cựu chiến binh Đỗ Văn Đỗ với chiếc Huy hiệu chiến sĩ pháo binh do Quân chủng Phòng không không quân trao tặng. |
Năm 1971, Trung đoàn Pháo cao xạ 234 nhận lệnh hành quân vào Tây Nguyên. Ông Đỗ nhớ lại: “Những ngày hành quân vào chiến trường Tây Nguyên là những tháng ngày không thể nào quên trong cuộc đời quân ngũ của tôi. Tháng 4-1972, Trung đoàn Pháo cao xạ 234 có nhiệm vụ yểm trợ xe tăng, bộ binh chiến đấu bảo vệ Đắk Tô - Tân Cảnh và cầu Diên Bình (Kon Tum). Trong những ngày tháng ở trên đất Kon Tum, bộ đội ta được sự giúp đỡ rất nhiệt tình của nhân dân địa phương như: mở đường, kéo pháo, lo vận chuyển vũ khí đạn dược, gùi gạo vào vị trí tập kết... Chính nhờ công tác chuẩn bị tích cực, chu đáo đó mà bộ đội ta đã đánh thắng, đập tan tuyến phòng ngự Đăk Tô - Tân Cảnh của địch. Đầu năm 1975, Trung đoàn Pháo cao xạ 234 hành quân thần tốc qua Đắk Lắk, chuẩn bị cho chiến dịch Buôn Ma Thuột. Để tham gia đánh trận then chốt vào thị xã Buôn Ma Thuột, tôi được giao nhiệm vụ đi trước, phối hợp cùng cán bộ quân báo và bộ binh đi trinh sát mục tiêu, chuẩn bị đường cơ động cho pháo, đo đạc tọa độ, chuẩn bị xe kéo, pháo, đạn... Khó khăn lớn nhất lúc bấy giờ là không có người dẫn đường nên anh em phải tự tìm đường mà đi, trong khi địch lập nên các chốt bảo vệ nghiêm ngặt, nếu sơ sẩy sẽ bị phát hiện!”
Đúng 2 giờ sáng ngày 10-3-1975, hiệu lệnh nổ súng tấn công thị xã Buôn Ma Thuột vang lên, núi rừng Tây Nguyên rung chuyển trong bom đạn. Chiến sĩ trinh sát Đỗ Văn Đỗ được phân công cùng bộ binh dẫn tăng tiến đánh sân bay L19. Cuộc chiến đấu diễn ra vô cùng quyết liệt khi hai bên giằng co nhau từng tấc đất, nhưng sau đó địch thất thế dẫn đến vỡ trận và nhanh chóng đầu hàng. Chiến dịch Buôn Ma Thuột kết thúc thắng lợi, Trung đoàn Pháo cao xạ 234 tiếp tục hành quân đánh địch theo Quốc lộ 26 xuống Khánh Hòa và hành quân thần tốc tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh. Ông Đỗ Văn Đỗ cũng là một trong những người được chứng kiến khoảnh khắc lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên nóc dinh Độc Lập vào ngày 30-4-1975 lịch sử.
Trở về lành lặn sau những năm tháng chiến tranh ác liệt, được chứng kiến quê hương đất nước từng ngày, từng giờ đổi thay nhưng trong tâm khảm của người lính pháo binh năm xưa vẫn không bao giờ nguôi ngoai nỗi nhớ về những đồng đội đã ngã xuống khi tuổi đời còn rất trẻ. Ông Đỗ xúc động: “Tôi không bao giờ quên khoảnh khắc những người bạn, đồng đội tôi ngã xuống nơi trận địa. Đó là khoảng 9 giờ 45 phút ngày 10-3, máy bay địch bất ngờ ném bom xuống trận địa pháo của chúng tôi tại căn cứ địa phía Bắc thị xã Buôn Ma Thuột (nay thuộc phường Tân An, TP. Buôn Ma Thuột). Vì quá bất ngờ nên cả 6 chiến sĩ thuộc Khẩu đội pháo 23 mm hy sinh tại chỗ, người không còn nguyên vẹn. Các anh ấy ra đi khi tuổi đời còn quá trẻ. Một kỷ niệm khác là khi quân ta tiến đánh sân bay L19, có một chiến sĩ bị trúng một mảnh đạn vào ngực trái, sau đó không may bị lạc vào rừng, đồng đội tìm thấy anh trong tư thế dựa vào gốc cây, tay ôm chặt vết thương trước ngực nhưng đã hy sinh. Nếu như phát hiện sớm thì đồng chí ấy đã không hy sinh vì vết thương không nguy hiểm lắm, nhưng do mất máu quá nhiều”.
Đất nước hòa bình, thống nhất, ông Đỗ Văn Đỗ đã trải qua nhiều cương vị công tác khác nhau. Dù ở cương vị nào, ông cũng luôn nêu cao bản lĩnh của người chiến sĩ cách mạng, hoàn thành nhiệm vụ được giao. Năm 1987, ông nghỉ hưu, về sinh sống tại khối 2, thị trấn Quảng Phú (huyện Cư M’gar). Hiện nay, dù tuổi cao nhưng với phẩm chất người lính Cụ Hồ, ông luôn dạy bảo con cháu tri ân sự hy sinh của bao thế hệ đi trước bằng việc nỗ lực góp sức mình xây dựng quê hương ngày một văn minh, giàu đẹp.
Thế Hùng
Ý kiến bạn đọc