Multimedia Đọc Báo in

Những ám ảnh từ vụ Mỹ Lai

15:17, 29/03/2018

Nửa thế kỷ sau vụ thảm sát Mỹ Lai, lật giở lại Phía sau cuộc chiến (cuốn sách xuất bản năm 2010) của nữ nhà báo Mỹ Deborah Nelson từng đoạt giải Pulitzer, dư luận thêm một góc nhìn về nỗi ám ảnh, day dứt sau chiến tranh, ấy là sự dày vò của tòa án lương tâm đối với những người lính Mỹ từng một thời tham chiến.

Chỉ trong một buổi sáng ngày 16-3-1968, cả thôn Mỹ Lai (nay là thôn Sơn Mỹ, xã Tịnh Khê, TP.Quảng Ngãi) gần như bị xóa sổ với 504 người bị giết, trong đó, có cả phụ nữ mang thai, người già và trẻ em. Tuy nhiên, trong Phía sau cuộc chiến, qua điều tra sâu về hồ sơ của lục quân Mỹ, tác giả đã công bố con số đếm được đến 7 vụ thảm sát nữa, không kể Mỹ Lai. Và hành trình điều tra mà Deborah Nelson cùng cộng sự thực hiện được bắt đầu từ những bản lấy lời khai của hàng tá binh sĩ sau cuộc thảm sát. Lời khai của các binh sĩ đó được Bộ Tổng tham mưu Lục quân Mỹ những năm 1970 đưa vào diện hồ sơ đặc biệt cần lưu trữ bí mật và cất kỹ suốt ba mươi năm.

Lần theo tên tuổi trong hồ sơ về tập bản khai có tuyên thệ của hàng tá binh sĩ từng tham chiến ở Việt Nam những ngày tháng ấy, Deborah Nelson đã cho thấy một điều, dù ký ức được đào xới lại theo trật tự, cụ thể, chi tiết hoặc lộn xộn, luẩn quẩn của dòng hồi tưởng thì hầu hết nội dung các lời khai đều tương tự nhau: “Khi chúng tôi đang đi càn, trung đội của tôi gặp ba hay bốn ngôi nhà gì đó. Chúng tôi nổ súng vào bên trong rồi mới vào nhà. Đó là khi khoảng 19 người tình nghi là Việt Cộng bị bắt. Họ gồm phụ nữ, trẻ em, trẻ sơ sinh và hai hay ba người đàn ông rất già. Tất cả những người này phải xếp hàng rồi bị giết. Họ dồn thành một đám lộn xộn, chen chúc và rồi tất cả bị bắn. Khi loạt bắn chấm dứt, tôi quay lại nơi đó và nhìn thấy một cô gái Việt vừa bị bắn. Cô bế đứa bé lên, thế rồi, cô bị bắn và đứa bé lại lả đi. Sau đó, đơn vị lại di chuyển, bỏ lại một đống xác chết…”.

Bìa cuốn sách “Phía sau cuộc chiến”.
Bìa cuốn sách “Phía sau cuộc chiến”.

Jamie Henry là một trong những nhân vật được Deborah Nelson tìm hiểu khá kỹ trong Phía sau cuộc chiến. Ông từng là bác sĩ chiến trường của quân đội Mỹ tại tỉnh Quảng Nam từ năm 1968 đến năm 1969 và cũng là một trong những người góp vào con số hàng trăm báo cáo về tội ác chiến tranh do Bộ Tham mưu Lục quân Mỹ thu thập từ những năm 1970 và được giữ bí mật trong suốt hơn ba thập kỷ. Năm 1967, khi đó ông 19 tuổi vừa tốt nghiệp trung học rồi có giấy báo quân dịch, lúc đầu ông từ chối nhập ngũ và bị bắt. Henry bị đưa sang Việt Nam vào mùa thu năm 1967 theo chương trình tăng viện 100.000 quân, khiến con số lính Mỹ ở đây lên đến gần nửa triệu. Đại đội B – đơn vị của ông chịu thương vong nặng nề với những "chiến tích" chẳng mấy rõ ràng. Lệnh lục soát các xóm làng bị thay thế bằng lệnh phải đốt trụi, “tìm và diệt” trở thành câu cửa miệng.

Đọc tiếp bản báo cáo về tội ác chiến tranh của Henry, ông kể: Tháng 9 năm 1968, ông rời Việt Nam. Máy bay vừa hạ cánh ở Fort Hood, bang Texas, ông nhanh chóng hẹn gặp một luật sư quân đội để báo cáo về cuộc thảm sát. Và ông thực sự kinh ngạc khi được luật sư khuyên ông nên ngậm miệng cho đến lúc không còn phục vụ trong quân đội nữa. Mấy chục năm sau vụ thảm sát, mỗi lần nhớ lại, Henry viết: “Tôi cảm thấy rất đau khổ. Tôi chỉ ngồi yên trên ghế và toàn thân run rẩy suốt gần một giờ đồng hồ. Tôi đã sống lại toàn bộ chuyện đó và chỉ ý nghĩ khơi lại mọi thứ rồi phải trải qua tất cả, tất cả một lần nữa, khiến cho tâm trí tôi rối bời. Nỗi sợ hãi cũng dâng lên… Cuộc sống của chúng tôi bước sang hồi kết khi im lặng trước những vấn đề quan trọng”.

Không chỉ Jamie Henry, trong Phía sau cuộc chiến, rất nhiều binh sĩ từng tham gia cuộc chiến đều sống trong tâm trạng ám ảnh, dày vò. Có thể kể đến như Robert D.Miller, một người lính xin tình nguyện làm nhiệm vụ điện đàm ngày ấy và cứ tưởng rằng việc đó sẽ giúp ông tránh được bắn nhau. Trước vụ thảm sát, ông chưa bao giờ tưởng tượng nổi có điều gì tồi tệ hơn phải tránh đạn hay nhìn một người bạn qua đời. Nó làm ông trăn trở trong suốt quãng đời còn lại. Ký ức của ông lần lại theo bản khai có tuyên thệ, thậm chí rất chi tiết, rõ ràng: “Có 19 người Việt Nam: một người đàn ông tóc bạc, số còn lại là trẻ em và phụ nữ. Carter điện đàm với Reh rồi ra hiệu lệnh bắt đầu bắn. Tôi thấy những đứa trẻ sơ sinh, những trẻ nhỏ, những người phụ nữ trần truồng. Tôi thấy cơ thể họ co quắp và tôi gặp những cơn ác  mộng. Tôi cảm thấy tội lỗi. Tôi đã không làm gì cả. Điều đó thật kinh khủng, không có một ai để báo cáo lại cả. Họ là những người vô tội”. Những ám ánh này đã khiến Miller nghiện rượu, hôn nhân đổ vỡ và bị suy nhược thần kinh. Trong những năm 1980, ông phải đi gặp chuyên viên tư vấn, bỏ rượu và tái hôn, nhưng những cơn ác mộng vẫn tiếp diễn.

Những bức ảnh của phóng viên ảnh Ronald Haeberle mang tính biểu tượng nhất  về vụ thảm sát Mỹ Lai.
Bức ảnh của phóng viên ảnh Ronald Haeberle mang tính biểu tượng nhất về vụ thảm sát Mỹ Lai.

Đó còn là cuộc sống của binh nhất Davey V.Hoag, một người từng từ chối tham gia vụ giết chóc nhưng chỉ chứng kiến thôi cũng khiến ông trở về Mỹ sau cuộc chiến với tâm trạng luôn trầm uất. Ông không còn là chính mình nữa. Ông bắt đầu uống rượu nhiều và gặp ác mộng. Ông mắc chứng rối loạn và bất ổn về tinh thần. Những ghi chép của điều tra viên từ năm 1973 nói rằng Hoag đã vào viện tâm thần của bệnh viện cựu chiến binh thành phố Oklahoma. Bác sĩ chữa trị cho anh ta nói với nhà chức trách rằng người cựu binh này bị “ám ảnh bởi tội ác chiến tranh từ hồi đến điều trị ở đây” và anh cần được điều trị lâu dài.

Nỗi ám ảnh, day dứt của những người từng một thời tham chiến trong Phía sau cuộc chiến càng khẳng định nỗi kinh hoàng của tội ác chiến tranh từ vụ Mỹ Lai và nhiều vụ Mỹ Lai khác ở Việt Nam. Khép lại quá khứ để hướng tới tương lai nhưng không có nghĩa là lãng quên quá khứ, mà hãy coi đó là hồi chuông thức tỉnh lương tri trên hành trình cùng vun đắp một thế giới hoà bình.

Đàm Thuần


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.