Multimedia Đọc Báo in

Buôn Ayun qua ký ức của những du kích năm xưa

08:52, 29/03/2018

Chúng tôi đến thăm vùng căn cứ cách mạng H5 ở buôn Ayun (thuộc xã Ea Kuêh, huyện Cư M’gar), được nghe những cựu du kích kể về tinh thần chiến đấu kiên trung của người dân nơi đây, góp phần làm nên Chiến thắng Buôn Ma Thuột ngày 10-3-1975, mở màn cho chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử...

Dẫn chúng tôi đến khu rừng “Trường Đảng” cách buôn Ayun 2 km, những người du kích năm xưa còn nhớ như in vị trí từng là Trường Chính trị cán bộ tỉnh. Dưới những tán cây cao to, xòe rộng bóng mát, ai nấy đều xúc động ôn lại những năm tháng khó khăn, gian khổ nhưng cũng đầy tự hào.

 Dẫu đã ở tuổi 73, song già Y Lang Ayun vẫn còn minh mẫn và nhanh nhẹn lắm. Ông kể: Khi mới 10 tuổi, ông đã được cán bộ cách mạng tin tưởng nhờ mang “cái này, cái kia” đến gửi cho “ai đó”.  Cứ thế, dần dà Y Lang hiểu đó là “làm cách mạng” nên càng nhiệt tình và cẩn trọng hơn. Dù đã hơn nửa thế kỷ trôi qua, nhưng ông Y Lang Ayun vẫn còn nhớ rõ chuyện gia đình mình từng nuôi cán bộ, nhớ những lần cùng mẹ thức thâu đêm giã gạo, nấu cơm rồi gói từng đùm để cho “bộ đội ăn có sức chiến đấu”…

Những người du kích năm xưa cùng nhau ôn lại năm tháng tham gia cách mạng.
Những người du kích năm xưa cùng nhau ôn lại năm tháng tham gia cách mạng.

Nhắc lại những năm tháng tham gia du kích xã 3 (nay là xã Ea Kuêh), ánh mắt già Y Lang Ayun ánh lên niềm tự hào. Ông kể: Dựa vào địa hình đồi núi hiểm trở, bà con buôn Ayun nuôi giấu cán bộ, gùi lương, tải đạn cho bộ đội nên địch đánh phá rất ác liệt. Năm 1963, Mỹ - ngụy đốt làng dồn dân vào ấp chiến lược ở Buôn Hồ hòng cắt đứt mối quan hệ quân – dân nhưng bà con vẫn tìm cách bỏ trốn về buôn. “Có thời điểm, người dân trong buôn không có gì để ăn ngoài lá và quả của các loại cây rừng, nhưng ai cũng vẫn hăng say sản xuất lương thực nuôi bộ đội. Cứ có được củ sắn, lon gạo là bà con lại để dành một nửa để đem vào rừng cho cán bộ…”, già Y Lang Ayun bồi hồi nhớ lại. 

Trong dòng hồi tưởng của mình, ông Y Djak Ayun (66 tuổi) xúc động nhớ về những ngày tháng Ba năm 1975 lịch sử: Khi chiến dịch Tây Nguyên mở ra, xóm A của buôn Ayun lúc ấy có khoảng 60 hộ, 200 người cùng đi theo bộ đội đánh giặc. Dân làng băng rừng lội suối suốt 1 ngày 1 đêm để tiến đến Buôn Hồ vào ngày 8-3-1975. Chỉ hơn 3 tiếng đồng hồ, quân ta đã chiếm giữ Buôn Hồ, hơn 600 tên ngụy quân ngụy quyền tháo chạy, đầu hàng. Sau đó bà con buôn Ayun lại hòa cùng bộ đội ở khắp mọi ngả tiến đánh giải phóng Buôn Ma Thuột. “Trên đường đi, trời nắng nóng, lương thực ít ỏi nhưng nhìn thấy lá cờ giải phóng tung bay khắp nơi mà ai nấy đều rạo rực”, Y Djak Ayun hào hứng kể.

Trẻ em buôn Ayun được học trong ngôi trường khang trang.
Trẻ em buôn Ayun được học trong ngôi trường khang trang.

Những năm tháng chiến tranh đã qua đi nhưng ký ức hào hùng của một thời gian khó ấy vẫn là “điểm tựa” vững chắc để người dân buôn Ayun bắt tay xây dựng cuộc sống mới. Bí thư Chi bộ buôn Ayun Y Blơk Niê hồ hởi cho biết, buôn Ayun hiện có 269 hộ, 1.436 nhân khẩu. Nhờ sự quan tâm đầu tư của Nhà nước cũng như nỗ lực cố gắng của mình, đời sống của người dân trong buôn ngày càng được cải thiện. Hiện nay, 100%  hộ dân có điện sử dụng và nguồn nước hợp vệ sinh. Buôn có 755 ha diện tích đất sản xuất với hơn 90% là cà phê, tiêu... cho năng suất cao. Nhiều hộ gia đình vươn lên làm giàu…

Buôn Ayun nay đã khoác “tấm áo” mới với những ngôi nhà xây mọc san sát, những con đường bê tông phẳng lì. Người dân nơi đây đang vững bước trên con đường đổi mới, để xứng đáng với truyền thống của vùng căn cứ cách mạng năm xưa…

Thùy Duyên


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.