Multimedia Đọc Báo in

Xã 9 - Tư Cung ngày ấy bây giờ

09:50, 09/03/2018

Là một trong những cơ sở cách mạng vững chắc, xã 9 - Tư Cung, nay là Cư Bao (thị xã Buôn Hồ) có nhiều đóng góp to lớn đối với cách mạng thời kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Phát huy truyền thống cách mạng, xã Cư Bao đang nỗ lực xây dựng cuộc sống mới, giàu đẹp, ấm no trên quê hương anh hùng.

Theo Lịch sử Đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện Krông Búk, trong sự nghiệp đấu tranh cách mạng giải phóng dân tộc 1930-1975, Tư Cung là đơn vị hành chính được thành lập năm 1959 theo chính sách di dân lập dinh điền của chính quyền Ngô Đình Diệm. Nhân dân dinh điền Tư Cung là người dân của hai huyện Đại Lộc, Quế Sơn thuộc tỉnh Quảng Nam. Sống dưới chế độ hà khắc của chính quyền Ngô Đình Diệm, nhân dân dinh điền với truyền thống cách mạng kiên cường có sẵn từ quê hương Quảng Nam đã sớm “truyền lửa” phong trào cách mạng vào đồng bào các dân tộc nơi đây, bắt nhịp với tổ chức cách mạng ở Buôn Hồ, Đắk Lắk. Tháng 3-1965, dinh điền được giải phóng, ngày 1-10-1965 Huyện H4 đặt tên đơn vị hành chính nơi đây là xã 9 (hay gọi là xã 9 – Tư Cung).

Đường nông thôn mới ở thôn Sơn Lộc 1 - một trong 3 thôn cách mạng thuộc xã 9 - Tư Cung trước đây, nay là xã Cư Bao.
Đường nông thôn mới ở thôn Sơn Lộc 1 - một trong 3 thôn cách mạng thuộc xã 9 - Tư Cung trước đây, nay là xã Cư Bao.

Gần 20 năm kháng chiến chống Mỹ, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân và lực lượng vũ trang xã 9 - Tư Cung đã cùng với quân dân các dân tộc huyện H4 thực hiện phương châm “hai chân, ba mũi giáp công” vô cùng anh dũng kiên cường. Họ đã chiến đấu anh dũng, vượt qua nhiều gian khổ, hy sinh, tích cực sản xuất, tích trữ lương thực cung cấp cho cách mạng, góp phần làm nên chiến thắng Buôn Hồ ngày 12-3-1975, chiến thắng Buôn Ma Thuột giải phóng tỉnh Đắk Lắk ngày 10-3-1975, tiến tới giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước ngày 30-4-1975.

Tại Hội thảo lịch sử xã 9 - Tư Cung trong kháng chiến chống Mỹ do Thị ủy Buôn Hồ tổ chức ngày 19-12-2017, đồng chí Y Luyện Niê Kdăm, nguyên Đội trưởng Đội công tác số 3 của tỉnh phụ trách xã 9 – Tư Cung giai đoạn 1971-1973, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk chia sẻ, mặc dù công tác ở xã 9 chỉ trong vài năm nhưng bản thân ông thấy được tinh thần gan dạ, sức chiến đấu bền bỉ và tinh thần sẵn sàng hy sinh của nhân dân xã 9 – Tư Cung. Vì sự nghiệp cách mạng, trên 200 người đã tham gia du kích, bộ đội địa phương (đứng đầu toàn huyện H4 trong thời gian đó), 100% gia đình ở xã 9 có người thân tham gia trực tiếp hoặc là cơ sở của cách mạng và đặc biệt là đã cung ứng cho chiến trường khoảng 250 tấn lương thực, thực phẩm. Trong chiến đấu xã 9 – Tư Cung đã đánh trên 30 trận, diệt 40 tên, thu giữ 9 xe, 42 súng các loại cùng hàng ngàn viên đạn và chiến lợi phẩm khác. Sau giải phóng cũng đã khai hoang trên 200 ha đất nông nghiệp và hình thành Nông trường cao su Cư Bao.

Giờ ra chơi của học sinh Trường Tiểu học Chuẩn Quốc gia Nguyễn Văn Trỗi xã Cư Bao.
Giờ ra chơi của học sinh Trường Tiểu học Chuẩn Quốc gia Nguyễn Văn Trỗi xã Cư Bao.

 

 
Để ghi nhận công lao to lớn của quân và dân xã 9 - Tư Cung, thị xã Buôn Hồ đã hoàn chỉnh hồ sơ đề nghị Đảng, Nhà nước công nhận đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân đối với xã 9 - Tư Cung trình Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và Hội đồng Thi đua khen thưởng Tỉnh.
 
Đồng chí Y Vinh Tơr, Bí thư Thị ủy cho biết

Đồng chí Lê Chí Quyết, nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy khẳng định, tuy Tư Cung là địa phương không lớn, dân số không đông, nhưng Tư Cung đã cung cấp thanh niên với số lượng lớn để bổ sung cho các đội công tác, bộ đội địa phương, của huyện và tỉnh, cũng như cung cấp lực lượng dân công hỏa tuyến phục vụ các chiến dịch đánh địch ở tiền phương, gùi cõng vũ khí đạn dược, lương thực ra tiền tuyến cho bộ đội, khiêng cõng thương binh, chôn cất liệt sĩ, gùi cõng chiến lợi phẩm thu được về hậu cứ. Lực lượng dân công của Tư Cung ra tận trận địa, gùi hàng hóa, lương thực, thuốc men về các kho A9, A10, vượt đường 14 về H4, rồi vượt đường 21 về căn cứ H9 cho tỉnh và cho cả Khánh Hòa. Bên cạnh đó, mặc dù đây chỉ là một dinh điền nhỏ, dân số không đông, lại bị địch khống chế, kìm kẹp, đi lại khó khăn, sản xuất mua bán đều rất hạn chế, nhưng người dân nơi đây đã chia sẻ từng hạt lúa, hạt gạo, từng hạt muối, củ khoai để đóng góp cho cách mạng, nuôi quân đánh giặc.

Trên địa bàn xã Cư Bao hiện có 114 gia đình có công với cách mạng, tham gia đấu tranh chính trị, hoạt động cách mạng bị địch bắt tù đày; 70 liệt sỹ, 18 thương binh; 14 bệnh binh; 4 Mẹ đã được công nhận Mẹ Việt Nam Anh hùng (2 Mẹ đã mất), 4 Mẹ đang gửi hồ sơ đề nghị cấp trên công nhận trong thời gian tới; 21 hộ gia đình nuôi giấu cán bộ… Xã cũng đã được Nhà nước xây dựng 1 nhà bia Tổ quốc ghi công đối với 70 liệt sỹ, trong đó hầu hết hài cốt các liệt sỹ vẫn chưa quy tập được.

Sau ngày đất nước giải phóng, xã 9 - Tư Cung được đổi tên thành xã Cư Bao. Phát huy truyền thống anh hùng trên quê hương cách mạng, nhân dân các dân tộc xã Cư Bao đã khắc phục mọi khó khăn, gian khổ xây dựng lại cuộc sống mới. Ông Đỗ Văn Sơn, Chủ tịch UBND xã Cư Bao cho biết, được sự quan tâm của Đảng, đầu tư của Nhà nước và sự nỗ lực của nhân dân, kinh tế - xã hội của địa phương có bước phát triển, đời sống vật chất, văn hóa tinh thần từng bước được nâng lên, xã không còn hộ đói, 100% số hộ có nhà kiên cố, nhiều gia đình có nhà 2-3 tầng; 100% số hộ gia đình sử dụng nước sạch, điện thắp sáng, số hộ nghèo giảm còn 4,84%. Năm 2017, xã Cư Bao đã được UBND tỉnh công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới. Xã đã được Nhà nước tặng 1 Huân chương Chiến công hạng Nhất; 1 Cờ luân lưu;1 Huân chương Chiến công hạng Hai...

Trải qua các giai đoạn lịch sử kháng chiến chống Mỹ, quân và dân xã 9 - Tư Cung đã đóng góp một phần xương máu, công sức cho cách mạng. Sự đóng góp to lớn của quân và dân xã 9 – Tư Cung đã cùng với quân dân toàn huyện H4 làm nên danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước của thị xã Buôn Hồ hôm nay.

Lê Hương


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.