Multimedia Đọc Báo in

Chuyện tàu Hải quân Việt Nam cứu ba phi công Mỹ...

09:00, 26/06/2018

Sau 40 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, thế hệ cán bộ, chiến sĩ Tàu 11 Lữ đoàn 171, Vùng 2 Hải quân luôn là “cánh chim đầu đàn” trong khối tàu săn ngầm 159AE, cả về thành tích huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, học tập, xây dựng nền nếp chính quy, rèn luyện kỷ luật cả về phát huy truyền thống đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân trong thời kỳ đổi mới.

Ngày 10-6-2018, Tàu 11 Lữ đoàn 171, Vùng 2 Hải quân kỷ niệm 40 năm Ngày thành lập (30-6-1978 – 30-6-2018). Thế hệ cán bộ, chiến sĩ có dịp ôn lại quá trình ra đời và phát triển, trong đó một sự kiện đáng nhớ là cứu ba phi công Mỹ giữa đại dương bao la mùa hè 30 năm trước.

Cho đến bây giờ, 30 năm đã trôi qua, ba cựu binh: Thượng tá Nguyễn Quang Tạo (nguyên thuyền trưởng), Thượng tá Hoàng Văn Thể (nguyên thuyền phó quân sự),  Trần Văn Giáo (nguyên máy viên, tàu HQ11) mới có dịp cùng nhau ôn lại sự kiện cứu ba phi công Mỹ ở đảo Đá Lớn.

11 giờ 15 trưa 10-7-1988, khi cán bộ, chiến sĩ tàu HQ11 ăn cơm vừa xong chuẩn bị nghỉ trưa thì bất chợt phát hiện tiếng máy bay gầm rú phía đông đảo Đá Lớn cách 3 hải lý. Chỉ vài phút sau, chiếc máy bay dạng vận tải quân sự vụt tới lắc lư như có ý xin hạ cánh. “Toàn tàu báo động chiến đấu khẩn cấp”- tiếng thuyền trưởng - Đại úy Nguyễn Quang Tạo hô lớn từ ca-bin. Một hồi kẻng báo động chiến đấu vang lên từ phòng trực ban. Tất cả về vị trí chiến đấu. Lúc này chiếc máy bay loạng choạng phía bắc đảo Đá Lớn, rồi đâm nhào xuống biển cách tàu 1 hải lý. Tất cả cán bộ, chiến sĩ trên tàu chỉ kịp nhìn thấy một luồng sóng trắng xóa, rồi từ đó hiện lên một chiếc phao cao su, trên đó có ba người. Thuyền phó quân sự - Đại úy Hoàng Văn Thể lệnh cho bộ đội hạ hai xuồng cứu sinh và trực tiếp chỉ huy một tiểu đội nhanh chóng cơ động về phía máy bay gặp nạn để cứu người.

Ba phi công Mỹ (đứng hàng phía sau) được bộ đội Tàu 11 cứu sống 30 năm trước tại đảo Đá Lớn, Trường Sa.   (Ảnh tư liệu)
Ba phi công Mỹ (đứng hàng phía sau) được bộ đội Tàu 11 cứu sống 30 năm trước tại đảo Đá Lớn, Trường Sa. (Ảnh tư liệu)

 Giữa sóng to gió lớn, hai chiếc xuồng cứu sinh nhỏ xíu như bị nuốt vào lòng biển cứ chồm lên ngụp xuống. Khi tiếp cận, những người bị nạn vô cùng hoảng hốt. Một phi công đang cầm bộ đàm liên lạc với người của họ. Thuyền phó quân sự Hoàng Văn Thể nói bằng tiếng Anh: “Chúng tôi là cán bộ chiến sĩ Hải quân Việt Nam. Chúng tôi sẵn sàng cứu các bạn”. Ba phi công mừng rỡ lộ rõ trên khuôn mặt. Một phi công nữ nói và ra hiệu chị đang có thai trong bụng ba tháng, xin cứu chị. Chiếc xuồng cứu sinh nhỏ bé lại chồm ngụp trong sóng gió đưa ba phi công lên tàu HQ11 an toàn. Việc đầu tiên là khám sức khỏe cho phi công nữ đang mang thai. Biết đứa con trong bụng còn sống, chị đã khóc. Tên chị là Stein Necker nhân viên, còn hai người kia là Richard Kamaurer (chỉ huy tổ lái) và nhân viên Michael Rneel. Qua tiếp xúc được biết, họ là thành viên của đoàn bay CT-39-NALO192 thuộc Hải quân Mỹ (Hạm đội Thái Bình Dương). Hôm đó họ đi làm nhiệm vụ từ Singapore đến căn cứ Hải quân Subic (Philippines) thì gặp thời tiết xấu, máy bay không thể hạ cánh được, bèn bay vòng ra biển thì gặp nạn.

Vào thời điểm ấy, tàu HQ11 đi làm nhiệm vụ trên biển xa đã 73 ngày. Lương thực thực phẩm, rau xanh, nước ngọt cạn kiệt. Giữa biển khơi bao la nắng và gió, hơn 100 cán bộ chiến sĩ đã phải chắt chiu chia nhau từng ca nước ngọt nhưng không thể để ba phi công Mỹ gặp nạn thiếu thốn. Thuyền phó quân sự Hoàng Văn Thể đã phát động phong trào tiết kiệm: “Mỗi người nhịn tắm 7 ngày dành nước ngọt cho ba phi công”. Thấy các phi công Mỹ không ăn được cơm, Ban Chỉ huy tàu quyết định mở kho lương thực dự trữ lấy mì tôm và sữa hộp đặc cho họ. 

Sau khi liên lạc với Hoa Kỳ theo đường ngoại giao, sáng 13-7-1988, ba phi công gặp nạn được tàu của Hải đoàn 128 Hải quân đón về đất liền. Cuộc chia tay có một không hai diễn ra ngay trên boong tàu. Giữa bộn bề sóng nước, một bên là những vị khách quốc tế gặp nạn, một bên ân nhân là chiến sĩ Hải quân. Ai cũng xúc động chẳng nói nên lời. Những tấm ảnh chụp vội làm kỷ niệm như thay lời ghi nhớ công ơn của các chiến sĩ Hải quân Việt Nam đã cứu họ. Xúc động chen lẫn niềm vui, anh phi công Richard Kamaurer (chỉ huy tổ lái) nói:  “Xin cảm ơn bộ đội Việt Nam. Cảm ơn các bạn. Nếu không có các bạn chúng tôi đã bị đắm chìm dưới đại dương bao la này”. Còn chị Stein Necker đã bật khóc. Cô xin mảnh giấy, mượn bút viết vội lá thư như thay lời cảm ơn gửi lại tàu, bức thư có đoạn: “Cảm ơn các bạn đã cứu chúng tôi từ lòng biển cả. Lòng mến khách của các bạn thật tuyệt vời. Cảm ơn các bạn rất nhiều và chắc chắn chúng ta sẽ gặp lại nhau”. 

Bức thư của người nữ phi công Mỹ viết vội ngày nào đã thành kỷ vật thiêng liêng đặt khiêm tốn trong phòng truyền thống của Lữ đoàn 171 Hải quân như nhắc lại một kỷ niệm đẹp về lòng nhân ái của những người lính Bộ đội Cụ Hồ.

Tàu 11 là loại tàu săn ngầm thuộc Lữ đoàn 171 Hải quân được thành lập ngày 30-6-1978. Không thể thống kê chi tiết 40 năm qua, cán bộ, chiến sĩ của tàu đã thực hiện bao chuyến hải trình, tuần tiễu, bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc; chỉ biết, ngần ấy thời gian, tàu luôn là “cánh chim đầu đàn” về thành tích huấn luyện chiến đấu, rèn luyện kỷ luật và xây dựng nền nếp chính quy. Ngày 11-6-1999, Tàu 11 được tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ đổi mới - kết quả của tiếp nối và phát huy truyền thống “Xứng danh Bộ đội Cụ Hồ trong hành trình giữ biển”.

Thế hệ cán bộ chiến sĩ Tàu 11 anh hùng hôm nay vẫn đang mài sắc ý chí chiến đấu và quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. “Nhiều năm liền tàu đạt danh hiệu Quyết thắng; kiên cường dũng cảm khi hoạt động trên biển; chính quy tốt, kỷ luật nghiêm, mẫu mực dẫn đầu khi làm nhiệm vụ ở đất liền”, là quá trình phấn đấu không ngừng nghỉ của cán bộ chiến sĩ toàn tàu”, Trung tá Nguyễn Văn Long, Chính trị viên tàu 11, cho hay.

Mai Thắng


Ý kiến bạn đọc