Multimedia Đọc Báo in

Đôi nét về dòng chảy Báo chí Cách mạng ở Đắk Lắk

08:55, 26/06/2018

Thời gian các đồng chí Nguyễn Văn Nhị, Dương Thanh Tùng làm Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh đã tổ chức những cuộc hội thảo về báo chí ở Đắk Lắk thời kỳ cách mạng và chống Mỹ, tôi may mắn được tham dự và ghi chép.

Qua tài liệu thu thập và trao đổi được kiểm chứng của lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ như các đồng chí: Huỳnh Văn Cần, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Ama H’Oanh (Tô Tấn Tài), Phó Bí thư Tỉnh ủy; Ama Thương, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn An Vinh, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Lê Chí Quyết, Phó Bí thư Tỉnh ủy; Châu Khắc Chương, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy…, có thể khẳng định rằng trong chiều dài 93 năm của Báo chí Cách mạng Việt Nam, có 86 năm báo chí Đắk Lắk là một phụ lưu.

Từ năm 1932, tại Nhà đày Buôn Ma Thuột có các tờ báo viết tay 4 trang khổ nhỏ bằng bàn tay để dễ chuyền tay nhau mà vẫn giữ được bí mật, giáo dục chí khí cách mạng cho tù nhân, như các tờ: “Yuăn-Êđê”, “Xiềng Xích”, “Xích Sắt”. Các bậc tiền bối như Phan Đăng Lưu, Hồ Tùng Mậu là những người đặt nền móng và trực tiếp viết bài.

Giai đoạn 1945-1954 có tờ “Buôn Hồ” do cụ Y Wang, Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chính tỉnh làm chủ bút, gồm 3 thứ tiếng: Êđê, Ba Na, J’rai; sau có thêm tờ “Thông tin Tây Nguyên”, “Nơ Trang Lơng” và tờ “Binh Nhì” của Trung đoàn 84.

Giai đoạn 1954-1975: Báo chí đã bắt đầu phát triển. Tờ “Thống Nhất” ra hằng tháng, khổ 13x19 cm, dày 16-20 trang. Đồng chí Ama Ta là người phụ trách. Cuối cuộc kháng chiến chống Mỹ có thêm các tờ “Giải Phóng”, “Học Tập”.

Bạn đọc của Báo Đắk Lắk góp ý cho sự phát triển của tờ báo tại buổi gặp mặt cộng tác viên năm 2018. Ảnh: H.Gia
Bạn đọc của Báo Đắk Lắk góp ý cho sự phát triển của tờ báo tại buổi gặp mặt cộng tác viên năm 2018. Ảnh: H.Gia

Từ sau khi thống nhất đất nước, báo chí phát triển rầm rộ và càng hoàn thiện.

Không kể hàng chục cơ quan báo chí của Trung ương thường trú trên địa bàn tỉnh, hàng chục tập san và bản tin của cơ quan, đoàn thể, hội chuyên ngành của tỉnh, có 3 cơ quan báo chí của tỉnh được Bộ Thông tin – Truyền thông cấp giấy phép hoạt động. Đó là Báo Đắk Lắk, thành lập ngày 15-1-1976; Đài Phát thanh - Truyền hình (tuy phát sóng phát thanh từ 1-5-1975 nhưng đến năm 1980 mới có truyền hình); tạp chí văn nghệ Chư Yang Sin của Hội Văn học – Nghệ thuật Đắk Lắk.

Đến nay tôi vẫn cộng tác với 3 cơ quan báo chí trên, nhưng đặc biệt gắn bó lâu nhất với Báo Đắk Lắk. Từ năm 1976, tôi đã có thơ in trên số 6 của báo. Bài thơ “Đâu cũng quê hương” viết về vùng kinh tế mới Thái Bình ở Đắk Lắk, sau này thành xã Quỳnh Tân, Quỳnh Ngọc (huyện Krông Ana). Khổ kết của bài thơ là:

Chèo làng Khuốc trong tiếng em khoan nhặt

Thánh thót lời ca quyện tiếng tơ rung

Hạt giống mới gieo mầm trên Đắk Lắk

Em thầm thì: Đâu cũng quê hương!

Lúc bấy giờ đất rộng, người thưa. Tôi chỉ muốn nhiều người vào Đắk Lắk cho đông vui, mang theo văn hóa nhiều vùng miền. Lần lượt các bài: “Huế giữa cao nguyên”, “Nghe quan họ trên cao nguyên” được ra mắt. Đến năm 1978 tôi là một trong những người đầu tiên nhận thẻ thông tín viên của Báo Đắk Lắk.

Nhân dịp kỷ niệm 93 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, tôi xin ghi lại đôi dòng để bạn đọc biết thêm thông tin về dòng chảy phụ lưu báo chí Đắk Lắk đã hòa nhập từ 86 năm trước.

Hữu Chỉnh


Ý kiến bạn đọc