Multimedia Đọc Báo in

Chuyện về người thầy giáo thương binh

10:14, 24/07/2018

Người dân vùng căn cứ kháng chiến cũ Krông Bông ai cũng biết và yêu mến thầy giáo Y Jăm Hlong, người thầy giáo thương binh thường được gọi là Ama Nguôi.

Ông Y Jăm Hlong sinh ra và lớn lên ở buôn Mnghăn (xã Cư Pui, huyện Krông Bông), là một trong số rất ít người M’nông có trình độ học vấn lớp ba thời Pháp. Năm 1959, khi vừa tròn 19 tuổi, Y Jăm được đồng chí Nay Dú (thường gọi Ama Sai) trong đội công tác Khu 5 tìm đến đưa ra rừng giáo dục, cảm hóa để về làm cơ sở bí mật ở trong buôn. Năm 1961, vùng 4B5 (tiền thân huyện H9 - Krông Bông) giành chính quyền về tay nhân dân, địch thường xuyên tổ chức bố ráp, đi càn dồn dân vào “ấp chiến lược”. Mặc dù ở hai đầu buôn Mnghăn, địch luôn bố trí hai trung đội bảo an túc trực canh gác, kiểm soát gắt gao “nội bất xuất, ngoại bất nhập” nhưng bằng uy tín của mình, Y Jăm đã vận động các trưởng dòng họ không để địch bắt dân đi. Tình hình mỗi lúc trở nên ác liệt, ông đã đưa 25 hộ với 120 nhân khẩu sơ tán vào buôn Mghí theo cách mạng. Năm 1968, sau khi tham gia đấu tranh chính trị Tết Mậu Thân 1968 ở thị xã Buôn Ma Thuột trở về, Y Jăm và 6 du kích khác được xã điều động tham gia cùng đơn vị bộ đội chủ lực đánh địch ở xã Ea Knuếc trên đường 21 (nay thuộc huyện Krông Pắc). Sau hai ngày vượt đường rừng, đơn vị của ông đã tiếp cận được mục tiêu, khi phát hiện địch không quan sát, đơn vị ông đồng loạt nổ súng tiêu diệt tại chỗ 3 tên. Trong trận đánh này, ông và một đồng đội bị thương được đưa về căn cứ điều trị.

Thầy giáo Y Jăm Hlong.
Thầy giáo Y Jăm Hlong.

Năm 1970, Trường Dân tộc nội trú của huyện được thành lập, Y Jăm được phân công phụ trách trường và trực tiếp giảng dạy lớp ba. Ông Y Jăm nhớ lại: “Nói là trường nhưng chỉ có 4 lớp với 160 học sinh thuộc hai khối lớp ba và lớp bốn. Mọi thứ đều thiếu thốn, các thầy giáo phải lấy sắn phơi khô gọt thành thỏi để làm phấn viết, tìm loại đá non, mềm có màu đỏ về làm phấn màu. Học sinh ngoài giờ lên lớp phải tăng gia sản xuất, tự túc lương thực”. Khó khăn là thế nhưng phong trào thi đua dạy và học rất sôi nổi; nhiều học sinh của trường sau này trưởng thành giữ nhiều cương vị trọng trách của huyện và xã, trở thành sĩ quan quân đội nhưng vẫn nhớ về người thầy giáo thương binh Y Jăm năm nào.

Sau ngày thống nhất đất nước, ông Y Jăm rời bục giảng trở về cuộc sống đời thường. Là thương binh 4/4, để bảo đảm cuộc sống cho gia đình, ông đã động viên gia đình tích cực khai hoang vỡ hóa, đi đầu trong phong trào làm lúa nước ở trong buôn. Hiện nay gia đình ông có 2 ha ruộng và 1,5 ha rẫy, mỗi năm thu gần chục tấn lúa và hoa màu, mang lại nguồn thu nhập ổn định.

Tuy nay đã ở cái tuổi bát tuần, nhưng mỗi khi người trong buôn có việc cần đến, người thầy giáo già Y Jăm vẫn sẵn sàng tư vấn bằng những kiến thức của mình, hoặc giúp đỡ bằng vật chất để họ cùng vươn lên.

   Mai Viết Tăng


Ý kiến bạn đọc