Multimedia Đọc Báo in

Đến nơi đã từng đón tiếp Bác Hồ và Chủ tịch Cuba Fidel Castro ở Quảng Bình

06:30, 14/07/2018

Tọa lạc ở thôn Giao Tế, xã Đức Ninh, thành phố Đồng Hới (tỉnh Quảng Bình), Di tích lịch sử Quốc gia, cơ quan Giao tế - Chuyên gia (gọi tắt là Khu giao tế Quảng Bình) được thành lập ngày 21-8-1954.

Trong 34 năm thực hiện sứ mệnh ngoại giao, cơ quan này đã đón tiếp chu đáo trên 450 đoàn khách trong và ngoài nước, trong đó có hai sự kiện lớn là chuẩn bị bữa cơm trưa nhân dịp Bác Hồ vào thăm Quảng Bình – Vĩnh Linh ngày 16-6-1957 và đón tiếp Chủ tịch Cuba Fidel Castro nhân chuyến thăm hai tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị tháng 9-1973.   

Tháng 7-1954, Hiệp định Genève về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương được ký kết. Việt Nam tạm thời bị chia cắt thành hai miền thông qua vĩ tuyến 17. Quảng Bình trở thành tuyến đầu của miền Bắc xã hội chủ nghĩa và cũng là cửa ngõ trong công cuộc chi viện sức người, sức của từ hậu phương miền Bắc vào tiền tuyến miền Nam để tiếp tục đánh Mỹ, thống nhất Tổ quốc. Quảng Bình còn là quê hương của phong trào thi đua “Hai giỏi” (chiến đấu giỏi, sản xuất giỏi) vào thời kỳ đó nên được lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta cũng như của các dân tộc yêu chuộng hòa bình trên thế giới thường xuyên đến thăm và làm việc.

Các dãy nhà trong Khu giao tế Quảng Bình.
Các dãy nhà trong Khu giao tế Quảng Bình.

Khu giao tế Quảng Bình khi mới thành lập có trụ sở tại thị xã Đồng Hới. Trước chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ năm 1964, Giao tế Quảng Bình chủ yếu đưa đón các đoàn cán bộ, chiến sĩ miền Nam tập kết ra Bắc, các đoàn đồng bào giới tuyến sơ tán tránh xa vùng chiến sự, các đoàn nước ngoài đến thăm và công tác ở Quảng Bình. Năm 1964, khi giặc Mỹ điên cuồng tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc , trong mưa bom bão đạn, để bảo đảm hoạt động đưa đón, phục vụ khách, Giao tế Quảng Bình đã liên tục chuyển trụ sở tiếp khách cũng như bắt buộc phải chia hoạt động giao tế thành những nhóm nhỏ, đóng tại nhiều địa phương trong tỉnh như Đức Ninh, Cộn, Nghĩa Ninh, Lý Ninh, Bố Trạch...

Tháng 1-1973, Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết. Vừa thoát khỏi bom đạn hủy diệt của Mỹ, đau thương, đổ nát vẫn hiện hữu nhưng để thực thi sứ mệnh lịch sử mới, Trung ương Đảng, Chính phủ chỉ đạo Quảng Bình nhanh chóng ổn định lại hoạt động giao tế. Giữa bộn bề khó khăn, bằng sự quyết tâm và đồng lòng từ chính quyền đến nhân dân, Khu giao tế Quảng Bình được xây mới rộng gần 4 ha, có đầy đủ khu vực hội trường, ăn uống, ngủ nghỉ. Đây chính là địa điểm Di tích lịch sử Quốc gia được Bộ Văn hóa  - Thông tin xếp hạng năm 1998, cách trung tâm Đồng Hới khoảng 3 km, ngược lên phía Tây.

Dù trong hoàn cảnh nào, Khu Giao tế Quảng Bình luôn nỗ lực vượt qua khó khăn, tạo được thiện cảm và cả lòng mến mộ của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và bạn bè quốc tế. Trong những chuyến thăm vì quyết sách, chiến lược hay vì tình hữu nghị, hợp tác, những người làm giao tế ngày ấy luôn khắc sâu kỷ niệm, sự tôn kính và cảm thấy thật may mắn khi được đón Bác Hồ và Chủ tịch Cuba Fidel Castro.

Trưa 16-6-1957, khi đến dùng bữa tại Khu Giao tế Quảng Bình, Bác Hồ đã chủ động đi thẳng xuống nhà bếp cơ quan rồi niềm nở bắt chuyện, nhỏ nhẹ hỏi han từng người. Khi dùng bữa, Bác ăn rất ngon miệng món thịt lợn chấm mắm quầy (thứ mắm sền sệt, màu nâu xám là đặc sản của Quảng Bình, được làm từ các loại cá biển như cá trích, cá nục, cá cơm…). Thấy thế, đồng chí Nguyễn Tư Thoan, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình khi đó bảo với nhà bếp mang thêm một đĩa thịt và bát mắm quầy khác nhưng Bác đã từ chối và nói rằng Bác dùng như vậy là đủ lắm rồi, nếu gọi thêm nữa sẽ ăn không hết, rồi ai sẽ ăn thừa cho chúng ta! Những giờ phút hiện diện ngắn ngủi giữa trưa hè  tháng 6-1957 nhưng cốt cách lãnh tụ vĩ đại của Bác Hồ vẫn tỏa sáng rực rỡ ở Khu Giao tế Quảng Bình, đó là sự gần gũi, đức tính cần kiệm thường trực và tình yêu thương vô bờ đối với người dân.

 Ngày 16-9-1973, Chủ tịch Cuba Fidel Castro đến thăm Quảng Bình, Quảng Trị. Cơ quan Giao tế Quảng Bình vinh dự đưa đón, chuẩn bị bữa ăn, chỗ nghỉ ngơi và thuyết minh về các điểm dừng chân trên đất Quảng Bình cho Chủ tịch Fidel và cả đoàn. Các cán bộ giao tế Quảng Bình ngày ấy không quên được hình ảnh Chủ tịch Fidel rơi nước mắt khi đến bến đò Mẹ Suốt, nghe kể về người phụ nữ anh hùng tuổi 60 mà vẫn đêm ngày vững tay chèo đưa bộ đội qua sông bất chấp hiểm nguy. Cũng trong chuyến thăm lịch sử này, Chủ tịch Fidel Castro đã quyết định xây tặng Quảng Bình một bệnh viện lớn. Công trình chính thức khởi công ngày 19-5-1974 nhân ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh; toàn bộ thiết bị, vật tư máy móc đều được vận chuyển từ Cuba sang. Sau 7 năm thi công, bệnh viện đã hoàn thành và có tên Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba Đồng Hới.

Khu Giao tế Quảng Bình được giải thể vào tháng 7-1988. Hiện trong di tích lịch sử Khu Giao tế Quảng Bình đang trưng bày các bức ảnh Bác Hồ trong lần đến thăm Quảng Bình và căn phòng mà Chủ tịch Cuba Fidel Castro nghỉ lại vẫn được giữ gìn nguyên trạng. Các hiện vật đều được cán bộ Ban quản lý Di tích trân trọng và tìm hiểu cặn kẽ nhằm giúp khách tham quan biết rõ thêm về các điểm tiếp khách thời chiến cũng như thấm thía hơn về niềm tự hào và cả những hy sinh của cán bộ hoạt động giao tế - ngoại giao ngày ấy.  

Nguyễn Tiến Dũng


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.