Chuyện con trai người nô lệ buôn Kô Siêr
08:33, 18/08/2018
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công ở Đắk Lắk có sự đóng góp không nhỏ của những trí thức người Êđê trong việc vận động đồng bào dân tộc thiểu số tham gia ủng hộ Việt Minh giành chính quyền, như Y Ngông Niê Kdam, Y Wang Mlô Dun Du, Y Tlam, Y Blok Êban, Ama Khê… Một người trong số đó là Y Nuê Buôn Krông (sau này là Giáo sư bác sĩ Nguyễn Ái Phương, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên).
Khi người Pháp mở chiến dịch “lùa” trẻ em người Êđê từ mọi buôn làng trong tỉnh từ 7 tuổi trở lên vào học Trường Tiểu học Pháp - Êđê (nay là Trường Cao đẳng Kỹ thuật cơ điện Đắk Lắk), tù trưởng Ama Thuột cho cả con cái nô lệ đi học; trong số các con của những gia đình nô lệ ấy có Y Nuê Buôn Krông. Cha mất sớm, mẹ là nô lệ nên mặc dù được đi học song gia đình Y Nuê vẫn rất nghèo túng. Y Nuê ở nội trú trong Trường Tiểu học Pháp - Êđê mới đỡ một phần cơm cho amí. Vào ngày chủ nhật, anh vẫn về buôn Kô Siêr giúp mẹ, khi săn thỏ, lúc xúc cá, hái rau… Y Nuê hiền lành, tốt bụng nên có nhiều bè bạn. Ngày nghỉ, các bạn cùng lớp xa nhà như Y Ngông, Y Tlam, Y Púk… theo Y Nuê về vừa giúp bạn lao động, vừa vui chơi.
Phong trào Việt Minh ở Đắk Lắk lên cao. Nghe sự giảng giải của các thầy Y Jút, Y Út…, học sinh dân tộc ở Trường Tiểu học Pháp - Êđê mới hiểu ra lý do vì sao gia đình mình phải đi phu; vì sao trong trường chỉ được học tiếng Êđê và tiếng Pháp, không được học tiếng Việt, cũng không được mặc áo quần như người Kinh, chỉ được mặc khố… Lúc đầu mặc cảm mình nghèo nên Y Nuê còn rụt rè khi biết các bạn hội họp đấu tranh chống chính quyền cai trị.
Việt Minh mỗi lúc thêm có ảnh hưởng sâu rộng, nhất là từ sau cuộc biểu tình đòi đổi Công sứ Sabachie do thầy giáo người Êđê Y Jut H’wing khởi xướng. Y Nuê từ chỗ còn “nghe ngóng”, đã dần dần hiểu ra, trở thành một nhân tố tích cực của phong trào. Những ngày đi học trung học ở Quy Nhơn, cùng một số bạn như Y Ngông, Y Tlam…, Y Nuê cũng bị cắt hết học bổng vì tham gia phong trào yêu nước. Sau này, theo sự phân công của tổ chức, anh còn là thư ký Việt Minh của nhóm trí thức dân tộc Êđê được tập hợp lại làm công tác vận động quần chúng, đóng trụ sở tại đường Mai Hắc Đế (nay là khu vực Tỉnh ủy Đắk Lắk).
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, người y sĩ 22 tuổi Y Nuê Buôn Krông được phân công nhiệm vụ trong Ban quản lý phụ trách bệnh viện tỉnh và là ủy viên Ủy ban nhân dân giải phóng lâm thời tỉnh Đắk Lắk.
Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên - nơi Giáo sư bác sĩ Nguyễn Ái Phương (Y Nuê Buôn Krông) từng công tác. Ảnh: H.Gia |
Kháng chiến chống Pháp bước vào giai đoạn ác liệt. Tháng 1-1946, Y Nuê Buôn Krông chào amí, giã từ làng buôn đi khắp các chiến trường miền Trung và Tây Nguyên với vai trò y sĩ tham gia chữa bệnh cho bộ đội cho đến tháng 10-1954 tập kết ra Bắc. Những tên gọi Nguyễn Ái Phương (Y Nuê Buôn Krông), Nguyễn Ái Việt (Y Ngông Niê Kdam)… lấy theo tên lãnh tụ cách mạng Nguyễn Ái Quốc để chứng tỏ lòng yêu nước của mình bắt đầu có từ đấy.
Đi một mạch cho đến tận tháng 8-1975, Nguyễn Ái Phương mới có dịp ghé về buôn Kô Siêr, cả nhà nay chỉ còn lại một người em trai nghèo. Buồn vì sự mất mát của gia đình nhưng bác sĩ Nguyễn Ái Phương càng thêm quyết tâm xây dựng lại quê hương. Ông đưa cả gia đình vợ và năm cô con gái về Đắk Lắk. 29 năm đi xa, chàng trai buôn Kô Siêr đã kịp nhận học vị Phó Tiến sĩ, học hàm Phó Giáo sư, đủ năng lực và trí tuệ lãnh đạo xuất sắc đơn vị khoa học “Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên” trong 21 năm liền đến tận lúc nhắm mắt xuôi tay đi về “đất nước ông bà” ở tuổi 74.
Bác sĩ Nguyễn Ái Phương cùng các cán bộ khoa học Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên (do chính ông tuyển dụng và bồi dưỡng nên) thực hiện thành công nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho đồng bào dân tộc lẫn nghiên cứu, áp dụng vào hoạt động y tế ở vùng Tây Nguyên rộng lớn; đặc biệt là các chương trình: phòng chống bệnh dịch hạch, tiêm chủng mở rộng, vệ sinh môi trường… Tuổi cao vẫn không ngăn được ông say mê với khoa học đến với đồng bào các buôn làng xa xôi, hẻo lánh.
Với những công lao, đóng góp to lớn vì sự nghiệp y tế vùng dân tộc, Giáo sư Y Nuê Buôn Krông (Nguyễn Ái Phương) đã được Nhà nước tặng danh hiệu cao quý Thầy thuốc Nhân dân và nhiều huân chương, huy chương, bằng khen, giấy khen của ngành y tế trong và ngoài nước. Giáo sư Y Nuê còn mơ ước dựng nên một “tượng đài khoa học” hiện đại, mang dáng vẻ kiến trúc Êđê nằm giữa trung tâm của vùng cao nguyên đất đỏ. Ông đã toại nguyện khi cắt băng khánh thành công trình “Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên” vào tháng 10-1995. Đó cũng là một trong những dấu ấn ông gửi gắm tình yêu thương vô vàn cho quê hương Tây Nguyên thân yêu. Những người con của ông đều là những trí thức giỏi, có thời gian dài gắn bó với Tây Nguyên trong mọi lĩnh vực.
50 năm theo Đảng, trong cuộc đời hiến dâng cho sự nghiệp y tế, đến tận hơi thở cuối cùng, con trai người nô lệ buôn Kô Siêr xứng đáng là một trong những trí thức hàng đầu của các dân tộc Tây Nguyên.
Hàng loạt những trí thức Tây Nguyên trẻ trung đầu tiên, ngày ấy đều vừa hơn 20 mùa rẫy, hăm hở theo Việt Minh, tham gia Cách mạng Tháng Tám và kháng chiến chống Pháp như Ksor Ní, Ksor Krơn, Nay Đe, Nay Phin, Siu Pơi… ở Gia Lai; Y Ngông Niê Kdam, Y Blốk Êban, Y Tlam, Y Wang Mlô Dun Du, Ama Khê, Minh Sơn… ở Đắk Lắk. Người ở lại miền Nam bền bỉ tham gia chiến đấu chống Mỹ như Ksor Krơn, Y Blốk Ê Ban, Ama Khê, Minh Sơn…; người tập kết ra Bắc nỗ lực học hành như Ksor Ní, Y Ngông, Y Nuê… Có người bị thực dân Pháp lưu đày sang tận Thái Lan như cụ Y Som Êban. Họ sau này đều thành danh và có những cống hiến lớn lao cho cách mạng, cho đồng bào các dân tộc Tây Nguyên trên mọi lĩnh vực. |
H’Linh Niê
Ý kiến bạn đọc